Cái gật đầu quan trọng của Tehran
Ngày 8-8, tức 3 ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, tân Tổng thống Iran Ebrahim Raisi bổ nhiệm ông Mohammad Mokhber vào vị trí Phó Tổng thống thứ nhất. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979, Tổng thống Iran và Phó Tổng thống thứ nhất cùng Chánh Văn phòng Tổng thống đều là những người trong danh sách 'đen' của Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU).
Mohammad Mokhber là ai?
Sinh ra ở Dezful, Mokhber có nhiều năm lãnh đạo Quỹ Setad - một tổ hợp đa ngành bao gồm cả y tế, trong đó có quỹ Barekat đứng sau dự án vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước của Iran (vừa được các cơ quan y tế quốc gia phê duyệt khẩn cấp hồi tháng 6). Quỹ Setad còn được gọi là “Cơ quan thực thi mệnh lệnh của lãnh đạo tối cao Imam Khomeini, được đặt theo tên của nhà sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Iran Ruhollah Khomeini.
Tân Phó Tổng thống Iran Mohammad Mokhber. Ảnh: Reuters.
Setad được thành lập cuối những năm 1980 để quản lý các tài sản bị tịch thu sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Cơ quan này chịu sự kiểm soát trực tiếp của Văn phòng Lãnh đạo tối cao Iran (hay còn gọi là Beit-e Rahbari) và các chi nhánh của nó trải dài trên nhiều lĩnh vực kinh tế quan trọng, bao gồm năng lượng, viễn thông và dịch vụ tài chính.
Bộ Tài chính Mỹ, khi xử phạt Setad, cáo buộc rằng cơ quan này đã "vi phạm một cách có hệ thống quyền của những người bất đồng chính kiến bằng cách tịch thu đất đai và tài sản từ những người chống đối chế độ, bao gồm cả các đối thủ chính trị, tôn giáo thiểu số và những người Iran lưu vong". Mokhber đã đảm nhiệm vai trò người đứng đầu Setad từ năm 2007 và trước đó từng ở các chức vụ quan trọng khác như Chủ tịch Hội đồng quản trị của Sina Bank, Phó Giám đốc Thương mại của Mostazafan Foundation và Phó Thống đốc tỉnh Khuzestan.
Theo giới phân tích, việc bổ nhiệm Mokhber vào vị trí Phó Tổng thống thứ nhất đã gây sự chú ý lớn không chỉ ở Iran mà cả chính giới quốc tế. Nguyên do là vì thời gian dài nắm quyền trong Setad cho thấy sự gần gũi của ông với Văn phòng Lãnh đạo tối cao. Bản thân Raisi từng là người trực tiếp được Lãnh đạo tối cao Iran bổ nhiệm làm chánh án. Điều này cũng minh chứng cho sự liên kết chặt chẽ giữa chính phủ mới với Beit-e Rahbari.
Tân Phó Tổng thống thứ nhất Mokhber.
Thêm vào đó, tân Phó Tổng thống thứ nhất của Iran cũng không giống như hầu hết những người tiền nhiệm. Kể từ khi Ayatollah Ali Khamenei lên nắm quyền lãnh đạo tối cao vào năm 1989, hầu hết những người làm việc tại văn phòng này từng là Bộ trưởng, Phó Tổng thống hoặc thành viên Quốc hội trước khi đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thống. Cựu Phó Tổng thống thứ nhất Hassan Habibi (dưới thời Tổng thống Akbar Hashemi Rafsanjani) từng là Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Văn hóa trước khi thực hiện nhiệm kỳ 1989-2001.
Ông Mohammad Reza Aref là Bộ trưởng Bộ Bưu chính và là người đứng đầu Tổ chức Quản lý và kế hoạch trước khi trở thành Phó Tổng thống thứ nhất vào năm 2001, dưới quyền Tổng thống Mohammad Khatami. Ông Parviz Davoodi là một nhà kinh tế học và là Thứ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính trước khi ông nhậm chức Phó Tổng thống thứ nhất dưới thời Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad.
Còn ông Mohammad Reza Rahimi là người đứng đầu Tòa án Kiểm toán tối cao và là Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề Quốc hội trước khi được Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad bổ nhiệm làm Phó Tổng thống đầu tiên trong nhiệm kỳ cuối cùng của mình. Người gần đây nhất, cựu Phó Tổng thống Eshaq Jahangiri, là thành viên Quốc hội, Thống đốc tỉnh Esfahan, Bộ trưởng Công nghiệp và mỏ trước khi được Tổng thống Hassan Rouhani bổ nhiệm làm người chỉ huy thứ hai trong bộ máy Chính phủ Iran.
Nhưng, Mokhber thì khác. Dưới sự lãnh đạo tối cao của Ayatollah Ali Khamenei, ông là người đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thống thứ nhất ngay sau khi được bổ nhiệm làm việc trong Văn phòng Lãnh đạo tối cao.
Ngoài ra, với việc nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei giao nhiệm vụ cho Mokhber khi ở Setad để phát triển một "nền kinh tế kháng chiến" phần nào hé lộ đây sẽ là một ưu tiên quan trọng đối với chính quyền mới. Sự thăng tiến của ông Mokhber trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang diễn ra ở tỉnh Khuzestan về tình trạng thiếu nước và sự quản lý yếu kém của chế độ còn thể hiện rằng, mối quan hệ của ông với Khuzestan là một cái gật đầu quan trọng đối với những lo ngại của chế độ về tình hình bất ổn trong khu vực.
Tiềm ẩn những bất đồng
Thực tế, từ lâu, giới truyền thông địa phương đã đồn đoán rằng, ông Mokhber là lựa chọn hàng đầu cho vị trí Phó Tổng thống thứ nhất. Cả Quỹ Setad và Mokhber đều bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 1. Còn tân Tổng thống Raisi, người đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 18-6 được đánh dấu bởi sự bỏ phiếu trắng kỷ lục, sẽ tiếp quản vị trí ôn hòa của người tiền nhiệm Hassan Rouhani.
Hôm 5-8, ông Raisi đã tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội và cam kết trình danh sách các bộ trưởng nội các trong vòng 2 tuần. Bản thân tân Tổng thống Iran từng là Bộ trưởng Tư pháp, bị chỉ trích vì hồ sơ nhân quyền và bị Mỹ trừng phạt từ năm 2019. Ông Raisi cũng đã chọn Gholamhossein Esmaili, người phát ngôn của Bộ Tư pháp trong nhiệm kỳ của mình, làm Chánh Văn phòng Tổng thống - người đang bị EU trừng phạt.
Ông Mokhber (áo sáng màu, đứng giữa) trong một lần thăm khu vực ngập lụt ở tỉnh Lorestan khi còn là người đứng đầu Setad.
“Rõ ràng, nhiệm kỳ tổng thống của ông Raisi là do sự củng cố quyền lực trong tay những người bảo thủ sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2020, được đánh dấu bằng việc hàng nghìn ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách hoặc ôn hòa bị loại”, hãng thông tấn nhà nước IRNA bình luận và đưa tin rằng trong ngày 8-8, nghị sĩ cực đoan và ứng cử viên tổng thống năm 2021 Alireza Zakani đã được bầu làm Thị trưởng Tehran.
Ông Zakani đã phục vụ trong Quốc hội từ năm 2004 đến năm 2016 và tiếp tục giành được ghế vào năm ngoái. Năm nay 55 tuổi, ông là bác sĩ y học hạt nhân, đã bỏ cuộc chạy đua tổng thống hồi tháng 6 để ủng hộ ông Raisi. Cũng theo phân tích của hãng IRNA, sự chậm trễ thông tin về cấu trúc của chính phủ mới ở Iran hiện đang nhường chỗ cho những suy đoán về sự khác biệt quan điểm giữa tân Tổng thống Raisi và tân Phó Tổng thống thứ nhất Mokhber.
Nhà phân tích người Iran Jamshid Barzegar khi trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc tế Iran hôm 8-8 cho hay, ông Raisi và Mokhber chưa bao giờ có cơ hội làm việc cùng nhau. Và mặc dù cả hai đều thân thiết với lãnh đạo tối cao Khamenei nhưng họ chưa bao giờ ở cùng một đội. Điều duy nhất mà cả hai đang cùng chia sẻ là bị Chính phủ Mỹ trừng phạt.
Vào ngày đầu tiên ông Mokhber được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống thứ nhất, truyền thông Iran bao gồm cả trang web tin tức ủng hộ cải cách Fararu cũng suy đoán rằng, sự chậm trễ trong việc công bố tên các bộ trưởng nội các của tân Tổng thống Raisi là do sự khác biệt trong quan điểm giữa ông và Phó Tổng thống thứ nhất - người có khả năng sẽ là “Giám đốc điều hành thực sự” của Iran như một nhân vật mà lãnh đạo tối cao Khamenei tin tưởng khi còn ở tư cách là một nhà quản lý tài chính.
Theo Fararu, "Raisi và những người xung quanh ông" đã từ chối Mohammad Reza Farzin (theo đề cử của Mokhber) cho vị trí Bộ trưởng Kinh tế và thay vào đó đề nghị một nhà kinh tế mang tên Mohammad Hadi Zahedi Vafa. Các báo cáo khác cho biết ông Raisi và Mokhber cũng vẫn chưa nhất trí về người đứng đầu Tổ chức Kế hoạch và ngân sách; Ngân hàng Trung ương Iran, hai chức vụ không cần phải bỏ phiếu tín nhiệm.
Người phát ngôn của Đoàn Chủ tịch Quốc hội Iran (Majles), Nezamoddin Musavi thì tuyên bố rằng, mặc dù danh sách các bộ trưởng của chính quyền Tổng thống Raisi được tiết lộ vào 10-8 nhưng hiện chưa có kế hoạch cho các phiên họp của Quốc hội. Còn nghị sĩ Mohammad Hossein Farhangi lại nói với các phóng viên rằng, việc giới thiệu nội các trước Quốc hội có thể bị hoãn lại lâu hơn cho dù trước đó lãnh đạo tối cao Khamenei đã kêu Majles và Tổng thống Raisi đảm bảo rằng nội các được giới thiệu và thông qua càng sớm càng tốt.
Nhiều khả năng, theo ông Farhangi, việc bỏ phiếu tín nhiệm cho nội các mới có thể không diễn ra trước ngày tang lễ Muharram trong 2 tuần nữa. Trong khi đó, Massoumeh Pashaei Bahram, một nghị sĩ khác thì bày tỏ lo rằng, việc trì hoãn công bố vì các phe phái cứng rắn chiến đấu để giành được một phần quyền lực trong nội các.
Một điểm đáng chú ý nữa, đây là lần đầu tiên một Phó Tổng thống thứ nhất xuất thân từ văn phòng của lãnh đạo tối cao Khamenei và có lẽ hầu hết đều có sự tán thành của ông. Các nhà phân tích trò truyện trên truyền hình quốc tế Iran nhận định rằng, văn phòng của lãnh đạo tối cao Khamenei đang giành được ưu thế trong chính phủ của tân Tổng thống Raisi. Bởi lẽ tân Phó Tổng thống từng dành phần lớn sự nghiệp của mình trong Lực lượng Vệ binh cách mạng và Beit-e Rahbari nên việc quen thuộc với các hoạt động của chính quyền tổng thống không phải là điểm mạnh.
Thực tế, có thể ông là sự lựa chọn của lãnh đạo tối cao Khamenei cho vị trí này, trong khi sự lựa chọn của tân Tổng thống Raisi để lãnh đạo nhóm kinh tế của mình, Farhad Rahbar từng làm việc với chính quyền Iran dưới 3 đời tổng thống.
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/hau-truong/cai-gat-dau-quan-trong-cua-tehran-i623923/