Cần chế tài mạnh để tạo thói quen tiết kiệm điện
Để tiết kiệm điện trở thành thói quen, lối sống, theo các chuyên gia, cần phải có biện pháp mạnh cũng như xây dựng giá điện theo cơ chế thị trường để tạo tính cạnh tranh.
Việt Nam có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả
Cung cấp thông tin tại Tọa đàm về "Tiết kiệm điện - Từ chính sách đến cuộc sống" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 15/5, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 4 tháng đầu năm, điện thương phẩm đạt 96,2 tỷ kWh điện, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước (năm 2023 tăng 4,26%). Như vậy, 4 tháng qua, điện thương phẩm tăng xấp xỉ khoảng 3 lần so với 2023. Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong những năm gần đây.
Đặc biệt trong tháng 4/2024, hệ thống điện đã lập những kỷ lục mới, cao hơn rất nhiều so với công suất và sản lượng trong quá khứ.
Đáng chú ý, theo ông Lâm, Việt Nam có tỷ lệ sử dụng năng lượng chưa hiệu quả. So sánh theo hệ số quy đổi, để có 1.000 USD, chúng ta cần 376 tấn dầu quy đổi, gấp khoảng 2 - 3 lần các quốc gia khác. “Đây là thách thức rất lớn để chúng ta phải làm tốt hơn công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong thời gian tới”, ông Võ Quang Lâm cho hay.
Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Công thương, việc cung ứng điện trong năm 2024 sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tình hình El Nino còn diễn ra phức tạp; nhu cầu về sử dụng điện được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh do đà phục hồi kinh tế và phục hồi sản xuất, nhất là các ngành hàng chế biến xuất khẩu.
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương cho biết, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, nhất là tiết kiệm điện, đã được Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm chỉ đạo và triển khai thực hiện thành công tác thường xuyên trong giai đoạn vừa qua. Cụ thể, trong năm 2023 Bộ Công Thương đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20 ngày 8/6/2023 về tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, không phải vì thiếu điện mà chúng ta mới cần tiết kiệm điện, mà điều quan trọng là nguồn cung về điện phải ổn. Cách đặt vấn đề của Chính phủ đưa ra trong Chỉ thị số 20 cho thấy sự tích cực đương đầu với những khó khăn về năng lượng. Tới đây, chúng ta sẽ phải làm nhiều việc để đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế cũng như bảo đảm ý thức tiết kiệm điện của người dân như một nét văn hóa.
“Cần nâng cao ý thức, giáo dục công dân coi điện là tài nguyên quý giá của con người”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Cần thực hiện nhiều giải pháp để tạo thói quen tiết kiệm điện
Bàn về giải pháp, các chuyên gia tại Tọa đàm cho rằng, vận động, tuyên truyền chỉ là một trong những giải pháp và đó là chưa đủ.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, ông Võ Quang Lâm cho biết, EVN chú trọng ứng dụng nhiều công nghệ để tiết kiệm điện. Trong năm qua, EVN đã tập trung nhiều vào công tác hiện đại hóa hệ thống đo đếm, hiện đại hóa công tác vận hành hệ thống điện… Khoảng 92% công tơ đo đếm điện trên cả nước đã thực hiện điện tử hóa.
Ông Võ Quang Lâm cũng cho rằng, cần quan tâm đến nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, bởi họ chiếm tỷ lệ cao trong việc sử dụng điện. Năm 2023, trong tổng số 253 tỷ kWh điện thương phẩm, riêng nhóm khách hàng sử dụng năng lượng trọng điểm là 107 tỷ kWh. Nếu làm tốt việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả trong khối doanh nghiệp thì sẽ có cơ hội tiết kiệm điện rất nhiều.
“EVN đặt ra mục tiêu năm 2024 tiết kiệm được 5,5 tỷ kWh và phấn đấu tiết kiệm 6 tỷ kWh đến hết năm 2024”, ông Võ Quang Lâm cho biết.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, văn hóa sử dụng điện phải trở thành lối sống, nhu cầu thiết thân của mỗi người nhưng hãy bắt đầu từ các chế tài mạnh để tạo thành thói quen.
“Giá cả điện phải là đầu tiên, chuyển sang giá thị trường càng sớm càng tốt, cơ chế cạnh tranh càng nhiều càng tốt. Cần tạo được áp lực chính sách giá điện 2 thành phần. Tôi cho đây là cách tiếp cận thông minh và tạo ra sự hợp lý trong sử dụng, có hàm ý cả khuyến khích và bảo đảm được tính cạnh tranh”, ông Thiên nói.
Đồng tình, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, hạ tầng công nghệ và các công tơ điện tử đang được lắp đặt đủ khả năng để thực hiện giá điện 2 thành phần không chỉ với doanh nghiệp mà có thể áp dụng với các hộ gia đình. “Khi chúng ta có những chế tài mang tính chất thị trường, nhìn thấy cái giá phải trả thì mọi người sẽ thay đổi nhiều về ý thức tiết kiệm điện”, ông Sơn đề nghị.
Ngoài ra, theo ông Hà Đăng Sơn, các chính sách liên quan đến tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm điện cũng phải tạo ra áp lực đối với doanh nghiệp thì mới thực sự đưa các yêu cầu, mục tiêu của Chỉ thị 20 trở thành hiện thực. Dẫn chứng, ông Sơn cho biết, tại các tỉnh miền Nam, các doanh nghiệp nhận thức rất tốt về tiết kiệm điện, bởi lo ngại về chế tài về điều chỉnh carbon xuyên biên giới.
Cùng quan điểm cần phải có chế tài đủ mạnh để tạo thói quen tiết kiệm điện, ông Trịnh Quốc Vũ cho biết, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo EVN thỏa thuận với các khách hàng sử dụng điện lớn về dịch chuyển công suất đỉnh của phụ tải điện ra khỏi giờ cao điểm của hệ thống, thỏa thuận về cắt giảm công suất đỉnh tại các thời điểm hệ thống có nguy cơ thiếu điện. Tuy nhiên, đối với việc quản lý nhu cầu phụ tải thì hiện đang thiếu chế tài.
Do đó, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, trong Luật Điện lực (sửa đổi) sắp tới, những cơ chế về chế tài xử phạt những đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm các quy định pháp luật, cũng như cơ chế khuyến khích cho các khách hàng đồng hành với các chương trình tiết kiệm điện, chương trình điều chỉnh phụ tải điện của EVN… cũng cần được quan tâm, xây dựng đầy đủ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/can-che-tai-manh-de-tao-thoi-quen-tiet-kiem-dien-d215222.html