Cần có phương án xử lý việc xả thải tại bãi tắm Thái Lai

Bãi tắm Thái Lai, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh thu hút khá đông du khách đến tham quan, tắm biển bởi vẻ đẹp hoang sơ, bãi cát trắng mịn dài, làn nước mát trong xanh và những món ăn ngon do chính người dân nơi đây đánh bắt, chế biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây bãi tắm Thái Lai đứng trước nguy cơ ô nhiễm vì các hồ nuôi thủy sản gần đó xả nước thải trực tiếp ra môi trường.

Hút cát vào, xả nước thải ra

Bãi tắm Thái Lai vào một ngày đầu tháng 10 đìu hiu, vắng vẻ. Dọc dãy hàng quán, thi thoảng có một vài chiếc xe máy, ô tô chở theo khách thập phương tấp vào nghỉ ngơi, thư giãn, thưởng thức ẩm thực. Riêng quán Đông Nga của bà Lê Thị Nga từ sáng đến gần trưa chưa có vị khách nào.

Chỉ tay về phía bãi cát dài trước quán, bà Nga ngao ngán nói: “Nhà tôi mở quán kinh doanh dịch vụ ở đây đã hơn 10 năm nay. Từ nhiều năm về trước, xung quanh bãi tắm có vài hồ nuôi tôm mọc lên. Chủ của các hồ này nối những ống nhựa dài ra biển để hút nước biển vào và xả nước thải ra. Họ xả nước thải chủ yếu vào ban đêm. Các ống nhựa xả thải không nối ra tới biển mà chỉ cách đê cát chắn sóng vài mét nên nước thải hôi thối xả trực tiếp xuống nền cát trắng.

Những ống này lại rất gần quán của chúng tôi. Từ năm 2022 đến nay, một số hồ chuyển từ nuôi tôm sang nuôi ốc hương. Các chủ hồ hút cát từ mép bờ biển vào để tạo lòng hồ nuôi ốc. Mỗi khi thủy triều lên, sóng biển làm xói lở ở những nơi họ hút cát. Chúng tôi buôn bán ở đây vừa lo bị sạt lở vừa bị nước thải, mùi hôi thối gây ô nhiễm”. Trước thực trạng này, bà Nga và một số hộ kinh doanh bãi tắm đã gọi điện thoại báo với lãnh đạo UBND xã Vĩnh Thái.

Nước thải được xả ra từ các hồ nuôi thủy sản đen ngòn, sủi bọt và có mùi hôi thối - Ảnh: Trần Tuyền

Nước thải được xả ra từ các hồ nuôi thủy sản đen ngòn, sủi bọt và có mùi hôi thối - Ảnh: Trần Tuyền

Theo ghi nhận của phóng viên, bãi tắm Thái Lai nằm sát những hồ nuôi tôm, ốc hương. Cả 2 phía của bãi tắm dọc theo đê cát chắn sóng đều có hồ nuôi tôm, ốc hương. Bên trong những hồ nuôi, các guồng quay sục khí chạy hết tốc lực, một số hồ vừa được hút cát biển vào lòng hồ đang đợi nước. Ở phía bên kia đê cát là vô số ống nhựa đâm thẳng ra biển. Cứ cách vài chục mét lại có những cọc gỗ nhô lên lởm chởm giữa bãi cát dài.

Những cọc gỗ này dùng để cố định các ống nhựa hút nước biển. Song song với những ống nhựa nhỏ hút nước biển là các ống nhựa có đường kính lớn dùng để xả nước thải. Mỗi ống nước thải ra dòng nước đục ngầu, tạo ra một ao nước lớn có màu xanh đen. Xung quanh miệng ống, đất cát bị xói lở. Đi dọc bãi biển Thái Lai, mùi hôi thối từ những ao nước thải này xộc lên nồng nặc, đeo bám chúng tôi.

Điều đáng nói là ảnh hưởng của thủy triều tạo nên các đụn cát cao gần mép biển nên nước thải từ hồ nuôi tôm, ốc hương đọng lại phía trước dãy hàng quán. Anh Nguyễn Tân, một khách du lịch kể: “Trước đây, tôi thường đưa gia đình đến bãi tắm Thái Lai để tắm biển, nghỉ ngơi và thưởng thức ẩm thực. Tuy nhiên, sau vài lần tắm ở đây, tôi thấy ngứa ngáy khó chịu. Ngoài ra, những ao nước được xả ra từ các hồ nuôi thủy sản gần đó bốc lên mùi hôi thối. Vì vậy, từ nay gia đình tôi không đến tắm biển ở bãi tắm Thái Lai nữa”.

Chưa có phương án xử lý

Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái Nguyễn Hữu Trường cho hay, trên địa bàn xã có trên 17 ha nuôi thủy sản, tập trung tại các thôn Thái Lai, Tân Hòa, Tân Thuận. Tình trạng xả thải của các hồ nuôi thủy sản là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay.

“Theo quy định thì những hồ nuôi thủy sản phải xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường nhưng thực tế một số hồ nuôi tôm, ốc hương xả nước thải thải trực tiếp ra bờ biển. Xã không có khả năng để kiểm tra chất lượng nguồn nước thải nên khó xử lý.

Những ống xả thải này còn có nguy cơ gây sạt lở hệ thống đê cát chắn sóng ven biển. Với những hồ nuôi thủy sản xả nước thải trực tiếp ra môi trường, UBND xã đã kiểm tra, nhắc nhở họ nối thêm ống, tránh xả gần đê”, ông Trường nói.

Theo ông Trường, những năm gần đây một số hồ nuôi tôm trên địa bàn xã, trong đó có thôn Thái Lai không hiệu quả nên chủ hồ chuyển sang nuôi ốc hương. Để cải tạo lòng hồ, các chủ hồ đã tự ý hút cát từ chân sóng vào.

“Xã đã nắm thông tin phản ánh của người dân qua điện thoại. Vừa qua, các sở, ngành liên quan có kiểm tra về vấn đề môi trường tại bãi tắm nhưng hiện chưa có văn bản kết luận. Khi có kết luận của đoàn kiểm tra, xã sẽ xem xét, nghiên cứu để có kiến nghị bằng văn bản trình lên cấp trên”, ông Trường cho biết thêm.

Thiết nghĩ, để bãi tắm Thái Lai phát huy hết tiềm năng, lợi thế vốn có, phát triển du lịch biển, trước mắt chính quyền các cấp cần sớm có giải pháp xử lý việc xả thải ra môi trường và hút cát biển từ những hồ nuôi thủy sản. Về lâu dài, cần có quy hoạch phù hợp để vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biển vừa đảm bảo môi trường.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/ban-doc-phap-luat/can-co-phuong-an-xu-ly-viec-xa-thai-tai-bai-tam-thai-lai/180883.htm