Ca sĩ Việt đổi đời tại Hàn Quốc?

Việc Big Hit Music thông báo tuyển thực tập sinh ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy các công ty giải trí Hàn Quốc đang bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam.

Vừa qua, Big Hit Music thông báo tuyển thực tập sinh ở Hà Nội và TP.HCM. Những thí sinh nam, sinh năm 2006 trở đi nếu vượt qua vòng tuyển chọn sẽ có cơ hội ra mắt trong công ty quản lý này. Đây là cơ hội rất nhiều bạn trẻ Việt Nam muốn nắm lấy bởi Big Hit Music (trực thuộc HYBE) là công ty quản lý của nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất Hàn Quốc, BTS.

Big Hit không phải công ty Hàn Quốc duy nhất tới Việt Nam tuyển thực tập sinh, trước đó có CUBE Entertainment, SM Entertainment…

Hiện nay, văn hóa thần tượng của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và các công ty giải trí Hàn Quốc bắt đầu thâm nhập thị trường Việt nhằm tận dụng nhiều lợi thế, chẳng hạn khán giả Việt có nhận thức cao về làn sóng Hàn Quốc. Việt Nam đang nhận được sự quan tâm từ các công ty Hàn Quốc và được mệnh danh là “đại dương xanh trên thị trường giải trí”, KOTRA nhận định.

Đại dương xanh của thị trường giải trí

Theo KOTRA, một trong những lý do để Kpop mở rộng sức ảnh hưởng sang các nước lân cận, bao gồm Việt Nam là xu hướng toàn cầu hóa. Các nhóm nhạc thần tượng nổi tiếng như BlackPink, NCT, TWICE không chỉ có thành viên người Hàn. Họ là những nhóm đa quốc gia, tuyển dụng thành viên từ nhiều địa phương khác nhau.

Ngày nay, có nhiều nhóm gồm thành viên đa quốc gia hơn các nhóm chỉ có người Hàn Quốc. Một trong những lý do tạo nên nhóm nhạc thần tượng đa quốc gia là dễ thu hút khán giả và người hâm mộ quốc tế. Đây là yếu tố liên quan trực tiếp tới khả năng tiếp thị và có tác động tích cực về mặt ngôn ngữ, văn hóa.

KOTRA chỉ ra Hanbin (tên thật Ngô Ngọc Hưng) là một trong những thành viên nổi tiếng nhất của nhóm nhạc TEMPEST hiện tại. Anh có rất nhiều fan Hàn Quốc, Bắc Mỹ bên cạnh fan Việt Nam. Ngay khi ra mắt, TEMPEST với sự xuất hiện của Hanbin đã có lượng fan đông đảo tại Việt Nam.

Hanbin sắp cùng nhóm TEMPEST tổ chức concert tại TP.HCM. Ảnh: Quang Thông.

Ngoài ra, Hàn Quốc sau nhiều năm phát triển ngành công nghiệp Kpop đang rơi vào tình trạng khan hiếm tài năng trẻ và mới mẻ. Do đó, việc tìm đến các quốc gia khác để tuyển chọn thực tập sinh cũng là phương án phù hợp với tình hình hiện tại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam lại có nhiều sự kiện Kpop được tổ chức thành công. Thời gian qua, hàng loạt ca sĩ Hàn Quốc tổ chức concert hoặc buổi gặp mặt fan tại Việt Nam, chẳng hạn Super Junior, Jae Joong, Baek Hyun (EXO)... hay sắp tới là nhóm nhạc TEMPEST. Trong đó, Baek Hyun tổ chức thành công 2 đêm diễn thuộc khuôn khổ tour châu Á Lonsdaleite diễn ra tại Nhà thi đấu Phú Thọ, TP.HCM vào ngày 6/4 và 7/4.

Thành công và tạo tiếng vang lớn nhất phải kể đến concert của BlackPink vào tháng 7/2023. Theo Touring Data, 2 đêm nhạc của BlackPink tại Hà Nội thu hút hơn 60.000 khán giả với doanh thu hơn 13,6 triệu USD (khoảng 330 tỷ đồng).

Do đó, cũng theo KOTRA, lý do tiếp theo để Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng của các ông lớn Hàn Quốc là chiếm tỷ trọng lớn trong số các quốc gia đón nhận làn sóng văn hóa Hàn Quốc.

Theo trang thống kê toàn cầu Zhujiworld, độ tuổi trung bình của Việt Nam vào năm 2022 là 33 tuổi, tỷ lệ dân số nam/nữ gần như ngang nhau, trở thành quốc gia có cơ cấu dân số vàng.

Theo dữ liệu của Statista, dân số Việt Nam tăng đều đặn kể từ những năm 1950 và dự kiến tiếp tục tăng trong 30 năm tới. Việt Nam với tỷ lệ dân số trẻ cao, sẽ dẫn đầu tăng trưởng doanh thu trong thị trường giải trí, được thúc đẩy bởi Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cũng như người tiêu dùng trẻ, KOTRA nhận định.

Tính đến 2019, Việt Nam đứng thứ 8 về mức chi tiêu hàng tháng cho âm nhạc Kpop theo quốc gia và đứng thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á. Việt Nam không chỉ quan tâm đến Kpop cao hơn nhiều nước khác mà người Việt chi trung bình 9,3 USD mỗi tháng cho âm nhạc Kpop.

Cơ hội và thách thức

Đã có vài ca sĩ Việt ra mắt hoặc sắp ra mắt trong các nhóm nhạc Hàn, chẳng hạn Hanbin với nhóm TEMPEST, Đỗ Nam Sơn với PICKUS. Sắp tới, Đặng Hồng Hải ra mắt trong nhóm nhạc của DongGyo Entertainment…

Ông Cường Chu, CEO Big Art Entertainment, công ty quản lý của Đỗ Nam Sơn tại Việt Nam nhận định với Tri thức - Znews, việc có một số nghệ sĩ Việt ra mắt tại Hàn Quốc (một nước có nền công nghiệp giải trí phát triển) là đòn bẩy rất mạnh mẽ không chỉ cho nền công nghiệp giải trí Việt Nam mà còn gián tiếp quảng bá được nhiều khía cạnh khác về đất nước, con người, văn hóa, du lịch Việt Nam. Ông tin rằng việc có những nghệ sĩ Kpop gốc Việt là con đường ngắn nhất để giới thiệu các sản phẩm Vpop khác ra quốc tế.

Tuy nhiên, có thể nhận thấy những ca sĩ kể trên đều ra mắt trong những công ty nhỏ, chưa thuộc Big4 của Kpop. Big4 chỉ 4 công ty hàng đầu Kpop gồm HYBE, JYP Entertainment, YG Entertainment và SM Entertainment.

Đỗ Nam Sơn (ngoài cùng bên phải) trong đội hình nhóm nhạc PICKUS. Ảnh: TNK Entertainment.

JYP Entertainment có nữ ca sĩ Kendall (thành viên nhóm VCHA) là con lai Việt - Mỹ nhưng cô sinh sống tại Mỹ từ bé. HYBE cũng có Hanni (tên tiếng Việt là Phạm Ngọc Hân, thành viên nhóm NewJeans) và cô sinh ra ở Australia.

Hanbin trước khi ra mắt trong nhóm nhạc TEMPEST của Yuehua Entertainment đã tham gia chương trình sống còn I-LAND do BELIFT Entertainment, công ty hợp tác giữa Big Hit Entertainment (công ty quản lý của BTS) và CJ ENM tổ chức. Vì không thể giành chiến thắng trong cuộc thi này nên Hanbin để tuột mất cơ hội ra mắt trong nhóm nhạc ENHYPEN, do BELIFT quản lý. Đây là một công ty con của tập đoàn quyền lực nhất Kpop hiện tại, HYBE.

Cũng bởi tới từ công ty không phải top đầu nên TEMPEST chưa thật sự bứt phá ở thị trường Kpop. PICKUS của Đỗ Nam Sơn thậm chí còn mờ nhạt hơn. Họ phát hành MV đầu tay Little Prince vào 23/4 nhưng thành tích rất ảm đạm. Đáng nói, PICKUS lại đến từ công ty giải trí nhỏ là TNK Entertainment và họ không có nhiều cách thức quảng bá hiệu quả để nhóm có thể bật lên giữa thời điểm Kpop cạnh tranh khốc liệt.

SM Entertainment thậm chí từng tuyên bố sẽ thành lập nhóm nhỏ của NCT tại Việt Nam. Công ty này cũng tiến hành vài lần tuyển chọn thực tập sinh tại Việt Nam. Thế nhưng, đến nay chưa ca sĩ người Việt nào được ra mắt ở SM và dự án NCT Việt Nam cũng bị bỏ ngỏ suốt nhiều năm qua. Dự án này có lẽ sẽ không bao giờ thành hiện thực bởi khi ra mắt NCT Wish tại Nhật Bản, công ty cho biết đây là nhóm nhỏ cuối cùng của hệ thống của NCT.

Việc có ca sĩ Việt ở thị trường Kpop đương nhiên là tín hiệu tích cực. Đây là cơ hội để các tài năng Việt có thể trở thành ngôi sao toàn cầu, chẳng hạn Thái Lan có Lisa hay Nhật Bản có Mina, Sana, Momo (TWICE).

Thế nhưng phía trước họ vẫn là chặng đường gian nan bởi Kpop ngày càng bão hòa và cạnh tranh. Ca sĩ Việt để tới Kpop vẫn còn nhiều rào cản, chẳng hạn ngôn ngữ, văn hóa... Ngoài ngoại hình, ca sĩ Việt nói riêng hay bất cứ bạn trẻ ở đất nước nào khác muốn trở thành thực tập sinh tại Hàn Quốc phải đảm bảo nhiều yếu tố, chẳng hạn ngoại hình, vũ đạo hoặc giọng hát, tố chất ngôi sao, kỹ năng trình diễn và ngôn ngữ.

Ông Cường Chu cho biết để đưa Đỗ Nam Sơn tới Hàn Quốc tham gia cuộc thi Fanpick phát trên kênh MBC M của Hàn Quốc, họ phải vượt qua các tiêu chuẩn khá nghiêm ngặt.

Ông Cường Chu nói với Tri thức - Znews: “Các bạn thực tập sinh để tới Hàn Quốc tham gia chương trình không chỉ được yêu cầu có tố chất tốt về giọng hát, khả năng vũ đạo, ngoại hình, còn phải đáp ứng tiêu chí sống còn là ngoại ngữ. Đỗ Nam Sơn là thực tập sinh duy nhất gần đáp ứng đủ tiêu chí tuyển chọn thời điểm đó. Đỗ Nam Sơn còn nhỏ tuổi nhưng có khả năng thanh nhạc tốt, ngoại hình ưa nhìn và có thể nói lưu loát tiếng Anh, nói nghe được một phần tiếng Hàn”.

Ông nói thêm: “Tuy nhiên, khả năng vũ đạo của Đỗ Nam Sơn lúc đó khá yếu. Do đó, trước khi đưa Sơn tới Hàn Quốc tham gia cuộc thi, chúng tôi phải tập trung vào việc đào tạo cấp tốc kỹ năng vũ đạo. Sơn được học một số buổi kỹ năng đặc biệt”.

Minh Hạo

Nguồn Znews: https://znews.vn/ca-si-viet-doi-doi-tai-han-quoc-post1473779.html