Cần cân nhắc trước khi yêu cầu Tòa án phân chia tài sản khi ly hôn

Bạn đọc hỏi: Tôi và chồng tôi kết hôn năm 2006. Hiện chúng tôi có 3 con chung, cháu lớn sinh 2008, cháu nhỏ nhất sinh 2014. Về tài sản lớn, chúng tôi có ngôi nhà trên nền đất diện tích gần 400m2; 2 xe ô tô và công ty (tôi sở hữu 10% vốn, chồng tôi sở hữu 90% vốn). Hơn 2 năm nay, do bất đồng nhiều vấn đề, vợ chồng tôi xác định không thể tiếp tục cuộc hôn nhân. Mới đây, chồng tôi viết đơn ly hôn yêu cầu tôi ký nhưng tôi không ký. Lý do, trong đơn chồng tôi nói con cái và tài sản chung vợ chồng tự thỏa thuận phân chia, không yêu cầu tòa án giải quyết. Trong khi đó, thực tế anh ấy luôn miệng nói nếu ly hôn tôi và các con phải ra đi tay trắng vì hầu hết tài sản trong gia đình đều do anh ta làm ra. Hàng tháng, chồng tôi sẽ chu cấp tiền để các con tôi được ăn học đàng hoàng, đầy đủ. Xin hỏi luật sư, quy định của pháp luật về ly hôn là như thế nào? Nếu tôi không ký vào đơn ly hôn, chồng tôi có đơn phương ly hôn được không? Trường hợp tòa giải quyết ly hôn thì vấn đề con cái, tài sản chung sẽ được xử lý, phân chia ra sao? Nguyễn Quỳnh Anh (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

 Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết - Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa. Địa chỉ: P801 - Tòa B11C, Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội

Luật sư Đỗ Thị Ánh Tuyết - Công ty Luật TNHH Lưu Đại Nghĩa. Địa chỉ: P801 - Tòa B11C, Nam Trung Yên, Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội

Đối với trường hợp giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên, tức là việc bạn ký đơn ly hôn hay không ký đơn ly hôn thì chồng bạn vẫn có quyền nộp đơn ly hôn tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 56 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về việc giải quyết ly hôn theo yêu cầu của một bên thì, khi có căn có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì Tòa án giải quyết cho ly hôn. Bởi mục đích của hôn nhân là cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng và con cái. Vì vậy, khi có những căn cứ cho rằng mục đích của cuộc hôn nhân giữa bạn và chồng bạn không đạt được thì Tòa án sẽ xem xét để quyết định ly hôn. Hơn nữa như bạn trình bày ở trên, bạn và chồng cũng mâu thuẫn nhiều và xác định không thể tiếp tục cuộc hôn nhân. Do đó, theo chúng tôi điều bạn cần quan tâm hiện tại chỉ là vấn đề con cái và tài sản sau khi ly hôn sẽ được thỏa thuận và phân chia ra sao để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn khi Tòa án giải quyết ly hôn.

Về vấn đề con cái theo như nội dung bạn trình bày thì chồng bạn sẽ để cho bạn nuôi cả 3 con chung và anh ấy sẽ chu cấp hàng tháng cho bạn nuôi con. Do 3 cháu đều từ đủ 7 tuổi trở lên nên khi giải quyết vấn đề về nuôi con Tòa án sẽ hỏi nguyện vọng các con muốn ở với ai theo quy định tại khoản 2, Điều 81 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014. Trường hợp cả 3 con đều đồng ý ở với mẹ thì Tòa án sẽ công nhận thỏa thuận của 2 vợ chồng về vấn đề này. Trường hợp 1 trong các con hoặc cả 3 đều không đồng ý ở với mẹ thì Tòa án sẽ xem xét điều kiện của bố và mẹ để quyết định việc ai nuôi con.

Hai bên có thể tự nguyện thỏa thuận việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng và các nghĩa vụ tài chính khác hoặc yêu cầu tòa án phân chia theo quy định của pháp luật

Hai bên có thể tự nguyện thỏa thuận việc phân chia tài sản chung, tài sản riêng và các nghĩa vụ tài chính khác hoặc yêu cầu tòa án phân chia theo quy định của pháp luật

Theo quy định tại khoản 2, Điều 82 - Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Trường hợp hai vợ chồng bạn tự thỏa thuận được với nhau về việc bạn nuôi 3 con và chồng là người cấp dưỡng thì sẽ được Tòa án ghi nhận sự thỏa thuận này. Mức cấp dưỡng do hai bên thỏa thuận trên cơ sở điều kiện về mặt kinh tế, thu nhập của chồng bạn cũng như nhu cầu về cuộc sống của 3 con. Nếu không thỏa thuận được về việc bạn nuôi 3 con thì người không trực tiếp nuôi con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng.

Đối với vấn đề tài sản, vợ chồng bạn hiện có 3 tài sản chính là ngôi nhà trên nền đất diện tích gần 400m2; 2 xe ô tô và vốn góp tại công ty. Trước hết bạn cần xem lại hai vợ chồng trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng hay không? Nếu có thì việc phân chia 3 tài sản trên theo văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bạn, trừ trường hợp văn bản thỏa thuận này vô hiệu. Để đảm bảo quyền lợi cho mình, nếu có văn bản thỏa thuận giữa hai vợ chồng về chế độ tài sản thì bạn có thể liên hệ với luật sư để được tư vấn về giá trị pháp lý của văn bản.

Trường hợp hai vợ chồng bạn không có văn bản thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng thì 3 tài sản trên được chia theo pháp luật. Cụ thể, theo quy định tại khoản 4, Điều 7, Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP (hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình) thì khi áp dụng để chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì về nguyên tắc sẽ được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây để xác định tỷ lệ tài sản mà vợ chồng được chia: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng. Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn sẽ được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của mình; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn. Vì vậy, bạn sẽ được xem xét là lao động có thu nhập tương tương với thu nhập của chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung của hai vợ chồng bạn. Chồng bạn cho rằng anh ấy có công sức đóng góp nhiều hơn anh ấy sẽ phải chứng minh việc đó.

Giá trị tài sản chung của vợ chồng, tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo giá thị trường tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc. Khi giải quyết chia tài sản khi ly hôn, Tòa án phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên. Theo thỏa thuận, bạn là người trực tiếp nuôi 3 con. Vì vậy, bạn cũng được xem xét ưu tiên hơn khi Tòa án xem xét phân chia tài sản... Đối chiếu với các nguyên tắc trên và căn cứ các tình tiết bạn cung cấp, theo chúng tôi bạn sẽ nhận được ít nhất 1/2 giá trị tài sản khi Tòa án giải quyết ly hôn.

Về tài sản là căn nhà trên nền đất 400m2, Tòa án sẽ xem xét có thể tách ra 1/2 diện tích đất trên hay không. Trường hợp có thể tách ra thì Tòa án sẽ tuyên để cho mỗi người nhận 1/2 diện tích đất trên tổng 400m2 đất đó. Tòa án sẽ thẩm định tài sản để xem xét người được nhận phần diện tích đất có căn nhà trên đất sẽ thanh toán phần giá trị chênh lệch cho người nhận phần diện tích đất không có nhà trên đất. Trường hợp không thể tách diện tích đất trên thì người được xem xét nhận diện tích 400m2 sẽ thanh toán 1/2 giá trị bằng tiền cho người còn lại. Đối chiếu với quy định tại Khoản 4 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình nếu bạn có yêu cầu Tòa án xem xét để mình được nhận 1/2 phần đất có nhà trên đất trong trường hợp tách được thửa đất hoặc nhận toàn bộ diện tích 400m2 đất trong trường hợp không tách thửa đất được thì bạn sẽ được ưu tiên khi xem xét.

Về tài sản là 2 chiếc ô tô, Tòa án cũng sẽ thẩm định, định giá giá tài sản đối với 2 chiếc ô tô này và giao cho mỗi người 1 chiếc. Trường hợp người nhận chiếc ô tô có giá trị cao hơn sẽ thanh toán phần giá trị chênh lệch cho người còn lại.

Và về tài sản là phần vốn góp tại công ty thì theo quy định tại điểm C, khoản 4, Điều 7 - Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình thì phải bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập khi giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn. Vì vậy, Tòa án sẽ giải quyết để bạn vẫn là thành viên góp vốn với tỷ lệ 10% giá trị phần vốn góp của Công ty nếu bạn có yêu cầu tiếp tục là thành viên góp vốn. Chồng bạn vẫn tiếp tục là thành viên góp vốn với tỷ lệ 90% giá trị phần vốn góp của công ty. Nhưng chồng bạn phải thanh toán cho bạn giá trị chênh lệch bằng tiền tương ứng 40% giá trị phần vốn góp của công ty và 40% giá trị lợi tức của doanh nghiệp đến thời điểm giải quyết ly hôn. Trường hợp bạn không đồng ý với giá trị chồng bạn đưa ra và hai bên không thỏa thuận được, bạn có thể yêu cầu Tòa án thẩm định, định giá giá trị phần vốn góp để đảm bảo được chia đúng giá trị mình được hưởng.

Việc yêu cầu Tòa án giải quyết tài sản khi ly hôn thì mỗi bên sẽ phải chịu án phí khá lớn tương ứng với phần giá trị tài sản được chia... Do đó, bạn và chồng bạn cần hết sức cân nhắc để xem có thể tự thỏa thuận với nhau về việc chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân sẽ tránh được phần án phí phải nộp.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-can-nhac-truoc-khi-yeu-cau-toa-an-phan-chia-tai-san-khi-ly-hon-post543227.antd