Các nước EU nhất trí cải cách trợ cấp thị trường điện

Bộ trưởng năng lượng của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận cải cách trợ cấp thị trường điện, xoa dịu căng thẳng giữa Pháp và Đức về khả năng cạnh tranh trong tương lai của các ngành công nghiệp.

Suốt hai năm qua, Tây Ban Nha cũng như Pháp đã kêu gọi EU cải cách nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí sản xuất tương đối thấp mà năng lượng hạt nhân hoặc năng lượng tái tạo có thể mang lại. Trong khi đó, các nước khác đặc biệt là Đức, vốn phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt, không muốn can thiệp vào các cơ chế đang có hiệu lực nhằm bảo đảm an ninh nguồn cung. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Nga-Ukraine nổ ra đã khiến nguồn cung khí đốt bị cắt giảm, đẩy giá điện tại EU lên mức cao kỷ lục trong năm ngoái cũng như tình trạng lạm phát ở châu Âu đã làm thay đổi tình hình.

Trước tình trạng này, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất những thay đổi đối với thị trường điện của EU vào hồi tháng 3. Các quy định mới tìm cách chuyển sang các hợp đồng dài hạn, giá cố định để bảo vệ người tiêu dùng khỏi thị trường năng lượng không ổn định, đồng thời cải thiện môi trường đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo mới và từ đó cải thiện an ninh năng lượng của khối.

Ảnh: POLITICO

Ảnh: POLITICO

Thỏa thuận đạt được giữa các nước EU tập trung vào một phần của luật quy định cách sử dụng viện trợ nhà nước để hỗ trợ các dự án điện. Các cuộc đàm phán đã bị đình trệ trong nhiều tháng vì những lo ngại đặc biệt từ Đức, rằng kế hoạch này có thể bóp méo sự cạnh tranh trên thị trường. Trong một đề xuất mang tính thỏa hiệp, tất cả các khoản trợ cấp nhà nước trong tương lai cho các nhà máy điện hạt nhân và năng lượng tái tạo phải áp dụng hình thức các khoản trợ cấp "hợp đồng chênh lệch", dựa trên định giá năng lượng. Các hợp đồng này sẽ bảo đảm mức giá tối thiểu cho năng lượng được sản xuất, nhưng cũng cho phép chính phủ thu hồi doanh thu vượt mức nếu giá vượt quá ngưỡng quy định.

Tuy nhiên, các chính phủ vẫn có thể trao những hợp đồng như vậy cho các nhà máy điện hiện có, khi thực hiện những khoản đầu tư đáng kể nhằm nâng công suất hoạt động hoặc kéo dài tuổi thọ của các nhà máy đó. Đề xuất cũng đã bổ sung các điều kiện để xoa dịu quan ngại của Đức và các nước khác. Theo đó, các khoản trợ cấp phải bảo đảm việc sử dụng nguồn thu từ các chương trình này, chẳng hạn như phân phối tiền mặt để hỗ trợ các ngành công nghiệp địa phương, và không bóp méo tính cạnh tranh hoặc hoạt động thương mại tại EU.

Bộ trưởng Năng lượng Tây Ban Nha Teresa Ribera khẳng định, việc cải cách trợ cấp thị trường điện sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng trong những trường hợp khẩn cấp và trước các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Bà cũng nhấn mạnh rằng, yếu tố quan trọng nhất là gần như tất cả các quốc gia EU đều nhất trí với nội dung cải cách này. Trong khi đó, Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson nhấn mạnh rằng, vấn đề chính trong việc cải cách trợ cấp thị trường điện là hợp đồng chênh lệch, đây là một điểm kỹ thuật mấu chốt.

EC sẽ bảo đảm các công cụ đó sẽ được thiết kế phù hợp cũng như duy trì sân chơi bình đẳng trên thị trường nội khối. EU khuyến khích việc sử dụng các hợp đồng dài hạn giữa một bên là các nhà sản xuất năng lượng carbon thấp, bên kia là các nhà công nghiệp hoặc nhà nước. Mấu chốt của vấn đề là giá cả sẽ được ấn định từ trước, cho phép người tiêu dùng cân đối chi phí trong khi nhà cung cấp có thể tính toán được nguồn thu.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/cac-nuoc-eu-nhat-tri-cai-cach-tro-cap-thi-truong-dien--i346775/