Cần cảnh báo sớm hiện tượng tai biến địa chất

Tai biến địa chất là hiện tượng địa chất thể hiện rủi ro hoặc tiềm ẩn nguy hiểm đối với sự sống và cơ sở vật chất. Hiện tượng này thường xảy ra một cách tự nhiên như động đất, núi lửa phun nhưng phổ biến nhất là sụt lún mặt đất, sạt lở đồi núi, bờ sông hồ, lũ ống, lũ quét, xâm nhập mặn...

Ngành Giao thông vận tải huy động lực lượng khắc phục sự cố sạt lở trôi đất lấp mặt đường trên tuyến Quốc lộ 15D lên Cửa khẩu quốc tế La Lay ngày 17/10/2022. Ảnh: T.N

Ngành Giao thông vận tải huy động lực lượng khắc phục sự cố sạt lở trôi đất lấp mặt đường trên tuyến Quốc lộ 15D lên Cửa khẩu quốc tế La Lay ngày 17/10/2022. Ảnh: T.N

Theo số liệu thống kê của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai trong năm 2020 ở khu vực Trung Bộ từ Quảng Bình đến Kon Tum do 7 cơn bão gây ra mưa lớn kéo dài làm phát sinh hàng loạt vụ trượt lở, lũ quét, lũ bùn đá, đá đổ với tổng khối lượng đất đá sạt lở lên tới 4,1 triệu m3, gây thiệt mạng nhiều người, tàn phá môi trường dân sinh và cơ sở hạ tầng.

Đặc biệt, trong tháng 10-11/2020, nhiều đợt áp thấp và bão lớn liên tiếp, mưa rất to kéo dài nhiều ngày đã làm phát sinh các tai biến trên sườn dốc, gây tổn thất về sinh mạng và cơ sở hạ tầng, nhất là thảm họa địa chất xảy ra tại Nhà điều hành thủy điện Rào Trăng 3, Trạm quản lý bảo vệ rừng 67 (Phong Xuân, Phong Điền, Thừa Thiên Huế); khu vực đóng quân của Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 337 (thôn Cợp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa; thôn Tà Rùng, xã Húc, Hướng Hóa); xã Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My) và Thôn 3, xã Phước Lộc, Phước Sơn (Quảng Nam)...

Mặc dù là một loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra và Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam,” song để dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy ra lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là “bài toán” khó.

Để có cơ sở khoa học thực hiện việc cảnh báo sớm các loại hình thiên tai khó dự báo như trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét... Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản đã thực hiện Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn hệ phương pháp, mô hình phân vùng cảnh báo chi tiết và xác định ngưỡng mưa kích hoạt tại các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” và thu được nhiều kết quả tích cực.

Các phương pháp này bao gồm thống kê, học máy, đồng thời tổng hợp các ứng dụng của các mô hình kết hợp để tăng độ chính xác cho mô hình. Việc sử dụng các mô hình kết hợp sẽ hạn chế các nhược điểm của các mô hình khi sử dụng đơn lẻ. Trên cơ sở tổng hợp các phương pháp và mô hình đã áp dụng cho công tác phân vùng tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét, đề tài đã đề xuất các phương pháp, mô hình thực hiện công tác phân vùng chi tiết nguy cơ các loại tai biến này ở 4 tỉ lệ 1:10.000, 1:5000, 1:2000 và 1:1000 phù hợp với đặc điểm tự nhiên khu vực miền núi, trung du và điều kiện kinh tế ở Việt Nam.

Việc áp dụng các mô hình kết hợp giữa mô hình ổn định sườn và mô hình thủy văn với sự tác động của lượng mưa là một phương pháp được ứng dụng để thành lập bản đồ ổn định sườn dốc cho quy mô lưu vực. Các bản đồ kết quả của phương pháp sẽ có tính chính xác và khả năng ứng dụng thực tiễn cao.

Ngoài ra, các phương pháp xác định ngưỡng mưa cũng là một kết quả quan trọng góp phần quan trọng vào công tác dự báo về không gian và thời gian xảy ra các tai biến trượt lở, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét. Các kết quả nghiên cứu sẽ góp phần quan trọng vào công tác dự báo, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai cho các khu vực miền núi, trung du Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội hiệu quả, bền vững hơn ở các khu vực này.

Để nâng tính chính xác trong đánh giá trượt lở đất đai, ngoài việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như ảnh viễn thám, cần có sự kiểm tra, đối chiếu so sánh với các tài liệu khác hiện có và kiểm chứng từ thực địa.

Đặc biệt, hoạt động cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi cần phải tập trung làm điểm và đặt mục tiêu giảm được tỉ lệ sạt lở trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất còn hạn chế (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng), vì vậy phải tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động; tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo ngắn cho khu vực miền núi.

Ngoài ra, Tổng cục Khí tượng thủy văn sẽ triển khai xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét. Cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.

Do đó, Đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để lựa chọn hệ phương pháp, mô hình phân vùng cảnh báo chi tiết và xác định ngưỡng mưa kích hoạt tại các khu vực nhạy cảm về trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam” là một đóng góp tích cực trong việc cảnh báo sớm nguy cơ tai biến địa chất trên địa bàn miền núi.

Tân Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/can-canh-bao-som-hien-tuong-tai-bien-dia-chat/181536.htm