Cần chủ động, linh hoạt hơn trong bảo vệ và phát triển rừng

Tại Hội nghị đánh giá công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 diễn ra vào chiều 5/5, chủ trì Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, năm nay biến đổi khí hậu gây hạn hán kéo dài, nhiệt độ tăng cao vượt mức cảnh báo của chúng ta nên nguy cơ cháy rừng rất lớn và đã xuất hiện nhiều vụ cháy rừng ở phía Nam.

“Đã xuất hiện những cơn mưa, áp lực cháy rừng tuy có giảm xuống nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ vì theo dự báo khả năng sẽ còn xuất hiện những đợt nắng nóng kéo dài”, Phó thủ tường Chính phủ Trần Lưu Quang nhận định.

Thông tin tại Hội nghị, ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết, năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ cháy rừng, diện tích rừng bị ảnh hưởng 674,5 ha, trong đó diện tích rừng có khả năng tự phục hồi khoảng 487,5 ha (do cháy lướt, cháy thực bì, không ảnh hướng đến rừng), diện tích rừng khó có khả năng tự phục hồi khoảng 187 ha. 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 89 vụ cháy rừng với diện tích rừng bị ảnh hưởng, ước tính sơ bộ khoảng 498 ha chủ yếu là các diện tích rừng trồng, rừng tự nhiên nghèo và rừng non phục hồi, tăng hơn 25% so với cùng kỳ 2023.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử tham gia phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý bảo vệ rừng và PCCCR, nêu những khó khăn, hạn chế mà địa phương đang gặp phải.

“Cháy rừng là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nền nhiệt và số ngày nắng nóng cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 4, cùng với sự bất cẩn của người dân trong đốt nương làm rẫy, sử dụng lửa trong rừng, gần rừng đã dẫn đến xảy ra nhiều vụ cháy rừng”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nêu nguyên nhân, đồng thời cho biết, đã có những đối tượng gây cháy rừng bị khởi tố và xử lý nghiêm minh, kịp thời theo quy định của pháp luật.

Ông Trị cũng cho hay, năm 2023, 60/60 tỉnh, thành phố có rừng đã công bố hiện trạng rừng với tổng diện tích rừng cả nước là: 14.860.309 ha, trong đó rừng tự nhiên là trên 10 triệu ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc hiện đạt 42,02%.

Nhờ làm tốt và chủ động trong công tác đắp đập giữ nước nên hiện mực nước tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ vẫn đảm bảo cho việc tuần tra, phục vụ PCCCR khi có sự cố xảy ra.

Cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) thông tin, tại Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ nay đến 10/5 không xảy ra nắng nóng. Từ 11-16/5 có thể xuất hiện đợt nắng nóng với nhiệt độ 35-38 độ, ít mưa, độ ẩm thấp nhất từ 55-65%. Nguy cơ cháy rừng trong giai đoạn này ở mức cao; giai đoạn nửa cuối tháng 5/2024 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa chuyển mùa, nguy cơ về cháy rừng sẽ giảm dần.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho rằng, mặc dù tỉnh đã chủ động đầu tư, trang bị, nhưng trong điều kiện ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, nên không đủ nguồn lực về kinh phí để thực hiện các công việc cần đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị công nghệ hiện đại để nâng cao khả năng giám sát cháy rừng, như: nạo vét kênh trữ nước vào mùa khô, xây dựng chòi quan sát lửa; lắp đặt biển báo cấp dự báo cháy rừng tự động, hệ thống phát hiện sớm cháy rừng... “Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cấp bách về PCCCR từ nguồn vốn cấp bách của Trung ương năm 2024 cho tỉnh Cà Mau với kinh phí 30 tỷ đồng để triển khai một số công việc cần thiết phục vụ công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn tỉnh”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử kiến nghị, đồng thời mong muốn Cà Mau được tham gia vào thực hiện thí điểm bán tín chỉ cacbon.

Tính đến ngày 3/5, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ cháy (2 vụ cháy rừng, 2 vụ cháy thực bì sau khai thác không ảnh hưởng đến rừng, 1 vụ cháy cây tràm tái sinh, tràm trồng ngoài đất lâm nghiệp), diện tích thiệt hại 42,7 ha; trữ lượng thiệt hại 912,28 m3. Riêng năm 2023, Cà Mau không để xảy ra vụ cháy rừng nào.

Do chưa làm tốt công tác "4 tại chỗ" nên vừa qua đã xảy ra vụ cháy lớn, thiệt hại gần 40 ha rừng tại phần đất do Cục Hậu cần (Quân Khu 9) quản lý (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời).

Phát biểu hại Hội nghị, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị tăng cường hơn nữa trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, PCCCR; không được lơ là, chủ quan khi thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng sẽ còn kéo dài. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tuyên truyền trong quản lý, bảo vệ và PCCCR; có cơ chế nhằm phát huy hệ sinh thái rừng. Phó thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương chủ động, linh hoạt hơn trong việc phân bổ, ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách kịp thời, hợp lý trong đầu tư phát triển và bảo vệ, PCCCR, chăm lo tốt hơn đời sống lực lượng kiểm lâm…

Trần Nguyên

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/can-chu-dong-linh-hoat-hon-trong-bao-ve-va-phat-trien-rung-a32412.html