Bức tranh tích cực của các khu công nghiệp xanh
Dù tình hình kinh tế vẫn chưa khởi sắc, lạm phát khiến giá cả và chi phí tăng, song bức tranh kinh doanh của các khu công nghiệp (KCN) xanh, KCN sinh thái khu vực phía Nam như IDICO, Long Hậu, Hiệp Phước... đang cho thấy những điểm tích cực khi gần như không có doanh nghiệ
Lợi nhuận giảm, nhưng không lỗ
Trong quý III, KCN có quy mô lớn nhất TP.HCM là KCN Hiệp Phước (mã HPI) ghi nhận tổng doanh thu đạt gần 31,8 tỷ đồng, giảm khoảng 16% so với con số 37,8 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Công ty báo lãi ròng 11,93 tỷ đồng, giảm 31% so với mức lãi hơn 17,1 tỷ đồng cùng kỳ.
Theo lãnh đạo HPI, doanh thu cho thuê đất và các doanh thu khác giảm, giá vốn giảm trong khi chi phí bán hàng, dịch vụ tăng... khiến lợi nhuận quý III/2023 của doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Công ty CP Long Hậu (mã KHG), chủ KCN sinh thái Long Hậu ghi nhận doanh thu thuần hơn 67 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ cho thuê nhà xưởng, khu lưu trú, trung tâm thương mại là 40 tỷ đồng, còn hơn 27 tỷ đồng từ các hoạt động khác.
Nguyên nhân lớn nhất khiến lợi nhuận LHG sụt giảm là do trong kỳ không phát sinh doanh thu từ cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng và xưởng xây sẵn theo yêu cầu.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, LHG ghi nhận doanh thu gần 250 tỷ đồng và lãi ròng 107 tỷ đồng, giảm lần lượt 52% và 38% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Long Hậu thực hiện được 84% chỉ tiêu lãi sau thuế cả năm sau 9 tháng và hoàn toàn có thể hoàn thành kế hoạch đề ra trong 3 tháng còn lại của năm 2023.
Một tên tuổi khác là Tổng Công ty IDICO (mã IDC). Kết thúc quý III, IDICO ghi nhận doanh thu thuần gần 1,444 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Lãi ròng chỉ còn 161 tỷ đồng, giảm tới 62%.
IDC cho biết doanh thu giảm do các hợp đồng cho thuê hạ tầng khu công nghiệp (KCN) chưa đến thời điểm đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần theo quy định, khiến lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó, một phần do chi phí lãi vay của IDC tăng 64% so với cùng kỳ lên gần 43 tỷ đồng.
Cộng với kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, lũy kế 9 tháng, IDC ghi nhận doanh thu thuần gần 4,998 tỷ đồng và lãi ròng hơn 842 tỷ đồng, giảm lần lượt 29% và 60% so với cùng kỳ.
Việt Nam có lợi thế thu hút dòng vốn FDI "xanh"
Theo các chuyên gia, bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực mặc dù có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư FDI với rất nhiều lợi thế.
Trước đó, trả lời Nhadautu.vn về thu hút đầu tư FDI vào các KCN xanh, ông Phan Văn Chính, Phó Tổng Giám đốc IDICO cho biết, Việt Nam có nhiều thuận lợi trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo sự ổn định chính sách và pháp luật, giảm thiểu rủi ro và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
"Khi các nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, những yếu tố quan trọng đầu tiên họ quan tâm là vị trí và mặt bằng, các tiện ích phục vụ sản xuất như cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải cũng như nguồn lao động có đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của họ không. Tuy nhiên, xu hướng phát triển sản xuất sẽ theo hướng bền vững với tiêu chí ESG.
Do đó, phát triển KCN không chỉ các tiện ích phục vụ cho sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư mà cần phát triển thêm các tiện ích như nhà ở cho người lao động, phát triển năng lượng xanh như điện mặt trời áp mái, xử lý chất thải tuần hoàn...", ông Chính cho biết.
Hiện nay, có rất ít KCN đầu tư vào nhà ở cho công nhân, thường các công nhân phải tự tìm kiếm nhà trọ, gặp rất nhiều khó khăn như giá thuê nhà đắt và không gian chật hẹp, không đảm bảo an ninh và nhiều vấn đề phát sinh khác.
Còn theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, các nhà đầu tư nước ngoài đang tin tưởng mạnh mẽ vào môi trường đầu tư của Việt Nam, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tham gia và triển khai thực hiện hiệu quả 16 Hiệp định FTA đã ký, trong đó có các FTA thế hệ mới với các cam kết sâu rộng và toàn diện như CPTPP, RCEP và EVFTA...
Bên cạnh đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo ông Phương, chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược với một số mục tiêu tổng quát.
Đầu tiên, thu hút các dự án FDI sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Đồng thời, mở rộng thị trường; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và sản phẩm nội địa.
Cùng với đó, nâng cao hiệu quả, chất lượng toàn diện trong công tác thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài, tăng tỷ lệ đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội, tương xứng với những ưu đãi, hỗ trợ được hưởng.
Đến nay, trên cả nước đã hình thành hệ thống hơn 400 khu công nghiệp với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 128.000 ha, tổng diện tích đất công nghiệp đạt trên 86.000 ha. Các khu công nghiệp được hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhà xưởng và chất lượng quốc tế, nghiên cứu thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương.
Theo Liên Thượng/nhadautu.vn
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/buc-tranh-tich-cuc-cua-cac-khu-cong-nghiep-xanh.html