Quần thể di tích Chiến trường Ðiện Biên Phủ có 45 điểm di tích thành phần; trong đó các điểm được đưa vào phục vụ khách tham quan bao gồm: Đồi A1, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Hầm Đờ-cát, Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đồi A1 (Điện Biên Phủ) là một quả đồi cao, mắt xích quan trọng của hệ thống 5 quả đồi bảo vệ phía Đông. Địch đã tập trung nhiều binh lực, hỏa lực và xây dựng công sự vững chãi ở đây, gây ra nhiều khó khăn cho quân ta khi tiến công. Nhưng sau 39 ngày đêm đào hầm và đặt khối thuốc nổ gần 1.000 kg, ngày 6/5/1954, quân ta đã phá hủy được cứ điểm này bằng một vụ nổ lớn. Đây là chiến thắng quan trọng, tạo tiền đề cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm và giành chiến thắng toàn diện.
Du khách trong nước và quốc tế tới tham quan, trải nghiệm quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng đông. Trong đó, đồi A1 là một trong những địa điểm thu hút nhiều lượt khách nhất.
Lô cốt "cây đa cụt" là vị trí tham quan đầu tiên của di tích. Lô cốt này bị Đại đội 671 (thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) của ta đánh chiếm lúc 1h30 ngày 7/5/1954.
Bên trong lô cốt "cây đa cụt" trưng bày 2 manơcanh lính Pháp nhằm tái hiện lại khung cảnh lúc chiến sự diễn ra.
Hình ảnh hào tiếp viện của quân Pháp tại đồi A1.
Những hàng dây thép gai, hầm hào công sự, lô cốt... trên đồi A1 minh chứng cho sự khốc liệt của chiến tranh.
Hầm chỉ huy cứ điểm A1 của Pháp là một hầm ngầm đào sâu vào đồi, vốn là hầm rượu vang của tòa công sứ Pháp trước năm 1945.
Căn hầm hiện đã được tu sửa, tôn tạo bằng những loại vật liệu bền vững hơn, trưng bày một số manơcanh lính Pháp nhằm tái hiện lại khung cảnh lúc chiến sự diễn ra.
Dấu tích khu vực giành giật quyết liệt giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân Pháp từ ngày 30/3 đến ngày 6/5/1954.
Hệ thống đường hào lộ thiên của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ vây quanh quả đồi A1. Hiện nay tôn tạo lại 1.020 mét đường hào lộ thiên, 92 mét hào có nắp trong tổng số 4.000 mét hào.
Bộ Chỉ huy chiến dịch của ta quyết định đào đường hầm, chui sâu vào lòng đất rồi dùng bộc phá lớn đặt dưới chân hầm ngầm để tiêu diệt địch.
Dấu tích còn lại sau vụ nổ khối bộc phá trên đồi A1.
Nơi tưởng nhớ hơn 2.000 cán bộ, chiến sĩ của chúng ta đã anh dũng hy sinh tại đồi A1.
Xác chiếc xe tăng Bazeille nặng 18 tấn của quân Pháp bị Đại đội 674 (thuộc Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) của ta tiêu diệt tại đồi A1.
Trong 56 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ, đồi A1 đã trở thành chiến trường khốc liệt trong 39 ngày đêm.
Chảo Mắn On