'Cần tầm nhìn dài hạn hơn thay vì phấn đấu từng năm một'

Nói về lộ trình phục hồi kinh tế, PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng: 'Chúng ta cần tầm nhìn dài hạn hơn thay vì phấn đấu từng năm một'

 PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. HCM

PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng trường Đại học Ngân hàng TP. HCM

Tại Diễn đàn kinh tế vĩ mô năm 2024 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" diễn ra tại TP. HCM, PGS. TS Nguyễn Đức Trung đánh giá nền kinh tế Việt Nam và thế giới năm 2023 đã diễn ra đầy thú vị.

Trong đó, nền kinh tế Việt Nam có nhiều sáng như Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành 4 lần, tín dụng tăng trưởng 13,7%, tỷ giá điều chỉnh ở mức 2,89%, đầu tư công được giải ngân ở mức ấn tượng (95%).

Năm 2024, Quốc hội đã thông qua đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6 – 6,5%. PGS. TS Nguyễn Đức Trung cho rằng trong trường hợp xấu có thể không đạt được mức kỳ vọng này. Theo ông, nền kinh tế giống như cơ thể con người, ốm sốt là điều có thể xảy ra và cần những khoảng lặng để điều chỉnh, hướng tới những kế hoạch dài hạn thay vì cố gắng, nỗ lực ngay cả khi “cơ thể ốm”.

“Chúng ta cần tầm nhìn dài hạn hơn thay vì phấn đấu từng năm một”, PGS. TS Nguyễn Đức Trung cho biết.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đề ra, vị chuyên gia này đề xuất nhiều giải pháp tổng thể. Cụ thể, ông đề xuất tăng xúc tiến thương mại; nhân rộng các mô hình đã thực hiện ở TP. HCM như ngày hội livestrem bán hàng, ngày hội mua sắm,…; duy trì giảm thuế VAT 2% không chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 mà kéo dài cả năm; kiên định chính sách tài khóa phản chu kỳ; thực thi giảm giá bán nhờ áp dụng công nghệ.

Thêm vào đó, PGS. TS Nguyễn Đức Trung cho rằng cần thực hiện các biện pháp thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), thay đổi mô hình đầu tư công, tránh tình trạng “đầu năm bình tĩnh, cuối khẩn trương” để tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công.

Về xuất khẩu, vị chuyên gia này đề xuất cần hướng mạnh hơn đến những thị trường khả quan về tăng trưởng kinh tế như Ấn Độ, thay vì tập trung vào các thị trường quen thuộc là Mỹ, châu Âu.

Còn theo GS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Phó giám đốc Đại học Kinh tế TP. HCM, vị chuyên gia này cho rằng thời kỳ đen tối, bi quan nhất của nền kinh tế đã đi qua. Xu hướng lạm phát sẽ giảm trong thời gian tới, tạo dư địa cho các chính sách hỗ trợ kinh tế.

“Khi áp lực lạm phát giảm, ngân hàng trung ương thế giới sẽ hãm đà tăng lãi suất. FED cũng sẽ không tăng lãi suất nữa và bắt đầu kích đà giảm”, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết.

Việc tăng lãi suất trong thời gian qua đã gây nên hậu quả lớn, 3 ngân hàng của Mỹ đã sụp đổ. Từ bài học đó, trong năm 2023, Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất. GS. TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo đánh giá đây là thành công trong điều hành tiền tệ, là dư địa để chính sách tiền tệ tiếp tục được nới lỏng, sẽ tiếp tục giảm hoặc không tăng.

Cùng với đó, vị chuyên gia này cho rằng các chính sách quyết liệt tháo gỡ bất động sản trong năm qua đã tạo kỳ vọng bất động sản hồi phục. Việc giải quyết nợ xấu, “gỡ mìn” trái bom trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp dòng tiền quay trở lại thị trường.

“Bất động sản là hàn thử biểu của nền kinh tế, sự phục hồi của ngành này sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho bức tranh chung”, ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết.

Về tổng thể, ông Bảo cho rằng tổng cầu nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ hồi phục tốt hơn trong năm 2024. Theo đó, hàng tồn kho của các nước phát triển như Mỹ và khu vực châu Âu đã chạm đỉnh vào cuối năm 2023 và đang có xu hướng giảm. Khi hàng tồn kho giảm sẽ mở ra xu hướng đi lên cho xuất khẩu, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.

Thu An

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/can-tam-nhin-dai-han-hon-thay-vi-phan-dau-tung-nam-mot-20180504224293891.htm