Căn hộ nắng

Đã hơn 10 đêm nay, Liên mất ngủ. Chợp mắt khi kim đồng hồ chỉ 11 giờ đêm, mới hai giờ sáng cô đã tỉnh giấc, không ngủ lại được nữa. Liên ngồi bên bàn hằng ngày vẫn soạn giáo án, mắt trân trân nhìn vào ngọn đèn bàn.

Cứ thế, đến sáng bạch với đôi mắt ráo hoảnh, cô lững thững ra sân rửa mặt, lững thững vào buồng thay quần áo và lên lớp. Ở ngăn sau bức ri đô nhàu nhĩ, Tùng-chồng Liên cứ nằm lặng như tờ. Trong khi các nhà ở cùng dãy nhà tập thể, đêm đêm họ hì hục buộc, gói, gỡ, chặt… tưng bừng cho việc chuyển nhà. Gặp Liên, mấy người thân chào vội rồi phải quay mặt đi, tránh kêu lên một câu ta thán về sức khỏe của cô.

Vì lo cho cô bạn đồng nghiệp, lại là hàng xóm gần gũi hơn 10 năm rồi, vợ chồng Trâm Lý cũng trì hoãn mấy ngày nay, chưa chuyển nhà vội. Trong khi cả dãy nhà tập thể, hơn 40 gia đình nhà giáo đã lần lượt chuyển lên khu chung cư mới.

 Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Minh họa: QUANG CƯỜNG.

Số là trường đại học này được thành lập hơn 20 năm, đã trở thành một trung tâm đào tạo nhân lực cho mấy tỉnh trung du này. Lãnh đạo tỉnh quyết định xây dựng dự án khu đô thị đại học, với phương thức liên danh, liên kết. Tức là tỉnh đầu tư đất, kêu gọi nhà thầu xây dựng đầu tư bỏ vốn xây dựng, nhà trường huy động vốn trong cán bộ nhân viên trả tiền nhà theo 3 giai đoạn. Lần một, khi hạ tầng và móng của 3 tòa chung cư hoàn thành. Lần hai, các gia đình nộp tiếp tiền nhà khi phần xây thô hoàn thành. Và lần cuối là giao tiền khi nhận căn hộ. Do đã có sự hỗ trợ về đất và các thủ tục khác, nên mỗi căn hộ trung bình chỉ phải nộp trên dưới 800 triệu đồng. Trong thời giá khi ấy, ở vị trí của khu đô thị đại học này, khi hoàn thiện, bỏ rẻ mỗi căn hộ cũng bán được gần gấp đôi.

Niềm vui lại như nhân đôi, khi dự án xây dựng cho tầm nhìn của trường và của tỉnh sau 50 năm, 70 năm. Theo đó mà toàn bộ cán bộ, nhân viên của trường, tính cả người đã nghỉ hưu đến người vừa tập sự, mới có hơn 160 suất, nhưng đề án cho phép xây dựng 3 tòa chung cư, mỗi tòa chứa được 80 hộ gia đình, vị chi là có thể tiếp nhận 240 hộ gia đình có thể đến ở. Theo thiết kế của dự án, mỗi căn hộ có diện tích trung bình 100 mét vuông. Ba khối nhà chung cư được vẽ phối cảnh, dựng ngay trên sân khu A của trường, ai đi qua cũng phải trầm trồ. Các giảng viên mỗi sớm lên lớp, đều ngước nhìn bản vẽ khu chung cư với đôi mắt chứa chan hy vọng. Ban giám hiệu quyết định thành lập ban quản lý dự án. Đủ cả bộ tứ nhà trường cùng một số ban, khoa liên quan. Ban quản lý dự án nằm dưới sự chỉ đạo của bí thư đảng ủy kiêm hiệu trưởng, một giáo sư toán học có uy tín và đầy trách nhiệm, điều hành trực tiếp là phó hiệu trưởng, kiêm phó bí thư đảng ủy, cũng là giáo sư sinh học với nhiều đề án được tỉnh ca ngợi.

Do dự án là trọng điểm cấp một của tỉnh, nên các bước như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng và cấp giấy phép xây dựng rất nhanh chóng. Duy chỉ có vấn đề nhỏ nhưng khá tế nhị, đó là ngoài các suất để nhà đầu tư ngoại giao và một số căn hộ dành cho công trình phúc lợi như khu hội họp và nhà trẻ, thì vẫn còn gần 50 suất nữa. Bàn đi tính lại, cuối cùng phó hiệu trưởng đề xuất có thể mở rộng diện nộp tiền căn hộ chung cư cho những gia đình cán bộ đã công tác lâu năm. Tức là có thể nộp thêm suất cho bố mẹ hoặc anh chị em ruột.

Việc trục trặc khi xây 3 tòa chung cư của trường đại học bắt đầu từ năm thứ hai. Tức là khi công trình đang xây thô. Trong các gia đình giáo giới đã xuất hiện những tiếng xì xèo về nhà nọ, nhà kia mua những 3 suất, định làm giàu nhờ công trình tập thể. Lại có ý kiến nói rằng, hiệu phó và kế toán nhà trường đã lấy một phần công quỹ nộp phần mấy căn hộ. Giáo sư hiệu trưởng cũng bị vấy tin là tiền nộp làm nhà không đến mức đó, ông đã cùng nhà thầu nâng giá, đến nỗi nhiều giảng viên phải xoay chạy mãi mới đủ tiền nộp mà ông thì rủng rỉnh vừa mua xe đắt tiền, lại vừa chạy cho con trai du học…

Thanh tra tỉnh vào cuộc. Có việc được minh chứng là đầu cơ; có việc thì hoàn toàn vu cáo đặt điều. Một lỗi lớn mà ban quản lý phải nhận đó là việc thu tiền căn hộ ngoài đối tượng đã không báo cáo tỉnh và các cơ quan chức năng; mà chính từ đó mới nảy sinh các lời đồn và các văn bản khiếu nại. Mấy người bị khiển trách, mấy người tạm thở phào. Oái oăm thay, sau khi công trình tạm dừng, chuẩn bị làm tiếp cũng là khi giá đất, giá nhà tụt dốc thảm hại. Chỉ chưa đầy 8 tháng sau, số tiền các gia đình nộp sau giai đoạn một chỉ đủ mua cát xây dựng.

Lại các cuộc họp liên miên, các lời giải thích tràng giang để đạt mục đích là nộp tiền xây dựng tiếp. Nhưng có phải ai cũng sẵn tiền để nộp số tiền tăng lên gần gấp đôi như ký kết đâu? Tiền không có, nhà thầu nghỉ. Thế là công trình ba khối chung cư của trường đại học im lìm qua ba, bốn, rồi năm mùa xuân…

Một ban giám hiệu mới của nhiệm kỳ mới ra đời, kèm theo đó là ban quản lý xây dựng mới cũng hình thành. Nóng ruột cho cảnh những căn nhà tập thể cũ và nhà tạm của giảng viên đã quá xập xệ, ban giám hiệu mới và ban quản lý mới đề xuất mức đóng tiền tạm thời và nhà trường đứng ra vay ngân hàng một lượng tiền đủ để hoàn thiện khu chung cư. Mọi nhà, mọi người uể oải đồng ý. Bởi còn cách nào hơn? Nhưng sự đời ai cập nhật chữ “ngờ”. Nhà thầu cũ, sau gần 6 năm theo đuổi, cũng nản, đã chuyển nhượng công trình cho nhà thầu mới. Mà nhà thầu mới này các giáo sư, giảng viên có ai đủ khả năng để kiểm chứng năng lực của họ đâu?

Mấy chục tỷ đồng vừa chuyển vào cho công ty xây dựng mang tên rất kêu, rất hiện đại bỗng dưng lọt thỏm. Vì công ty mới này nợ quá nhiều nên khi tài khoản của họ vừa xuất hiện có tiền, các công ty đòi nợ cùng ngân hàng thu nợ ngay tắp lự… Ba tòa chung cư, niềm hy vọng của hơn 160 gia đình giáo giới của trường lại trơ gan cùng tuế nguyệt!

Gần đây, bằng giải pháp quyết liệt, ban quản lý báo cáo lãnh đạo tỉnh tìm cách tháo gỡ. Tỉnh chỉ định một nhà thầu có uy tín và năng lực thực thụ vào cuộc. Mọi khoản nộp mua nhà của giảng viên tạm khoanh lại, sẽ báo chi tiết sau, trước mắt là hoàn thiện và đưa chung cư vào sử dụng. Khu chung cư của đại học được khoác áo, được trang điểm và được bước vào đời…

Nhưng từ khi đặt gạch khai móng cho đến hôm nay, đã là vừa tròn 10 năm. Mười năm, với bao biến động, thăng trầm; 10 năm với bao vui buồn, hỷ nộ ở mỗi gia đình?

Phó khoa Toán tin, thạc sĩ Trâm, vốn là một người lính xe tăng xuất ngũ cũng rơi vào cảnh ngộ éo le. Tính ồn ào, năng nổ của bản thân và sự giúp đỡ của đồng đội đã cứu giúp anh. Trâm nhanh chóng tìm việc làm thêm để có thêm thu nhập. Anh mở các lớp dạy vi tính ngắn ngày. Dạy từ phố tỉnh xuống các thị trấn phố huyện. Mê mải kiếm sống thế anh mới nuôi được mẹ già hơn 80 tuổi, nuôi vợ không nghề nghiệp, ốm đau quanh năm, cùng 4 đứa con lít nhít. Nhưng cũng trong một dịp về huyện miền núi dạy thêm, cách xa trường hơn 50 cây số, anh đã bị tai nạn xe máy, gãy xương đùi, giờ vẫn phải đi tập tễnh. Đôi lông mày lưỡi mác trên khuôn mặt quắc thước của Trâm là niềm tin của cả gia đình bé nhỏ này. Niềm tin ấy chính là chỉ có anh chạy ngược chạy xuôi thì mới đủ tiền nộp nhà chung cư, để thỏa ước mong của bao năm, để mấy hôm nay, vợ chồng con cái mới náo nức cũng buộc, gói, gỡ, chặt… để về căn hộ mới!

Liên Tùng thì lại có nỗi niềm riêng. Liên là giảng viên môn Lịch sử, cái môn mà mấy năm gần đây học sinh thưa thớt đăng ký dự thi. Ở trường đại học, Khoa Sử của sư phạm cũng không có gì hấp dẫn sinh viên. Liên chỉ có lương ba cọc ba đồng, được cái chồng Liên là sĩ quan quân đội, nên lương cũng khá cao. Nhưng trời như không có mắt, vợ chồng muộn đường con cái. Chữa chạy mãi rồi sau 5 năm cưới nhau mới được một mụn con gái. Nguồn tiền lương của hai vợ chồng chỉ quanh việc chữa bệnh và trang trải cuộc sống một cách tằn tiện. Muốn nộp tiền nhà, Liên phải chắt bóp từng đồng lương tháng của cả hai người. Cô không dám mua sắm, ngay đến thỏi son môi mà Liên cũng phải đắn đo. Mỗi khi nhận phong bì trọn vẹn lương tháng của chồng, Liên ngước nhìn chồng với cả lòng biết ơn. Tùng da ngăm, cằm bạnh, mắt hơi lồi, nhìn dữ tướng nhưng rất dí dỏm. Mỗi khi bế nựng con gái, anh lại hồ hởi chỉ lên tấm panô in hình 3 tòa nhà mà nói: "Bố con mình sắp được ở nhờ nhà mới của mẹ Liên rồi". Anh cù vào nách con, khiến nó cười nắc nẻ, đến giống cha. Bé gái hơn 3 tuổi với đôi mắt trong veo, ngước nhìn ba, nhìn mẹ đầy phấn khích.

Đợt hai nộp tiền nhà, Liên vét hết tiền ki cóp, vẫn không đủ nộp cho ban quản lý, cô phải cúi mặt chạy ra thị xã vay lãi theo ngày mấy trăm triệu. Nhưng ai học chữ ngờ, đúng lúc cả nhà không còn một đồng, cả khu tập thể không ai còn tiền dư vì đều cùng nộp tiền chung cư, thì con gái Liên ngã bệnh! Ban đầu nó chỉ sốt qua qua. Chủ quan, Liên chỉ đắp khăn ấm và cho bé uống nước lá nhì nhằng. Ngày thứ hai, nó vẫn sốt, ngại đi viện vì nhà không còn tiền, lại ngại gọi điện cho chồng. Ai ngờ đến ngày thứ ba thì cháu co giật và hôn mê. Cháu được chữa thoát chết nhưng để lại di chứng đến giờ vẫn liệt cả hai chân. Tám tuổi rồi, cháu vẫn ngồi trên xe đẩy! Cũng từ đó, Tùng như người mất hồn, má hóp lại, chân đi như người say. Mỗi lần về nhà, anh lại đờ đẫn nhìn vợ, đôi mắt như quắt lại. Rồi Tùng lăn ra ngủ vật vờ. Hết đợt nghỉ, Tùng lại lê đôi chân ra xe khách về đơn vị.

Hơn tuần nay, khu tập thể đã chuyển về chung cư mới hết cả, chỉ còn hai nhà. Nhà Trâm Lý cũng đã sẵn sàng. Tùng về. Trâm tập tễnh bước sang:

- Cô chú không định chuyển thật ư?

- Chúng em về đó cũng có ý nghĩa gì đâu anh!-Liên nghèn nghẹn nói.

Đúng lúc ấy, cháu gái, con của Tùng Liên, ngồi trên xe lăn, giơ tay chỉ và reo lên: “Ba nhìn kìa, căn hộ chung cư tắm nắng da dẻ nó hồng không kìa!”. Nhân lúc Liên chạy vào bên con, Trâm nhìn thẳng vào mắt Tùng, đanh giọng:

- Chú Tùng, chú là lính. Anh cũng là lính. Thằng lính trung sĩ đã giải ngũ này nói với thằng lính cấp tá đương chức câu này: Không được yếu hèn trước cuộc sống!

Tùng lắp bắp: “Bác, bác bảo em…”.

Trâm tiếp: “Hơn lúc nào hết, lúc này và bất cứ lúc nào chúng ta cũng phải là chỗ dựa tin cậy của các cô ấy. Không phải chỉ là bờ vai của người chồng mà còn là chỗ dựa, là niềm tin ở người lính. Chú hiểu không?”.

- Vâng… vâng… Em nghe theo bác…!

Liên cũng đã đứng bên chồng.

Cả ba người cùng bất giác ngước sang khu chung cư. Ba tòa nhà mỗi tòa 10 tầng, cao lừng lững, sơn màu hồng, nó ánh lên trong buổi sớm mai trông vô cùng rực rỡ. Trên tầng bảy nhà A, có một căn hộ, vẫn bỏ không, hình như nắng tràn vào các phòng của căn hộ ấy đầy hơn. Gió sớm lùa qua đập nhẹ vào mấy cánh cửa. Cánh cửa sổ cứ mở ra, khép lại… như đôi bàn tay đang vẫy.

Truyện ngắn của ĐỖ HÀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/can-ho-nang-604527