Các nhà đầu tư Đức mở rộng hoạt động tại Việt Nam
Các nhà đầu tư Đức đang ưu tiên mở rộng hoạt động tại Việt Nam thay vì tập trung vào Trung Quốc, Singapore, Thái Lan và Malaysia như trước đây.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quý 1/2024, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 6,17 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, vốn đầu tư thực hiện đạt 4,6 tỷ USD (tăng 7,1%).
Trong đó, 644 dự án đăng ký mới với tổng vốn đầu tư 4,77 tỷ USD, tăng 57,9% so với cùng kỳ, chủ yếu đổ vào các lĩnh vực chế biến – chế tạo (63,6%), bất động sản (25,6%), bán buôn bán lẻ (3,6%).
Hiện các nhà đầu tư từ Đức đang triển khai 465 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,8 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, CHLB Đức nằm trong số các nước thu hút đầu tư của Việt Nam (18,6%) sau Hoa Kỳ (23%), New Zealand (20,3%)…
Đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, ông Alexander Ziehe, tân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) chia sẻ, Việt Nam được coi là một điểm đến đầu tư ngày càng hấp dẫn. Các nhà đầu tư Đức đang ưu tiên mở rộng hoạt động tại Việt Nam thay vì Trung Quốc.
Nguyên nhân là do thị trường Việt Nam có mức chi phí đầu vào thấp hơn, vị trí địa lý thuận lợi, cũng như chuỗi cung ứng gần Trung Quốc. Việt Nam còn hấp dẫn các nhà đầu tư Đức bởi thị trường người tiêu dùng trung lưu ngày càng lớn mạnh.
Trong khi trước đây, FDI từ Đức chủ yếu tập trung vào Singapore, Thái Lan và Malaysia. Các quốc gia này đều có các nhóm ngành công nghiệp Đức đã được thiết lập lâu đời, như ngành ô tô ở Thái Lan, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Singapore.
“Xu hướng đầu tư của Đức tại Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng”, Chủ tịch GBA nhấn mạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp Đức đã cam kết đầu tư mở nhà máy tại Việt Nam như Fuchs Petrolub (cung cấp dầu bôi trơn) và Schütz (sản xuất bao bì công nghiệp) tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Công ty Kärcher (sản xuất máy móc) tại Quảng Nam, Tenowo (sản xuất vải) tại Hải Phòng và Ziehl-Abegg (công nghệ điều khiển và hệ thống thông gió) tại Đồng Nai.
Tăng cường kết nối giao thương kinh tế Việt – Đức
Ông Alexander Ziehe cho biết, mục tiêu và chiến lược hành động của GBA trong năm 2024 vẫn là theo đuổi mục tiêu tăng cường kết nối giao thương kinh tế Đức - Việt thông qua thúc đẩy quyền lợi của các thành viên GBA và tăng cường sự hợp tác chặt chẽ với các bên hữu quan.
Theo đó, nhằm nâng cao trải nghiệm, đáp ứng các nhu cầu đang thay đổi và ngày càng nâng cao của các thành viên, GBA sẽ tăng cường sự hiện diện tại khu vực phía Bắc và theo đuổi các cơ hội phát triển chiến lược. Đây là minh chứng cho sự tiếp cận tích cực cũng như tối đa hóa giá trị mà GBA cung cấp tới cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.
Ngay trong quý I/2024, hội nghị bàn tròn giữa Tổng thống Liên bang Đức, Frank-Walter Steinmeier cùng đoàn đại biểu cao cấp, bao gồm Bộ trưởng Lao động và Xã hội của Đức với GBA là một điểm nhấn đáng chú ý. Tại hội nghị, các đại biểu đã có những trao đổi mang tính xây dựng với cộng đồng doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Hội nghị Kinh doanh GBA diễn ra trong tháng 3/2024, tập trung vào Triển vọng Kinh tế Việt Nam 2024 và vai trò của ASEAN. Tại đây, GBA đã trình bày những nhu cầu và ưu tiên của các thành viên, từ nhu cầu tăng tính minh bạch trong chính sách đầu tư, tiêu chuẩn quốc tế, đến công cuộc số hóa và ưu đãi cho lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, GBA cũng đã thể hiện vai trò then chốt trong việc tạo ra đối thoại giữa doanh nghiệp thành viên và các cơ quan chính phủ Đức tại Việt Nam, nhằm đề xuất và thảo luận về các chiến lược hợp tác cho năm 2024. Các cuộc thảo luận tập trung vào những vấn đề kinh tế và hữu nghị chính yếu, chiến lược hợp tác cho năm 2024 và các công tác chuẩn bị cho các cột mốc quan trọng trong năm 2025, đặc biệt là kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Đức - Việt.