Cần thêm nhân sự đa năng giúp phát triển giao thông thông minh
Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, cần phải đào tạo ra các thế hệ kỹ sư giao thông 'mới' có kiến thức chuyên môn và kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ. Việc này giúp thúc đẩy các hệ thống giao thông trở nên xanh, bền vững và thông minh.
Ngày 15-5, Trường Đại học Việt Đức tổ chức tọa đàm “Xu hướng giao thông thông minh, cách tiếp cận thúc đẩy giao thông bền vững”. Tại tọa đàm, các chuyên gia đầu ngành cũng phân tích triển vọng phát triển thị trường giao thông thông minh, định hướng phát triển sản phẩm và nhu cầu nhân lực về kỹ sư giao thông thông minh.
Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc công ty tư vấn VOCIS, cho biết tại Bosch (Công ty Bosch Việt Nam), là nơi ông từng làm việc có khoảng 400 nhân sự là người Việt tham gia trong lĩnh vực xe tự hành. Điều này chứng minh rằng, các giải pháp do kỹ sư Việt Nam đáp ứng được yêu cầu của các hãng ô tô trên thế giới.
“Trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm các công ty lắp ráp về xe điện nên việc phát triển nguồn nhân lực rất quan trọng”, ông Huệ nhấn mạnh.
Về mặt hạn chế, ông Huệ cho rằng, hiện thiếu sự kết nối giữa nhà trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để người mới có cơ hội để thực tập.
Chia sẻ câu chuyện về nguồn nhân lực ở góc nhìn là cơ quan quản lý, ông Hoàng Phúc Dũng, Phó trưởng Phòng quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM) cũng cho rằng, việc đào tạo nhân sự về giao thông thông minh rất cần thiết trong bối cảnh tương lai.
“Hiện những người làm việc trong cơ quan quản lý như Sở gần như chỉ có chuyên môn về giao thông. Khi làm việc nhân sự đều kiêm nhiệm và tự mày mò về IT”, ông Dũng nêu ví dụ.
Theo ông Dũng, ngành giao thông đang cần các thế hệ kỹ sư giao thông thông minh để tiếp quản, vận hành những mô hình tiến bộ, ví dụ như thành phố thông minh. Các nhân sự mới này không chỉ có kiến thức về chuyên môn mà còn có kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ.
Cũng góp ý kiến về vấn đề này, ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc Phát triển kinh doanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chuyển đổi số/BCIS, FPT IS, cho biết từng có thời điểm các kỹ sư của FPT gặp khó khăn về kiến thức chuyên ngành khi thực hiện dự án nên phải mời Subject Matter Expert (người có kiến thức sâu rộng về một chủ đề nghiệp vụ hay một giải pháp – PV) tham gia cùng.
“Năm 2014, khi triển khai xây dựng hệ thống vé cho đường sắt thì chúng tôi ‘như một tờ giấy trắng’ về kiến thức chuyên ngành giao thông. Chúng tôi đầu tư 100 nhân sự và trong số này có 50% nhân sự xuất thân từ đại học chuyên ngành về giao thông”, ông Sơn kể và cho biết thêm, các nhân sự chuyên ngành giao thông giúp IT hiểu giao thông thông minh cần có gì và IT sẽ phục vụ được những gì.
Giao thông thông minh không đến từ công nghệ mà đến từ quy hoạch và thiết kế thông minh. Trong tương lai, FPT hướng đến việc xuất khẩu bài toán giao thông thông minh đến các quốc gia khác nên cần nhân lực kỹ thuật cao.
“Kỹ sư làm cần biết về giao thông thông minh và chúng tôi cần những nhân sự này”, ông Sơn nói.
Tương tự, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, cho biết để phát triển một giải pháp giao thông ứng dụng công nghệ tiên tiến đòi hỏi người kỹ sư trưởng nhóm phải biết về kỹ thuật vận tải, kỹ thuật hạ tầng, kỹ thuật phần mềm, dữ liệu; và thậm phần là cả tâm lý khách hàng, yếu tố xã hội, yếu tố kinh doanh. “Trong quá trình làm việc chúng tôi nhận ra hiện rất thiếu những người trẻ có năng lực như vậy”, ông Tuấn chia sẻ.
Cũng trong khuôn khổ buổi tọa đàm, Trường Đại học Việt Đức đã công bố chương trình cử nhân Kỹ thuật giao thông thông minh. Đây sẽ là nguồn lao động mới, thế hệ kỹ sư “mới” để đáp ứng, giải quyết bài toán giao thông thông minh.