Cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh để thu hút đầu tư

Với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, có tiềm năng thế mạnh của tỉnh, thời gian qua, tỉnh ta đã không ngừng cải cách hành chính, đồng hành tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.

Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 của tỉnh Sơn La đạt 62,05 điểm, xếp thứ 55/63 tỉnh, thành, tăng 2 bậc so với năm 2019. Qua phân tích đánh giá, có 3/10 chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng điểm, gồm: Chi phí thời gian, chi phí gia nhập thị trường và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; 1 chỉ số thành phần giữ điểm và 6 chỉ số giảm điểm.

Là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Văn Xuất, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nam Thành (Thành phố), chia sẻ: Chúng tôi đánh giá cao những thay đổi về cải cách hành chính của các sở, ngành, địa phương đã công khai niêm yết các thủ tục hành chính, cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật liên quan giúp các doanh nghiệp tra cứu nhanh gọn, thuận tiện.

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Giám đốc Công ty dịch vụ và thương mại Trường Mai (Mai Sơn), cho biết: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tiêu thụ nông sản, thời gian qua, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền tỉnh về mặt bằng xây dựng xưởng chế biến; thường xuyên được mời tham gia các hội nghị kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh; được định hướng sản xuất, kinh doanh cho phù hợp, kịp thời ứng phó với biến động của thị trường... hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn hạn chế trong việc cải cách hành chính ở tỉnh, như: Trong số 6 chỉ số giảm điểm (cạnh tranh bình đẳng; tính minh bạch; đào tạo lao động; tính năng động; chi phí không chính thức; thiết chế pháp lý và ANTT). Đáng chú ý chỉ số tính minh bạch chỉ đạt 5,98 điểm, giảm 0,59 điểm so với năm 2019. Các chỉ tiêu cốt lõi làm nên chỉ số thành phần này đều đạt mức điểm thấp, trung bình hoặc trên trung bình, gồm: Tiếp cận tài liệu quy hoạch; tiếp cận tài liệu pháp lý; các tài liệu về ngân sách đủ chi tiết để doanh nghiệp sử dụng cho hoạt động kinh doanh; thông tin mời thầu được công khai; tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan Nhà nước của tỉnh cung cấp; số ngày để nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị cung cấp... Điều đó cho thấy các cấp chính quyền luôn chỉ đạo quyết liệt tập trung cải thiện tính công khai, minh bạch đối với các thông tin, văn bản hay kết quả giải quyết công việc để doanh nghiệp được biết và khai thác, sử dụng; bổ sung, cập nhật kịp thời các văn bản của các đơn vị, địa phương để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của doanh nghiệp.

Ông Lê Hồng Chương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Năm 2021, tỉnh Sơn La đề ra mục tiêu chỉ số PCI đạt trên 64 điểm, tăng dần từng chỉ tiêu, chỉ số thành phần; phấn đấu đến năm 2025 được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá trong cả nước. Tỉnh đã ban hành Kế hoạch cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2021. Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương ban hành và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động cụ thể, lồng ghép với kế hoạch cải thiện Chỉ số DDCI (nếu có) của đơn vị mình, cải thiện các chỉ số thành phần, chỉ tiêu cốt lõi còn yếu, điểm số đánh giá thấp.

Trong kế hoạch của từng cơ quan, đơn vị cần phân công rõ trách nhiệm vai trò người đứng đầu và giữa các đơn vị trực thuộc sở, ban, ngành, địa phương để có cơ sở kiểm tra, đôn đốc kết quả thực hiện. Các sở, ngành, địa phương chủ động đối thoại với doanh nghiệp 1 quý/lần và tổ chức đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp theo chuyên đề. Các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của tỉnh liên quan đến đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp khi ban hành đều được lấy ý kiến tham gia của cộng đồng doanh nghiệp.

Với sự quyết tâm, quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cảm nhận, đánh giá tích cực hơn về những nỗ lực của địa phương, từ đó góp phần cải thiện chỉ số PCI và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/cai-thien-chi-so-nang-luc-canh-tranh-de-thu-hut-dau-tu-40396