Cách tính thành tích xét tặng Bằng khen của Thủ tướng
Bà Lê Thị Vân Anh (TPHCM) hỏi, cá nhân được tặng Bằng khen của Bộ trưởng các năm 2019, 2021, 2023; có 5 năm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (2019-2023); Chiến sĩ thi đua cơ sở các năm 2019, 2022; Chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2022 thì có thể đề xuất được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2024 hay không?
Bà Lê Thị Vân Anh cũng đề nghị được giải thích thêm về nguyên tắc: Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng; không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được; thành tích đến đâu khen thưởng đến đó.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Tại Điểm b Khoản 1 Điều 73 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định, "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt tiêu chuẩn sau đây: Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 5 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 3 lần được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở".
Theo quy định tại Khoản 9 Điều 30 Nghị định số 98/2023/NĐ-CP ngày 31/12/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng: "Thời gian đề nghị khen thưởng lần tiếp theo được tính theo thời gian lập được thành tích ghi trong quyết định khen thưởng lần trước. Đối với quyết định khen thưởng không ghi thời gian thì việc đề nghị khen thưởng lần sau được tính từ thời điểm ban hành quyết định khen thưởng lần trước".
Đối chiếu với các quy định trên thì thời gian đề nghị Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ của bà Lê Thị Vân Anh được tính từ thời điểm được tặng Bằng khen của Bộ lần gần nhất (tức là năm 2023).
Nguyên tắc xét khen thưởng
Về nguyên tắc "Một hình thức khen thưởng có thể tặng nhiều lần cho một đối tượng" tức là cá nhân, tập thể có thành tích, đạt tiêu chuẩn và đã được tặng một danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định rồi nếu thời gian tiếp theo đạt được thành tích, tiêu chuẩn tương tự như thời gian trước thì tiếp tục được đề nghị tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đã được tặng trước đó.
Ví dụ, một cá nhân đã được tặng Bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và sau đó có liên tục từ 5 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 3 lần được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" thì đủ tiêu chuẩn đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, sau đó có liên tục từ 5 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 3 lần được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở" thì tiếp tục đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (do không đủ tiêu chuẩn đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng Ba": "Đã được tặng "Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ" và sau đó có liên tục từ 5 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có từ 1 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 3 lần được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở"; (Điểm e Khoản 1 Điều 44 Luật Thi đua, khen thưởng).
Về nguyên tắc "Không khen thưởng nhiều lần, nhiều hình thức cho một thành tích đạt được" để tránh khen thưởng trùng thành tích. Ví dụ, một thành tích đột xuất cụ thể chỉ khen thưởng một lần bằng một hình thức cụ thể không đề nghị nhiều cấp khen thưởng (nếu thành tích đó được cấp tỉnh khen thưởng rồi thì không đề nghị khen thưởng cấp Nhà nước nữa).
Về nguyên tắc "thành tích đến đâu khen thưởng đến đó", Luật Thi đua, khen thưởng đã quy định nhiều tiêu chuẩn khen thưởng cho cá nhân, tập thể. Cá nhân, tập thể lập được thành tích đến đâu, đáp ứng tiêu chuẩn của hình thức nào thì sẽ khen thưởng theo tiêu chuẩn của hình thức đó không nhất thiết phải tích lũy thành tích, không nhất thiết phải có hình thức khen thưởng thấp mới có hình thức khen thưởng cao.