Cà Mau: Bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước

Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Năm 2012, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được Ban thư ký Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước công nhận là khu Ramsar thứ 5 của Việt Nam và thứ 2.088 của thế giới. Đây là nơi bảo tồn nhiều loài động thực vật mang đặc trưng của hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, không chỉ có giá trị về kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa về bảo vệ môi trường.

Nằm cách trung tâm thành phố Cà Mau hơn 100km, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có tổng diện tích hơn 41.800ha, trong đó phần đất liền hơn 15.200ha và 26.600ha trên biển, thuộc địa giới hành chính của 3 huyện: Ngọc Hiển, Năm Căn và Phú Tân, với hệ sinh thái đặc trưng của vùng đất ngập nước ven biển.

Ngoài giá trị bảo tồn nguồn gen quý hiếm cho quốc gia, hệ sinh thái rừng ngập mặn mũi Cà Mau còn có giá trị trong bảo vệ môi trường. Các dãy rừng ngập mặn dọc theo bờ biển và ven sông có tác dụng quan trọng trong phòng hộ, chắn gió, chống xói lở và điều hòa khí hậu.

Trước tác động của việc phát triển kinh tế, sự thay đổi sinh kế của người dân, xói lở hàng năm đã và đang làm giảm tính đa dạng sinh học. Hiện việc bảo tồn hệ sinh thái đang được các lực lượng chức năng tăng cường, nhất là nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư.

Hiện Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau đang tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên rừng ngập mặn; đồng thời, xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng để thu hút du khách nhằm phát huy giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Chí Điển - Công Tràng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ca-mau-bao-ton-he-sinh-thai-dat-ngap-nuoc-221191.htm