'Bơm dầu' để 'đầu tàu' kinh tế TP.HCM bứt tốc

Năm 2022, kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đạt 'kỳ tích', phục hồi mạnh mẽ, phát triển nhanh hơn dự báo khi tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9,03%. Tuy nhiên trong quý I/2023, tăng trưởng kinh tế của Thành phố (TP) chỉ đạt mức tăng 0,7%. Đối với một nền kinh tế giữ vai trò 'đầu tàu' của cả nước, mức tăng trưởng này rất đáng lo ngại, 'đe dọa' đến việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng cho cả năm 2023 của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Nhiều thách thức

Theo UBND TP.HCM, trong quý I/2023 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP đạt hơn 360.622 tỷ đồng, tăng 0,7%. Đây là mức tăng trưởng thấp, trong đó có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm là vận tải kho bãi (giảm 0,63%), thông tin và truyền thông (giảm 2,70%), kinh doanh bất động sản (giảm 16,2%), y tế và hoạt động cứu trợ xã hội (giảm 4,82%).

Nếu không bứt phá, TP.HCM sẽ mất dần vai trò dẫn dắt của một “đầu tàu” kinh tế.

Nếu không bứt phá, TP.HCM sẽ mất dần vai trò dẫn dắt của một “đầu tàu” kinh tế.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3/2023 ước đạt 85.714 tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng 2/2023. Như vậy đã có 3 tháng liên tiếp chỉ tiêu này giảm so với tháng trước, chủ yếu do tác động của dịch vụ khác giảm (bất động sản, vui chơi giải trí). Trong quý I/2023, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 10,1 tỷ USD, giảm 16,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,5%); tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 12,5 tỷ USD, giảm 25% (cùng kỳ tăng 18,4%).

Thị trường bất động sản suy giảm, thị trường tài chính gặp khó khăn ảnh hưởng đến sức cầu hàng hóa và quy mô hoạt động của doanh nghiệp; tình hình việc làm biến động; sức mua đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa đủ kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng. Trong khi đó, việc giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 thấp (đạt 4%). Tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Dự báo trong quý II/2023, kinh tế TP tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó lường; thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn; sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuất khẩu thu hẹp.

Báo cáo của Thành ủy TP.HCM cũng đã chỉ rõ: TP hiện đang phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực lớn về hạ tầng kinh tế - xã hội, ngập úng, chất thải, khói bụi, ô nhiễm, nhà ở... Công tác lập các quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm tiến độ. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; các chuỗi cung ứng, sản xuất, lao động chưa hoàn toàn phục hồi, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn kinh doanh, thiếu mặt bằng sản xuất. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn, riêng quý I/2023 đã có gần 18.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, chiếm 29,8% cả nước, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2022…

“Xốc” tinh thần làm việc

Lãnh đạo Trung ương, TP.HCM, các chuyên gia đã chỉ ra nhiều yếu tố khiến tăng trưởng thấp của TP.HCM trong quý I/2023, trong đó không thể không nhắc đến tinh thần làm việc “chùng xuống” của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh phòng chống tham nhũng.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã thẳng thắn đánh giá, có thực trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một số bộ phận cán bộ, công chức viên chức. Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM sẽ có Chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển.

“Sự trì trệ của hệ thống hành chính cũng là một nguyên nhân quan trọng đối với kết quả quý I/2023. Đồng thời, những động lực tăng trưởng của TP vốn đã suy giảm trong nhiều năm qua lại bị thách thức, bào mòn rất lớn sau đại dịch Covid-19, trong khi những vướng mắc cũ phát sinh trong đại dịch và gần đây chưa được giải quyết triệt để, những động lực mới, không gian phát triển mới chưa được xây dựng và phát huy”, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.

Trao đổi với báo chí tại Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân TP.HCM khóa X (nhiệm kỳ 2021 – 2026) diễn ra mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết: Tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức là điều TP cần sớm khắc phục. Đồng thời cần văn bản pháp luật để bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung khi có rủi ro. Hiện TP đang rà soát các văn bản, thống kê, phân loại từng nhóm và làm rõ thẩm quyền để có hướng xử lý, giải quyết. Đồng thời TP đang xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 (ngày 24/11/2017) của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.

Trước dấu hiệu tăng trưởng kinh tế TP.HCM giảm tốc, giữa tháng 4/2023 Thường trực Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với TP.HCM để tìm giải pháp khơi thông điểm nghẽn, nhằm đưa “đầu tàu” kinh tế cả nước tiếp tục bước lên.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu TP.HCM tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn, việc làm sinh kế cho người dân; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Xử lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, thị trường trái phiếu, bất động sản; quy hoạch, giao đất, định giá đất; triển khai chương trình phục hồi và phát triển, kích cầu đầu tư, tiêu dùng. Tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu); cơ cấu lại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng. Giải ngân đầu tư công mạnh mẽ hơn, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.

Thủ tướng cũng yêu cầu TP tập trung cải cách hành chính, khẩn trương giải ngân vốn đã được giao, làm tốt công tác cán bộ, tránh khuynh hướng sợ trách nhiệm, không dám làm, đi đôi với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Thành lập ngay Tổ công tác do Chủ tịch UBND TP làm tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn cho người dân.

“TP cần giải quyết các vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài; nâng cao tinh thần trách nhiệm và triển khai các biện pháp liên quan tới cán bộ, tạo môi trường, hành lang an toàn cho cán bộ làm việc, động viên, khuyến khích người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì công việc chung”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Đáng chú ý, kết thúc Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Hội đồng nhân dân TP.HCM đã thông qua 16 nghị quyết quan trọng, trong đó nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2023. Điều này kỳ vọng sẽ giúp TP.HCM tháo gỡ các điểm nghẽn trước mắt, giải phóng năng lực, bứt tốc phát triển trong những tháng còn lại của năm 2023, đáp ứng sự kỳ vọng của Trung ương và người dân TP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, thành viên Chính phủ chủ động phối hợp, hỗ trợ TP.HCM, để TP phát triển nhanh, bền vững; trên tinh thần “cả nước vì TP.HCM, TP.HCM vì cả nước”. Trong đó có sự hỗ trợ về quy hoạch, hấp thụ vốn, tiếp cận vốn, giãn nợ, hoãn nợ, hoãn - giảm thuế, tiền thuê đất, đẩy nhanh tiến độ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án bất động sản cụ thể. Trong năm 2023, TP.HCM đề ra 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó về kinh tế, TP phấn đấu GRDP đạt 7,5 - 8%, hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước (469.681 tỷ đồng), tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt từ 95% trở lên, tổng thu du lịch đạt 120.000 tỷ đồng.

Xuân Tình

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bom-dau-de-dau-tau-kinh-te-tphcm-but-toc-155117.html