Bình Yên làng cổ Phong Nam

Mỗi khi đến Đà Nẵng, thi thoảng tôi lại ngược phố về thăm lại làng cổ Phong Nam (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng). Không giống như nhiều người đến làng cổ để tránh nắng hè gay gắt, tôi lại thường chọn tháng tám, tháng chín để làm cuộc hành trình bởi yêu thiết tha thời điểm giao mùa nơi làng cổ Phong Nam.

Bình yên làng cổ Phong Nam.

Bình yên làng cổ Phong Nam.

Theo nhiều cụ cao niên trong làng, làng Phong Nam vốn là một trong những vùng đất được khai thác sớm từ thời Chăm. Đến thời Trần, Lê những cư dân Đại Việt đầu tiên đặt chân lên vùng đất này sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, các loại nông sản ngô, khoai, mè. Cùng với quá trình khai phá lập và giữ làng, cư dân nơi đây đã xây dựng những thiết chế văn hóa tín ngưỡng thấm đượm tình làng nghĩa quê mà tiêu biểu nhất là những công trình nhà cổ, miếu đình, nhà thờ tồn tại cách đây hơn 100 năm… Tới ngày nay, ngôi làng đã nhiều lần đổi tên như những làng quê khác ở Việt Nam: tên Phong Lệ có từ thời Ông Ích Khiêm hay trước đó là Đà Ly…

Khác với cuộc sống ồn ào, nhộn nhịp nơi đô thị Đà Nẵng, làng cổ Phong Nam như tách hẳn với thế giới bên ngoài. Đặc biệt, khi trời hạ chuyển tiết sang thu, lối về làng cổ Phong Nam đẹp đến nao lòng. Những chú trâu thả bước chậm chạp về phía cuối ruộng đồng vừa nhuộm màu lúa chín vàng ươm, tiếng cười trong trẻo của những em bé nô đùa vang vọng trong gió thoảng đưa xa xa. Con đường bê-tông vào làng trải dài một màu quê ngát xanh. Có lẽ hơi thu mát lành từ những đợt mưa phùn vừa thấm đất đủ để những đám cỏ, luống khoai, bãi bắp, giàn bí, bầu thêm xanh mơn mởn... Nhưng ngạc nhiên hơn là màu xanh mướt xen lẫn màu nâu tím nhạt của vườn lá mơ mở ra trước mắt, rộng dài tít tắp. Một cảm giác thật ngây ngất khi được tận hưởng mùi cỏ non, mùi đất ẩm hơi sương và hương thơm nồng nồng của lá mơ, mọi mệt mỏi dường như tan hết.

Được biết, làng cổ Phong Nam là một trong số ít ngôi làng còn giữ được nét đặc trưng thuần Việt. Từ tường rào, cổng ngõ xanh đến bến nước sông quê. Ở đây, nhà cách nhà bờ rặng rau mơ, hàng tre, cau chứ không phải bởi những bức tường gạch hay bờ đá khô cằn như những nơi khác. Đi dọc từ đầu làng đến cuối làng, sẽ cảm tưởng như mình đang đi giữa những bức tường xanh mướt mờ lại tỏa hương thơm nhẹ nhàng, quyến luyến từng bước chân…

Đến với làng cổ Phong Nam, không chỉ tận hưởng cảnh đẹp thiên nhiên, những công trình kiến trúc có bề dày lịch sử mà còn cảm nhận được sự thân thiện, gần gũi, chất phác của những con người nơi đây. Nếu muốn, du khách có thể xin được lưu trú vài ngày ở nhà dân. Những đôi tay gầy gò của các bà, các chị sẽ giúp du khách trải nghiệm các thú vui bắt tôm, bắt cá, ốc đầy thú vị. Và rồi điều thích thú nhất là được thưởng thức món ngon dân dã đồng quê do tự tay mình chế biến với những con cá, tôm vừa bắt được rồi ngồi nhâm nhi chén trà nóng hổi mà nghe các cao niên trong làng truyền tụng về Ông Ích Khiêm, những lần viếng thăm làng của Cao Bá Quát...

Có lẽ mỗi chúng ta ai cũng có nhiều nơi để đi, nhưng chỉ có một nơi để quay về. Với tôi, làng cổ Phong Nam luôn là nơi tôi mong muốn được rũ bỏ mọi lo toan thường nhật để quay về. Ở đó, không hiểu sao những mảnh vụn ký ức tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ... cùng bóng hình của cha, của mẹ lom khom trên cánh đồng, ven đê thi nhau ùa về. Chỉ ngần ấy thôi, mà cứ mỗi độ đến thu, lòng lại xốn xang lạ lùng, để đôi chân cứ quấn quýt lang thang tìm về làng Phong Nam.

Phan Thị Thanh Ly

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/binh-yen-lang-co-phong-nam-post286693.html