BOJ báo hiệu khả năng tăng lãi suất nếu đồng yên yếu làm tăng lạm phát

Hôm thứ Năm (18/4), Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda cho biết, ngân hàng trung ương có thể tăng lãi suất một lần nữa nếu đồng yên sụt giảm đáng kể đẩy lạm phát lên cao.

Đồng thời, ông Ueda nhấn mạnh những tác động của động thái tiền tệ có thể xảy ra đối với thời điểm thay đổi chính sách tiếp theo.

Trong cuộc họp báo sau khi tham dự cuộc họp của các nhà lãnh đạo tài chính G20 tại Washington, ông Ueda cho biết: “Có khả năng việc đồng yên yếu có thể thúc đẩy xu hướng lạm phát thông qua việc tăng giá hàng hóa nhập khẩu… Nếu tác động trở nên quá lớn để, nó có thể dẫn đến thay đổi chính sách tiền tệ”.

Ông Ueda cho biết, BOJ sẽ xem xét kỹ lưỡng sự sụt giảm của đồng yên trong năm nay có thể ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và giá cả, đồng thời tính đến những phát hiện này để đưa ra dự báo tăng trưởng hàng quý và lạm phát mới tại cuộc họp chính sách vào tuần tới.

Nhận xét của ông Ueda đã làm tăng khả năng BOJ sẽ điều chỉnh lại dự báo lãi suất và dự báo lạm phát vào tuần tới, được kỳ vọng sẽ quanh mục tiêu 2% cho đến đầu năm 2027.

Đồng yên đã suy yếu kể từ khi BOJ đưa lãi suất thoát khỏi mức âm vào tháng 3 khi các nhà giao dịch tập trung vào hướng dẫn ôn hòa của ngân hàng trung ương, điều này làm tăng khả năng lãi suất của Nhật Bản sẽ ở mức gần 0 trong một thời gian.

Trong khi đồng yên yếu thúc đẩy xuất khẩu, điều này lại trở thành vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản vì nó làm tăng chi phí sinh hoạt của các hộ gia đình bằng cách đẩy giá nhập khẩu lên cao.

Sự phục hồi mạnh mẽ của đồng đô la do kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn của Mỹ gần đây đã đẩy đồng yên xuống mức thấp nhất trong 34 năm, làm tăng nguy cơ can thiệp tiền tệ của chính quyền Nhật Bản.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết, sự sụt giảm gần đây của đồng yên có thể phản ánh nhiều yếu tố khác nhau, không chỉ chênh lệch lãi suất.

“Mức tỷ giá hối đoái không chỉ được xác định bởi lãi suất mà gồm nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như số dư tài khoản vãng lai của mỗi quốc gia, tâm lý của những người tham gia thị trường và giao dịch đầu cơ, thúc đẩy biến động tiền tệ”, ông cho biết.

Mặt khác, một quan chức cấp cao của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hôm thứ Năm (18/4) cho biết, sự sụt giảm gần đây của đồng yên phần lớn phản ánh khoảng cách lãi suất giữa Nhật Bản và Mỹ.

Hạc Hiên / Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/boj-bao-hieu-kha-nang-tang-lai-suat-neu-dong-yen-yeu-lam-tang-lam-phat-post343637.html