Bước tiếp nối chính sách hướng Đông của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc kéo dài 2 ngày.

Theo ông Zhao Minghao, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán, Thượng Hải, đánh giá mục đích chuyến thăm của Tổng thống Nga là nhằm ổn định mối quan hệ với Trung Quốc, nhất là về thương mại và năng lượng. Bên cạnh đó, chuyến công dù này có thể coi là bước tiếp nối chính sách hướng Đông của Nga, ưu tiên thúc đẩy quan hệ với các nước đối tác truyền thống, trong đó có Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi văn kiện tại Lễ ký Tuyên bố chung ở Bắc Kinh, ngày 16/5/2024.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi văn kiện tại Lễ ký Tuyên bố chung ở Bắc Kinh, ngày 16/5/2024.

Trong khi đó, bà Meia Nouwens, chuyên gia cấp cao về chính sách an ninh, quốc phòng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, tổ chức tư vấn có trụ sở tại London (Anh), đánh giá chuyến thăm của người đứng đầu Điện Kremlin diễn ra ngay sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vừa trở về từ châu Âu, báo hiệu rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi quan điểm về quan hệ song phương với Moscow, bất chấp sức ép từ phương Tây.

Giám đốc Viện Trung Quốc của Nga Adil Kaukenov nhấn mạnh, việc Tổng thống Vladimir Putin chọn Trung Quốc cho chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên sau khi nhậm chức cho thấy mối quan hệ "ngày càng bền chặt" giữa hai nước. Về phần mình, ông Alexei Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học Quốc gia Moscow (Nga) mang tên M.V. Lomonosov, nhấn mạnh, chuyến công du chủ yếu tập trung vào kinh tế và tầm nhìn toàn cầu đối với tình hình thế giới. Theo ông, Moscow và Bắc Kinh có những cách tiếp cận giống nhau liên quan đến trật tự đa cực và cùng hướng đến một thực tế là thế giới cần triệt tiêu hành động trừng phạt và không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

Củng cố quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Đông Nam Á... là một lựa chọn chiến lược của Nga trên cơ sở lợi ích cơ bản của chính mình và tình hình thế giới phức tạp hiện nay. Trên thực tế, tầm nhìn hướng Đông, chuyển hướng tăng cường quan hệ với các đối tác châu Á vốn là trọng tâm chính sách đối ngoại của Nga kể từ năm 2012, trên cơ sở xác định thế kỷ XXI là "thế kỷ của châu Á". Cuộc khủng hoảng Ukraine là nhân tố thúc đẩy chính sách này biến chuyển nhanh hơn, khi Mỹ và phương Tây áp dụng các biện pháp cô lập về chính trị và kinh tế chống lại Nga.

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh xung đột Nga - phương Tây chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong tương lai gần, Nga sẽ ngày càng tăng cường chuyển dịch sang phía Đông, đẩy mạnh các nỗ lực tự chủ kinh tế và thúc đẩy hợp tác với các quốc gia thân thiện nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây, duy trì đà phục hồi, phát triển kinh tế đất nước. Hướng Đông cũng sẽ tiếp tục là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga, bởi Moscow coi trọng vai trò của châu Á trong việc cân bằng cán cân sức mạnh với phương Tây.

Như Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/buoc-tiep-noi-chinh-sach-huong-dong-cua-nga-i731751/