Căn bệnh khiến siêu mẫu Đức Tiến qua đời đột ngột nguy hiểm ra sao?

Theo bạn bè chia sẻ, nguyên nhân diễn viên, siêu mẫu Đức Tiến qua đời đột ngột là do nhồi máu cơ tim.

Ngày 19/5, thông tin siêu mẫu Đức Tiến qua đời ở tuổi 44 khiến nhiều đồng nghiệp, khán giả bàng hoàng bởi trước đó, anh vẫn thường xuyên chia sẻ, cập nhật cuộc sống của mình trên mạng xã hội. Theo bạn bè chia sẻ, nguyên nhân nam nghệ sĩ ra đi đột ngột là do nhồi máu cơ tim.

Cụ thể, vào ngày cuối tuần, nam diễn viên sang nhà bạn chơi, anh order đồ ăn và gọt trái cây. Trong lúc đang gọt trái cây thì Đức Tiến gục đầu xuống và ngã. Ngay lập tức, nam diễn viên được đến bệnh viện để cấp cứu. Theo một người bạn, Đức Tiến được các bác sĩ tích cực cứu chữa trong khoảng 2 giờ đồng hồ nhưng không qua khỏi. Nam diễn viên qua đời vào lúc 22h ngày 18/5 (khoảng 12 giờ ngày 19/5 tại Việt Nam) tại một phòng cấp cứu của bệnh viện ở bang California, Mỹ.

Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch cấp tính nguy hiểm, là hiện tượng một cục huyết khối đột ngột làm tắc động mạch vành (mạch máu nuôi xung quanh quả tim). Hiện tượng này làm cho máu không chảy đến nuôi được phần cơ tim và làm một phần cơ tim bị chết đi. Tắc những mạch máu lớn có thể làm cho quả tim của bạn ngừng đập hoặc nó có thể gây ra một rối loạn nhịp chết người.

Dấu hiệu của nhồi máu cơ tim

Người bị nhồi máu cơ tim ban đầu có biểu hiện rất nhẹ, chỉ là những cơn đau ngực hoặc khó chịu ở dưới xương ức xuất hiện thoáng qua. Thậm chí, một số người không thể nhận thấy triệu chứng này cho đến khi các cơn đau khác xảy ra.

Tiếp đến, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ngực rõ ràng ở phần giữa xương ức, mỗi cơn đau kéo dài trong vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện theo chu kỳ ngắn, khiến người bệnh cảm thấy ngực bị chèn ép, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở.

Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, kèm theo đau ở các vị trí khác như sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như toát mồ hôi lạnh, nôn, đau đầu...

Nếu có dấu hiệu kể trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra và có cách điều trị kịp thời nếu thực sự mắc bệnh.

Ai là người dễ bị nhồi máu cơ tim?

- Nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 là những người có nguy cơ cao nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, kể cả những người trẻ cũng có thể có nhồi máu cơ tim nhưng tỷ lệ ít hơn.

- Những người trước đó đã có nhồi máu cơ tim thì rất dễ bị lại nhồi máu cơ tim lần tới.

- Những người có tiền sử gia đình có nhồi máu cơ tim sớm như bố hoặc anh trai có nhồi máu cơ tim dưới 55 tuổi và mẹ hoặc chị gái có nhồi máu cơ tim dưới 65 tuổi.

- Những bệnh nhân có đái tháo đường. Những bệnh nhân này có nguy cơ nhồi máu cơ tim tương tự như bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim.- Những người có các yếu tố nguy cơ cao như những bệnh nhân rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, hút thuốc lá, béo phì, ít hoạt động thể lực là những người dễ bị nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim phổ biến đến mức nào?

Hàng năm, có hơn 800.000 người ở Mỹ bị nhồi máu cơ tim. Hầu hết là do bệnh động mạch vành, đây là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở quốc gia này.

Theo bác sĩ Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), nhồi máu cơ tim là bệnh lý nguy hiểm thường gặp ở người cao tuổi. Do ở nhóm tuổi này mạch máu trở nên cứng, kém đàn hồi, kèm các mảng xơ vữa lan tỏa gây hẹp lòng mạch, khiến cho tim co bóp bơm máu vào động mạch luôn gặp sức cản nên phải hoạt động nhiều hơn.

Về lâu dài sẽ dẫn đến hậu quả là tim dày lên. Tim càng dày thì càng cần có nhiều máu đến nuôi dưỡng, trong khi các mạch máu bị hẹp lại, dẫn đến tình trạng nhồi máu cơ tim, với biến chứng nặng nề nhất là suy tim, sốc tim. Điều này khiến tim không thể thực hiện chức năng co bóp đẩy máu đi nuôi cơ thể, người bệnh có thể tử vong bất cứ lúc nào nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tuy nhiên, thời gian gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa. Các bác sĩ Bệnh viện Tim Hà Nội đã cấp cứu nhiều trường hợp bị nhồi máu cơ tim ở độ tuổi trước 40.

Theo Bệnh viện Vinmec, thống kê tại các bệnh viện lớn hiện nay cho thấy tỷ lệ nhồi máu cơ tim ở người trẻ đã đang tăng lên đến 10,5% và rất trẻ là 1,8%. Đã có những trường hợp, người bệnh mới chỉ 26 tuổi đã bị nhồi máu cơ tim và rơi vào tình trạng nguy kịch khi đến bệnh viện.

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim bằng cách nào?

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim hiệu quả, bạn nên:

Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Nên đi khám sức khỏe mỗi năm 1 lần để phát hiện các dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim như chỉ số huyết áp, lượng đường trong máu, mức cholesterol, bất thường mạch máu…

Bỏ thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc thụ động.

Tập thể dục thường xuyên hoặc chơi thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày (cường độ vừa) hoặc tập luyện ít nhất 15 phút mỗi ngày (cường độ cao), ít nhất 5 ngày mỗi tuần.

Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, củ quả, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt, cá. Hạn chế thực phẩm nhiều cholesterol, chất béo bão hòa, muối và đường bổ sung.

Duy trì cân nặng hợp lý

Học cách quản lý căng thẳng, tránh tự tạo áp lực cho bản thân, tập hít thở, yoga hoặc thiền.

Mạnh Long

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/can-benh-khien-sieu-mau-duc-tien-qua-doi-dot-ngot-nguy-hiem-ra-sao-c3a74236.html