Cả nước có 95,2% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, năm 2022 có 10.596/10.599 đơn vị cấp xã trên cả nước đã triển khai đánh giá, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, 10.086/10.596 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 95,2%.

Cả nước có 95,2% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: Q.Thái

Cả nước có 95,2% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Ảnh: Q.Thái

95,2% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Bộ Tư pháp vừa có Báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 127/BC-BTP ngày 5/4/2023 về kết quả thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Theo đó, trong 2 năm (2021 - 2022), Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn, in ấn 9.500 cuốn sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ về chuẩn tiếp cận pháp luật và cấp phát cho Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, UBND cấp xã, ưu tiên địa bàn có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn; biên soạn một số tài liệu pháp luật (tiểu phẩm, tờ gấp, tình huống) phục vụ triển khai các tiêu chí tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; xây dựng 4 video bài giảng điện tử theo chuyên đề hướng dẫn triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP. Các tài liệu được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và Trang tin Phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp.

Sở Tư pháp các địa phương chú trọng biên soạn tài liệu hỗ trợ cấp huyện, cấp xã triển khai việc đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu (trong đó, hơn 42.000 cuốn sổ tay, cẩm nang về chuẩn tiếp cận pháp luật và hơn 262.000 tờ gấp, tờ rơi).

Qua tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, năm 2022 có 10.596/10.599 đơn vị cấp xã trên cả nước đã triển khai đánh giá, đề nghị công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong đó, 10.086/10.596 đơn vị cấp xã được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt 95,2%. Số đơn vị cấp xã chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chủ yếu do vi phạm điều kiện công nhận theo quy định, tập trung vào các trường hợp có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.

Theo ông Nguyễn Thanh Tịnh - Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhìn chung, việc triển khai Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, Thông tư số 09/2021/TT-BTP và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tư pháp về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm, tích cực thực hiện và dần đi vào nền nếp, kết quả đạt được rõ nét hơn, trách nhiệm của chính quyền và cán bộ, công chức cấp xã trong tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật hướng tới xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh cho người dân tại cơ sở tiếp tục được tăng cường gắn với tổ chức thi hành pháp luật và thực thi trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp xã theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Cơ quan tư pháp các cấp từ Trung ương đến địa phương chủ động tham mưu, giúp UBND cùng cấp tổ chức triển khai các nhiệm vụ được giao; tham gia tích cực vào việc thẩm định, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với xã nông thôn mới; tập huấn cho cán bộ, công chức tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; kịp thời giải đáp, tháo gỡ lúng túng, khó khăn; xây dựng và cấp phát cho cơ sở các tài liệu phổ biến kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ có liên quan đến các tiêu chí, chỉ tiêu; chọn điểm triển khai mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả, điển hình tại cơ sở…

Từ đó cho thấy các cơ quan, các ngành, các cấp đã nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của nhiệm vụ này trước yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật của chính quyền địa phương cấp xã.

Có được những kết quả này, trước hết là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; UBND và cơ quan Tư pháp các cấp đã chú trọng hướng dẫn, chỉ đạo và bố trí kinh phí tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Cách thức đánh giá các chuẩn tiếp cận pháp luật đảm bảo phù hợp, khả thi và thuận lợi cho địa phương

Bên cạnh đó, trong công tác chuẩn tiếp cận pháp luật còn khó khăn về nhận thức khi triển khai các văn bản về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, một số địa phương vẫn còn gặp lúng túng, khó khăn, chủ yếu là nhận thức chưa đúng về nội dung của các tiêu chí, chỉ tiêu; chưa hiểu rõ về điều kiện công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và cách chấm điểm một số chỉ tiêu...

Công tác hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra, tổ chức thực hiện các văn bản, quy định về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật chưa được coi trọng, chưa kịp thời và quyết liệt. Lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp nói chung và UBND cấp xã nói riêng ở một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm được giao trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Một số nơi vẫn coi đây là nhiệm vụ riêng của Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp - Hộ tịch.

Tại một số địa phương, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp chưa thực sự sát sao trong hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, giải đáp khó khăn, vướng mắc; công tác kiểm tra, tập huấn chưa kịp thời, thường xuyên để hỗ trợ cho cấp xã triển khai nhiệm vụ đúng yêu cầu và quy định.

Về quy trình đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, chưa phát huy vai trò, sự tham gia của các công chức chuyên môn theo dõi các tiêu chí, chỉ tiêu trong phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ. Thời gian đánh giá, đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại một số nơi chưa thực hiện đúng quy định; chậm tham mưu, ban hành Quyết định công bố cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu và tổng hợp hồ sơ, văn bản, tài liệu kiểm chứng ở một số địa phương chưa đảm bảo theo quy định, dẫn đến khó khăn khi đánh giá, công nhận, kiểm tra kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Một số nơi chấm điểm, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu còn hình thức, không có đầy đủ tài liệu kiểm chứng kết quả thực hiện. Nhiều địa phương còn lúng túng về cách tiếp cận, triển khai một số chỉ tiêu, nhất là các chỉ tiêu mới về mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả tại cơ sở.

Đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch, cán bộ, công chức cấp xã nhìn chung còn hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, trong bối cảnh nhiệm vụ nhiều, nhân lực mỏng, nguồn lực thấp. Kiểm tra thực tế cho thấy công chức cấp xã chưa nắm vững các văn bản để tham mưu, tổ chức triển khai nhiệm vụ đúng quy định, đảm bảo chất lượng… mặt khác còn lúng túng trong việc tham mưu, đề xuất và triển khai giải pháp để nâng cao hiệu quả thực hiện công tác này trong thực tiễn.

Sự phối hợp giữa cơ quan Tư pháp và các cơ quan, đơn vị có liên quan cùng cấp, nhất là cấp huyện, cấp xã trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên để đảm bảo kết quả chấm điểm, đánh giá các tiêu chí, chỉ tiêu sát với thực tiễn các lĩnh vực quản lý thuộc trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị; một số nơi chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm tư vấn, thẩm định của thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật.

Nguồn lực, ngân sách Nhà nước bố trí kinh phí cho cơ quan Tư pháp các cấp triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg còn hạn chế, chưa tương xứng và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhiều địa phương chưa được bố trí kinh phí riêng. Nhiệm vụ xây dựng, vận hành phần mềm đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong phạm vi cả nước chưa được triển khai vì liên quan đến thủ tục theo quy định về đầu tư công trung hạn.

Tại Báo cáo, Bộ Tư pháp kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc rà soát, tham mưu thực hiện thống nhất thời điểm, cách thức đánh giá các chuẩn tiếp cận pháp luật, chuẩn nông thôn mới và chuẩn đô thị văn minh đảm bảo phù hợp, khả thi và thuận lợi cho địa phương triển khai thực hiện.

Bộ Tài chính tham mưu việc bảo đảm, bố trí kinh phí hằng năm cho cơ quan Tư pháp và địa phương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg, ưu tiên nguồn lực tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp, đặc biệt cấp cơ sở, chú trọng các kiến thức và kỹ năng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cung cấp thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, kịp thời đưa nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Phần mềm quản lý và phục vụ đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vào các chương trình, dự án, kế hoạch đầu tư công.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc ưu tiên nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cho việc triển khai các giải pháp thúc đẩy thực hiện các tiêu chí tiếp cận thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở góp phần phục vụ mục tiêu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo đa chiều bền vững và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Nội vụ nghiên cứu, tham mưu việc bổ sung trách nhiệm của chính quyền địa phương về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong quá trình tổng kết, hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg; nâng cao năng lực chuyên môn và nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững.

Đề nghị UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, bố trí kinh phí tổ chức thực hiện Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2021/TT-BTP tại địa phương kịp thời, hiệu quả, đúng trách nhiệm quy định, gắn với nguồn lực và mục tiêu thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Phú An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ca-nuoc-co-952-so-don-vi-cap-xa-dat-chuan-tiep-can-phap-luat-350316.html