Bóng bàn hy vọng vào điều kỳ diệu

Đầu tuần này, toàn bộ 4 VĐV đội tuyển bóng bàn Việt Nam chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2024 đều đã tập trung tại Hà Nội để bước vào giai đoạn cao điểm. Không có nhiều cơ hội để tranh tấm vé tại vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á nhưng dù sao người trong cuộc vẫn hy vọng vào điều kỳ diệu.

Không… rồi lại có

Ban đầu, những người có trách nhiệm với bóng bàn Việt Nam không đặt ra kế hoạch tham dự vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á. Lý do được chỉ là ở sân chơi này, với trình độ hiện tại, các tay vợt Việt Nam khó làm nên chuyện. Trước đây, khi khu vực Đông Nam Á còn có vòng loại Olympic thì bóng bàn Việt Nam còn có cơ hội tranh chấp vé tham dự. Điều này đã được chứng minh bằng tấm vé dự Olympic năm 2004 và 2008 của tay vợt Đoàn Kiến Quốc. Và đến nay, Đoàn Kiến Quốc cũng là tay vợt Việt Nam duy nhất giành vé trực tiếp tham dự Olympic.

Tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang nhận được nhiều kỳ vọng ở lần dự vòng loại Olympic 2024 sắp tới.

Tay vợt Mai Hoàng Mỹ Trang nhận được nhiều kỳ vọng ở lần dự vòng loại Olympic 2024 sắp tới.

Tuy nhiên, khi Liên đoàn Bóng bàn thế giới không duy trì vòng loại Olympic khu vực Đông Nam Á mà chỉ còn đuy trì vòng loại Olympic khu vực châu Á thì các tay vợt Việt Nam cũng hầu như hết hy vọng đến với sân chơi Olympic. Điều này càng dễ nhận thấy khi các tay vợt Việt Nam ít dự giải quốc tế đến nỗi có người không còn xuất hiện trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Bóng bàn thế giới do không dự đủ số giải quy định. Điều đó đồng nghĩa với việc góp mặt ở sân chơi Olympic thông qua vị trí trên bảng xếp hạng thế giới cũng không khả thi. Đó là điều mà cầu lông Việt Nam và nhiều bộ môn khác đang thực hiện tốt.

Còn ở vòng loại Olympic khu vực châu Á, kể cả khi các tay vợt Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… không tham dự thì vẫn còn vô số tay vợt khác xếp trên về trình độ trước các tay vợt Việt Nam. Cũng vì nhận thấy không có cơ hội ở sân chơi này, cộng với đo đếm về kinh phí dự giải nên phía bộ môn bóng bàn (Cục TDTT) mới tính đến phương án không tham dự.

Tuy nhiên, kể cả khi không có cơ hội hoặc rất ít cơ hội thì cũng phải cần góp mặt để nâng cao trình độ cho VĐV, khẳng định sự “tồn tại” của bóng bàn Việt Nam trên bản đồ bóng bàn thế giới và hy vọng vào điều kỳ diệu để có thể sở hữu tấm vé dự Olympic – đó cũng là quan điểm của lãnh đạo Cục TDTT khi nhận phản hồi từ giới truyền thông cũng như giới chuyên môn. Cũng vì thế mới có quyết định mới về kế hoạch thi đấu năm 2024 trong đó có việc tham dự vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á tại Thái Lan. Không kể, chi phí thi đấu tại đây cũng phù hợp với điều kiện của bóng bàn Việt Nam. Nhờ đó, người có trách nhiệm tính toán được thêm nhiều nước cờ trong khâu chuẩn bị trong đó có một chuyến tập huấn tại Trung Quốc trước khi dự giải.

Thực tế, vấn đề vẫn nằm ở “cái khó bó cái khôn” và góc nhìn của những người có trách nhiệm. Cho nên, mới có chuyện từ “không” đến “có” trong quyết định tham dự vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á sắp tới. Nhưng dù sao, đội tuyển đã tập trung để hướng đến một sân chơi ở đẳng cấp cao, có tính cạnh tranh khốc liệt nhất so với bất kỳ giải quốc tế nào mà ban đầu những người có trách nhiệm định lựa chọn cho các tay vợt Việt Nam tham dự.

Trông vào người cũ

Trong 4 VĐV được gọi tập trung vào đội tuyển bóng bàn Việt Nam dự vòng loại Olympic 2024 khu vực châu Á, 2 tay vợt nữ đến từ TP Hồ Chí Minh gồm Mai Hoàng Mỹ Trang, Nguyễn Khoa Diệu Khánh, trong khi 2 tay vợt nam đến từ Hà Nội là Nguyễn Anh Tú và T&T là Đinh Anh Hoàng. Tất cả đều đang được đánh giá là có phong độ tốt nhất trong thời gian gần đây.

Trong số này, Mai Hoàng Mỹ Trang từng chia tay đội tuyển bóng bàn Việt Nam cách đây hơn 3 năm và chỉ tập trung vào việc thi đấu cho đội TP Hồ Chí Minh. Nhưng kể cả khi không góp mặt ở đội tuyển quốc gia thì Mai Hoàng Mỹ Trang vẫn không đánh mất vị thế của mình. Trong đó, năm 2023, Mai Hoàng Mỹ Trang tiếp tục vô địch quốc gia và đó cũng là lần thứ 13 cô lên ngôi nội dung đơn nữ ở sân chơi này, tạo nên thành tích vô tiền khoáng hậu trong làng bóng bàn Việt Nam. Cũng vì vậy, khi bóng bàn Việt Nam hướng đến tấm vé dự Olympic, những người có trách nhiệm đã vời đến Mai Hoàng Mỹ Trang.

Đáng chú ý, trong giai đoạn đầu tập trung, cả Mai Hoàng Mỹ Trang và Nguyễn Khoa Diệu Khánh đều tập trung ở TP Hồ Chí Minh được ngành thể thao thành phố hỗ trợ về chuyên gia thể lực thông qua nguồn xã hội hóa. Sau 2 đợt kiểm tra, cả Mỹ Trang và Diệu Khánh đều có sự thay đổi rõ nét về thể lực. Với trường hợp Mỹ Trang, theo đánh giá của chuyên gia Maik Berger – người trực tiếp huấn luyện thể lực cho cả 2 tay vợt, so với kiểm tra đợt 1, có sức mạnh tăng thêm 20%, tính linh hoạt tăng thêm 50%... Trong khi đó, ở Hà Nội, cả 2 tay vợt nam tập luyện với Ban huấn luyện và không có được sự hỗ trợ chuyên gia thể lực như với trường hợp 2 tay vợt nữ. Tất cả vẫn cho thấy phần nào về khâu xã hội hóa trong việc đầu tư cho đội tuyển khi mỗi nơi mỗi kiểu về chuẩn bị thể lực cho VĐV.

Còn trong danh sách Ban huấn luyện cũng chứng kiến sự trở lại của tay vợt kỳ cựu Đoàn Kiến Quốc, người từng tham gia Ban huấn luyện đội tuyển năm 2019. Từng thành công khi chinh phục vé dự Olympic khi còn là VĐV, đến lúc này người ta lại hy vọng cái duyên với tấm vé dự Olympic của HLV Đoàn Kiến Quốc sẽ truyền được tới các VĐV.

Nhưng để đợi cái duyên cũng phải có một nền tảng vững vàng, bắt đầu từ quá trình chuẩn bị. Đấy mới là điều cần thiết nhất lúc này để hướng đến những mục tiêu xa hơn với bóng bàn Việt Nam.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-hoa/bong-ban-hy-vong-vao-dieu-ky-dieu-i723239/