Bước tiến ngập ngừng

Hội nghị Thượng đỉnh giữa châu Âu với khu vực Mỹ Latin và Caribe (EU-CELAC) vừa được nối lại sau 8 năm gián đoạn, được kỳ vọng sẽ tạo ra khởi đầu mới cho mối quan hệ giữa hai khu vực dựa trên nền tảng các giá trị chung. Tuy nhiên quá khứ 400 năm thuộc địa, sự quan tâm của châu Âu đến tài nguyên cũng như lập trường khác biệt trong vấn đề Ukraine một lần nữa khiến những người bạn cũ trở nên bối rối.

Ra mắt vào năm 2010, CELAC là khối gồm 33 quốc gia Mỹ Latin và Caribe với mục đích liên kết các quốc gia này để tăng cường đối thoại chính trị và hội nhập văn hóa xã hội của khu vực, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, kích thích tăng trưởng kinh tế và nâng cao phúc lợi cho người dân. Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra ở châu Âu được tổ chức lần thứ 3 sau 8 năm gián đoạn.

Hội nghị Thượng đỉnh EU-CELAC hôm 18.7 tại Brussels. Ảnh: AFP

Hội nghị Thượng đỉnh EU-CELAC hôm 18.7 tại Brussels. Ảnh: AFP

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đề cập đến nhiều chủ đề như: tăng cường hợp tác trong các diễn đàn đa phương, hòa bình và ổn định khu vực, thương mại và đầu tư, phục hồi kinh tế, nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nghiên cứu và đổi mới, công lý và an ninh cho công dân... Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về cách khai thác tiềm năng và cơ hội to lớn mà quá trình chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số mang lại để tăng cường sự thịnh vượng cho hai khu vực.

Khởi đầu mới giữa những người bạn cũ?

Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết: “Hội nghị thượng đỉnh EU - CELAC năm nay giống như một khởi đầu mới giữa những người bạn cũ”. Bà von der Layen nhấn mạnh, với Chương trình đầu tư “Cửa ngõ toàn cầu” (Global Gateway), khoảng 45 tỷ euro sẽ được đầu tư từ nay đến năm 2027 vào khu vực với mong muốn mang lại lợi ích và tạo ra chuỗi giá trị tại địa phương. Khoảng 130 dự án được thông báo, bao gồm nhiều lĩnh vực như chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, chuyển đổi kỹ thuật số, đào tạo nghề, y tế, bao gồm sản xuất vaccine.

Là một phần trong chiến lược “Cửa ngõ toàn cầu” của EU, trong Hội nghị thượng đỉnh EU - CELAC, Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và Banco Santander đã ký khoản vay trị giá 300 triệu euro để hỗ trợ thành lập một loạt nhà máy quang điện quy mô nhỏ ở Brazil. Tương tự, EIB cũng công bố khoản vay 200 triệu euro cho Banco del Estado de Chile để tài trợ cho những ngôi nhà mới với tiêu chuẩn hiệu quả năng lượng tốt hơn và khoản vay 100 triệu euro để hỗ trợ ngành công nghiệp hydro tái tạo đang phát triển của Chile.

Trong lĩnh vực kỹ thuật số, hai bên đã nhất trí thành lập Liên minh kỹ thuật số EU-LAC. Đây sẽ là một khuôn khổ hợp tác về các vấn đề kỹ thuật số vì lợi ích của công dân của cả hai khu vực và tái khẳng định cam kết đối với quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.

Lịch sử 400 năm

Tuy nhiên, có nhiều vấn đề đã phủ bóng lên hội nghị khiến cả những vị khách và các nước chủ nhà trở nên bối rối. Đối với Mỹ Latin, ký ức 400 năm thuộc địa của châu Âu, bóc lột kinh tế và chế độ nô lệ bỗng chốc quay trở lại khi EU tỏ ra quan tâm đặc biệt đối với tài nguyên thiên nhiên. Đối với các nước chủ nhà, việc các nước Mỹ Latin không đứng về phía họ trong cuộc chiến ở Ukraine đã khiến việc ra tuyên bố chung trở nên khó khăn.

Tây Ban Nha, quốc gia giữ chức chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu đã muốn nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ về văn hóa và ngôn ngữ giữa hai bên. Nhưng mối liên kết đó hầu như lại không mấy vui vẻ khi Tây Ban Nha, và châu Âu đã từng xâm chiếm phần lớn Mỹ Latin bắt đầu từ năm 1493 và trong hơn 400 năm tiếp theo đó.

Trong khi các nhà Lãnh đạo châu Âu hy vọng xoa dịu căng thẳng địa chính trị, thì các đối tác Mỹ Latin của họ đã đến hội nghị với thông điệp rõ ràng: Xác định quan hệ ngày nay có nghĩa là giải quyết và sửa chữa những bất công trong quá khứ - đặc biệt là khi EU một lần nữa hướng đến khu vực giàu tài nguyên này để phục vụ quá trình chuyển đổi xanh của EU. Thủ tướng của Saint Vincent và Grenadines - một quốc đảo nhỏ đứng đầu nhóm 33 quốc gia - đã kêu gọi đàm phán về các khoản bồi thường kinh tế cho quá trình thuộc địa hóa và chế độ nô lệ.

“Nguồn lực từ việc khai thác tài nguyên và buôn bán nô lệ ở Mỹ Latin đã giúp thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp và tạo cơ sở cho rất nhiều của cải ở Tây Âu”, ông Ralph Gonsalves tuyên bố. Đây là một phần trong lập luận của ông về kế hoạch “sửa chữa những di chứng lịch sử dẫn đến tình trạng kém phát triển của khu vực".

Căng thẳng thương mại

Các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Mercosur - nhóm bốn nền kinh tế lớn của Mỹ Latin - cũng phản ánh những căng thẳng rộng lớn hơn về ý nghĩa thực sự của việc châu Âu bắt đầu lại từ đầu trong mối quan hệ bình đẳng.

Thỏa thuận Mercosur chỉ được đề cập sơ qua trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị. Điều đó có nghĩa là các cuộc đàm phán với Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay đã bị hoãn lại bất chấp những hy vọng trước đó rằng hội nghị có thể tiếp thêm năng lượng mới cho các cuộc đàm phán để hoàn tất một thỏa thuận thương mại, mặc dù Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói sau hội nghị rằng “tham vọng của chúng tôi là chậm nhất vào cuối năm nay”.

Trong khi đó, ngành công nghiệp và xã hội dân sự của chính Mỹ Latin đang có những cách hiểu khác nhau về về việc liệu thỏa thuận có giúp đưa các quốc gia này bình đẳng với các đối tác châu Âu của họ hay không.

Đối với các doanh nghiệp, thỏa thuận cần được ký kết để đảm bảo khu vực này vẫn còn trên bản đồ chính trị và kinh tế của EU. “Đối với chúng tôi, hiệp định thương mại rất quan trọng. Chúng tôi cần sự ổn định và không muốn bị phụ thuộc vào những thay đổi chính trị”, Luisa Santos thuộc nhóm vận động hành lang BusinessEurope cho biết.

Nhưng các tổ chức phi chính phủ không nhìn nhận theo cách đó. Hernán Saenz từ tổ chức phi chính phủ Oxfam cho biết: “Bất kỳ đề xuất nào nhằm biến khu vực thành nơi cung cấp tài nguyên thiên nhiên đơn thuần vì lợi ích của một phần trăm trong khu vực, các tập đoàn lớn và các nước giàu đều không thể chấp nhận”.

Cơn khát tài nguyên và chủ nghĩa khai thác

Việc ký kết thỏa thuận Mercosur đã trở nên quan trọng đối với EU, vốn đang dựa vào khu vực giàu tài nguyên này để cung cấp năng lượng cho các tuabin gió và xe điện mà khối này cần để đáp ứng các mục tiêu về khí hậu.

Brazil là nước xuất khẩu nguyên liệu thô chiến lược lớn nhất sang EU tính theo khối lượng, trong khi “tam giác lithium” bao gồm Chile, Argentina và Bolivia chiếm khoảng một nửa trữ lượng lithium của thế giới. Là một phần của hội nghị thượng đỉnh, Brussels và Chile đã ký một biên bản ghi nhớ mới về nguyên liệu thô.

Nhưng nhu cầu của EU đối với những kim loại và khoáng chất đó gợi lại những ký ức đen tối về đế quốc chinh phục Tây Ban Nha, những người đã lên kế hoạch thống trị phần lớn Nam Mỹ để thúc đẩy sự bùng nổ kinh tế ở quê nhà.

Liên quan đến quan hệ đối tác về nguyên liệu thô của kỷ nguyên hiện đại này, các quốc gia Mỹ Latin và Caribe nhấn mạnh, không thể dựa trên mô hình mà các quốc gia giàu có muốn khai thác các nguồn tài nguyên quý giá ở khu vực - thường là trong điều kiện môi trường và làm việc kém - chỉ để mang tài nguyên về chế biến và sản xuất, và biến các nước xuất khẩu tài nguyên trở nên phụ thuộc vào nhập khẩu thành phẩm.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi có cơ hội thảo luận với những điều khoản rõ ràng về một cơ chế giúp chúng tôi thoát khỏi chủ nghĩa khai thác ở Mỹ Latin”, Tổng thống Argentina Alberto Fernández phát biểu sau hội nghị. “Phải mất 5 thế kỷ để chúng tôi có được điều đó”.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-tien-ngap-ngung-i337059/