Các cuộc tấn công đe dọa tính mạng người tị nạn Palestine

Quân đội Israel tiếp tục tấn công thành phố Jabalia ở phía bắc Dải Gaza, đồng thời hối thúc người dân trong khu vực này sơ tán đến nơi trú ẩn ở phía tây thành phố Gaza. Người phát ngôn quân đội Israel Avichay Adraee tuyên bố quân đội đã tiêu diệt 'một nhóm phá hoại ở Jabalia sau khi đụng độ với các thành viên của nhóm này bên trong các tòa nhà'.

Trước đó, ngày 18/5, các nguồn tin y tế Palestine xác nhận, ít nhất 28 người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, đã chết trong những vụ đột kích liên tiếp của Israel vào trại tị nạn Jabalia. Trong khi đó, các nguồn tin an ninh Palestine cho biết, máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công bằng tên lửa vào một số nhà dân và một trung tâm tạm trú dành cho người di tản trong trại tị nạn Jabalia.

Cơ quan Liên hợp quốc về cứu trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) ngày 18/5 cho biết, khoảng 800.000 người Palestine buộc phải sơ tán khỏi thành phố này kể từ khi Israel tiến hành chiến dịch quân sự tại đây ngày 7/5. Gần một nửa dân số Rafah phải di dời đến khu vực được gọi là “vùng an toàn”, chủ yếu là miền trung Gaza và thành phố Khan Younis. Ðiều kiện sống hiện tại của họ hết sức tồi tệ do không có nguồn cung cấp nước.

Cần thông suốt dòng chảy viện trợ

Cộng hòa Cyprus cam kết bảo đảm thông suốt dòng chảy viện trợ nhân đạo từ cảng Larnaca vào Dải Gaza. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa Cyprus Theodoros Gotsis cho biết, Cộng hòa Cyprus đang triển khai các kế hoạch trong khuôn khổ Dự án Amalthea cung cấp cho Gaza 2.000 tấn viện trợ nhân đạo mỗi tuần. Tuy nhiên, Dự án Amalthea chỉ đóng vai trò bổ sung cho luồng viện trợ chủ yếu bằng đường bộ.

Áo quyết định sẽ giải ngân tiền cho UNRWA sau khi tạm khóa khoản hỗ trợ này vì phía Israel cáo buộc nhân viên của cơ quan Liên hợp quốc có liên quan đến vụ tấn công ngày 7/10/2023. Quyết định của Vienna được đưa ra sau khi UNRWA công bố kế hoạch hành động nhằm bảo đảm tốt hơn tính công bằng, tăng cường đánh giá nội bộ và cải thiện cách thức giám sát nhân viên của tổ chức. Thông báo của Bộ Ngoại giao Áo nêu rõ, quỹ có tổng giá trị 3,4 triệu euro đã được đưa vào ngân sách năm 2024, với khoản thanh toán đầu tiên sẽ được thực hiện vào mùa hè.

Trong cuộc điện đàm với điều phối viên cấp cao về nhân đạo và tái thiết của Liên hợp quốc tại Gaza Sigrid Kaag, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry yêu cầu Israel mở tất cả cửa khẩu đất liền giữa Ai Cập với Dải Gaza để cho phép tiếp cận hàng viện trợ nhân đạo và cứu trợ một cách đầy đủ, an toàn và không bị cản trở vào khu vực Gaza.

Anh đã chuyển thành công lô hàng viện trợ nhân đạo đầu tiên đến Gaza thông qua cầu tàu tạm thời do Mỹ xây dựng. Chuyến hàng viện trợ lần này của Anh bao gồm 8.400 bộ lều bạt đã được đưa đến bờ biển Gaza cùng với hàng hóa nhân đạo của Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Trong vài tuần tới, Anh sẽ cung cấp thêm cho người dân Gaza 2.000 bộ lều bạt, 900 lều, 5 xe nâng và 9.200 bộ dụng cụ vệ sinh. Trước đó, cầu tàu do Mỹ xây dựng đã đi vào hoạt động, tạo thuận lợi cho 90 xe tải viện trợ quốc tế đến Gaza mỗi ngày.

13 nước ra lời kêu gọi Israel ngừng tấn công

Bộ trưởng Ngoại giao 13 nước gửi lời kêu gọi tới người đồng cấp Israel kêu gọi không mở cuộc tấn công quy mô lớn vào Rafah ở Dải Gaza. Các nước ký lời kêu gọi gồm Australia, Anh, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) là Ðan Mạch, Phần Lan, Pháp, Ðức, Italia, Hà Lan và Thụy Ðiển. Lời kêu gọi viết: “Chúng tôi tái khẳng định phản đối một chiến dịch quân sự quy mô toàn diện tại Rafah có thể gây hậu quả thảm khốc đối với người dân”.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước nêu trên kêu gọi Chính phủ Israel để viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza thông qua tất cả cửa khẩu liên quan, gồm cả cửa khẩu ở Rafah cũng như mở tất cả tuyến tiếp tế trên bộ cho hàng cứu trợ, khôi phục lại các dịch vụ điện, nước, viễn thông và gia tăng đáng kể nguồn cung hàng hóa thiết yếu, đặc biệt là thuốc men. Các bộ trưởng cũng kêu gọi một lệnh ngừng bắn lâu dài.

8 tháng sau khi cuộc chiến bùng phát ở Gaza, Israel tuyên bố sẽ đẩy mạnh cuộc tấn công trên bộ ở Rafah bất chấp quan ngại của cộng đồng quốc tế về hàng trăm nghìn người Palestine phải rời bỏ nhà cửa. Việc Israel bao vây Gaza đã gây ra tình trạng thiếu lương thực cũng như nước sạch, thuốc men và nhiên liệu nghiêm trọng cho 2,4 triệu người dân Palestine. Hoạt động cứu trợ bị chậm trễ nặng nề kể từ khi lực lượng Israel kiểm soát cửa khẩu Rafah ở phía nam Dải Gaza.

Theo nhandan.vn

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/cac-cuoc-tan-cong-de-doa-tinh-mang-nguoi-ti-nan-palestine-212437.html