Cần một trật tự thế giới mới cho tất cả người dân

Cộng đồng quốc tế cần xây dựng một trật tự thế giới mới vì tất cả mọi người dân, ngăn chặn thực tế phân tán và chia rẽ cản trở các nỗ lực toàn cầu vì hòa bình và phát triển.

Xung đột ở Dải Gaza cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu

Xung đột ở Dải Gaza cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu

Sự phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua

Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich (Đức) mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi cần phải xây dựng một trật tự thế giới mới cho tất cả người dân. Theo ông Antonio Guterres, cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Trong khi thế giới phải đối mặt với những thách thức hiện hữu, thì cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua. Vì thế, người đứng đầu LHQ nêu bật sự cần thiết phải xây dựng “một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân”.

Tổng Thư ký LHQ cho rằng, nếu các quốc gia hoàn thành nghĩa vụ quốc tế của mình theo Hiến chương LHQ, tất cả người dân trên thế giới sẽ được sống trong hòa bình và phẩm giá. Tuy nhiên, nhiều chính phủ không thực hiện những cam kết này và hàng triệu dân thường đang phải trả những cái giá khủng khiếp. Xung đột vẫn tiếp diễn khiến hàng chục ngàn dân thường thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Các cuộc chiến tranh đang gia tăng về số lượng và sự khốc liệt. Hàng triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa, đối mặt với nạn đói và bệnh tật.

Xung đột ở Dải Gaza là minh chứng rõ ràng cho thấy sự bế tắc trong quan hệ toàn cầu, mức độ thương vong và tính chất hủy diệt của cuộc xung đột tại đây thực sự gây choáng váng. Chiến tranh đang lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông và ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu. Xung đột giữa Nga và Ukraine cũng ngày càng căng thẳng. Nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế vẫn thường xuyên bị vi phạm. Các cuộc chiến tranh xâm lược, sự can thiệp vào công việc nội bộ của các nước có chủ quyền, dùng con bài dân chủ, nhân quyền và các công cụ kinh tế, trong đó có trừng phạt kinh tế có chiều hướng gia tăng. Các siêu cường, nước lớn vẫn sử dụng sức mạnh, tầm ảnh hưởng của mình để chi phối các quyết định của LHQ, chia rẽ thế giới theo “cực”.

Trong bối cảnh đó, đáng lẽ các nước lớn có tiềm lực phải sát cánh, hợp tác để thúc đẩy giải quyết các thách thức toàn cầu. Thế nhưng, thế giới lại đang chứng kiến sự chia rẽ và đối đầu. Mỹ đang tìm cách thiết lập trật tự thế giới “một cực” do

Washington dẫn dắt. Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Phương Đông - EEF 2022 ở Vladivostok, Nga, hồi tháng 9-2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo: “Các nước phương Tây đang cố gắng duy trì một trật tự thế giới trước đây chỉ có lợi cho họ, buộc mọi người phải sống theo những quy tắc mà chính họ đã tạo ra và thường xuyên vi phạm những quy tắc đó. Họ cũng liên tục thay đổi những quy tắc đó tùy theo hoàn cảnh hiện tại”.

Điều này dẫn tới cạnh tranh quyết liệt của các nước khác, nhất là Trung Quốc. Quan hệ nước lớn đan xen giữa cạnh tranh ở những lĩnh vực chiến lược và hợp tác ở một số lĩnh vực cụ thể có song trùng lợi ích. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt cạnh tranh, đối đầu có phần nổi trội hơn. Lĩnh vực cạnh tranh trải rộng từ chính trị, an ninh, ngoại giao, thương mại, sản xuất, khoa học - công nghệ đến văn hóa, nguồn nhân lực, tiền tệ...

Để đối phó với Mỹ, Trung Quốc đang chủ động cùng với Nga thiết lập “luật chơi”, “sân chơi” mới, trước hết là các thiết chế về kinh tế do mình dẫn dắt, tiến tới vị trí trung tâm hơn của vũ đài thế giới. Sự cạnh tranh này đang tạo nên những thay đổi căn bản, xáo trộn lớn ở tất cả các phương diện của đời sống thế giới. Kể cả trong trường hợp hai nước Mỹ, Trung Quốc hay Mỹ, Nga “ngồi lại” với nhau cũng không thể kết thúc được sự xung đột, mâu thuẫn về chiến lược. Bởi Mỹ muốn duy trì vị trí số một thế giới, thiết lập trật tự “một cực” do Mỹ dẫn dắt, còn Trung Quốc là nhân tố thách thức mục tiêu của Mỹ, trong khi Nga muốn trở lại quỹ đạo quyền lực toàn cầu.

Thúc đẩy “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình”

Những thách thức trên cần phải được thế giới quan tâm và giải quyết. Trong Thông điệp Năm mới 2024, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết để biến năm 2024 trở thành năm của “tái xây dựng niềm tin và hy vọng” sau khi thế giới đã trải qua năm 2023 đau thương, bạo lực và bất ổn. Ông Antonio Guterres nêu rõ: “Nhân loại mạnh mẽ nhất khi chúng ta sát cánh bên nhau. 2024 phải là năm để xây dựng lại niềm tin và khôi phục hy vọng”.

Trong số những giải pháp nổi lên, ông Antonio Guterres nhấn mạnh đến “Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” mà LHQ công bố tháng 7-2023 nhằm cập nhật hóa các hệ thống an ninh tập thể trên phạm vi toàn cầu thông qua “chủ nghĩa đa phương gắn kết và bao trùm”, cũng như yêu cầu cải cách Hội đồng Bảo an LHQ, tái cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân và nhấn mạnh hơn đến vai trò của phát triển bền vững và hành động khí hậu trong ngăn ngừa xung đột.

“Chương trình nghị sự mới vì hòa bình” bao gồm nhiều ưu tiên, trong đó có các biện pháp để tăng phòng ngừa ở cấp độ toàn cầu, thông qua giải quyết các rủi ro chiến lược và sự chia rẽ địa chính trị; tầm nhìn về ngăn chặn xung đột và bạo lực cũng như duy trì hòa bình, với các đề xuất về mô hình giải quyết mọi hình thức bạo lực và ưu tiên các mối liên quan giữa phát triển bền vững, hành động khí hậu và hòa bình; ngăn chặn “vũ khí hóa” các lĩnh vực và công nghệ mới nổi, đồng thời thúc đẩy đổi mới có trách nhiệm; cải thiện bộ máy an ninh tập thể để khôi phục tính hợp pháp và hiệu quả của hệ thống này.

Chương trình nghị sự mới này cũng nhấn mạnh đến vai trò của các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ, lực lượng đã giúp cứu sống hàng triệu người và duy trì các lệnh ngừng bắn trên khắp thế giới. Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký LHQ nêu rõ: “Những xung đột kéo dài chưa được giải quyết, do các yếu tố phức tạp trong nước, các yếu tố địa chính trị và xuyên quốc gia”, cũng như “nguồn lực không tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ” dẫn tới những hạn chế đối với hoạt động của các phái bộ gìn giữ hòa bình. Ông nhấn mạnh: “Các hoạt động gìn giữ hòa bình không thể thành công khi không có hòa bình để gìn giữ. Các phái bộ LHQ cũng không thể đạt được mục tiêu nếu không có những chỉ thị rõ ràng và thực tế từ Hội đồng bảo an LHQ, tập trung vào các giải pháp chính trị”.

Theo Tổng Thư ký LHQ, các cuộc xung đột phân mảnh liên quan đến các nhóm vũ trang phi nhà nước, băng nhóm tội phạm, khủng bố và những phần tử cơ hội đã làm tăng nhu cầu đối với các hoạt động đa quốc gia thực thi hòa bình, chống khủng bố và chống nổi dậy. Trong đó, châu Phi là lục địa có nhu cầu lớn nhất đối với các phái bộ thực thi hòa bình thế hệ mới của LHQ. Trên cơ sở đó, ông Antonio Guterres kêu gọi “nhìn lại một cách nghiêm túc và toàn diện về tương lai các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ, hướng tới các mô hình linh hoạt, dễ thích nghi với các chiến lược rút phái bộ phù hợp”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/can-mot-trat-tu-the-gioi-moi-cho-tat-ca-nguoi-dan-post567370.antd