Cần thiết phải phòng nhiễm giun sán cho trẻ

Tuy là căn bệnh đơn giản nhưng việc nhiễm giun sán có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Khi không được phát hiện, điều trị kịp thời, trẻ nhiễm giun sán có thể gặp một số biến chứng như viêm ruột thừa, viêm phúc mạc, thiếu máu nhược sắc, giảm protein trong máu, tắc ruột, tắc mật. Bởi vậy, việc phòng, chống nhiễm giun sán cho trẻ là rất cần thiết.

Để trẻ phát triển khỏe mạnh, việc quan tâm về dinh dưỡng, phòng chống nhiễm giun sán cho trẻ là rất cần thiết. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên tư vấn, hướng dẫn phụ huynh về dinh dưỡng và cách chăm sóc, phòng bệnh truyền nhiễm, giun sán cho trẻ.

Để trẻ phát triển khỏe mạnh, việc quan tâm về dinh dưỡng, phòng chống nhiễm giun sán cho trẻ là rất cần thiết. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện A Thái Nguyên tư vấn, hướng dẫn phụ huynh về dinh dưỡng và cách chăm sóc, phòng bệnh truyền nhiễm, giun sán cho trẻ.

Trung tuần tháng Tư, Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên, tiếp nhận và phẫu thuật lấy búi giun "khổng lồ" trong ruột bệnh nhân V.V.T., 5 tuổi, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ). Trước đó, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, bụng chướng, đau bụng quặn cơn. Sau khi siêu âm, chụp ổ bụng và tiến hành xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột do nhiễm quá nhiều giun, cần phẫu thuật cấp cứu để gắp giun ra. Ngay lập tức, bệnh nhân được tiến hành gây mê nội khí quản để tiến hành phẫu thuật.

Quá trình phẫu thuật, các bác sĩ tiến hành kiểm tra ruột non thấy giãn rộng, bên trong có búi giun đũa lớn gây tắc ruột. Ca mổ diễn ra liên tục trong khoảng 2 giờ, các bác sĩ đã gắp được hơn 30 con giun đũa ra khỏi đường ruột bệnh nhi. Sau khi gắp toàn bộ búi giun ra ngoài, bệnh nhi được rửa ổ bụng, khâu phục hồi ổ bụng; được theo dõi hồi sức tích cực, hồi phục tốt và đã được xuất viện.

Bác sĩ CKII Triệu Văn Bộ, Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện A Thái Nguyên, cho biết: Tắc ruột là một cấp cứu ngoại khoa nguy hiểm. Một trong những nguyên nhân gây tắc ruột xảy ra ở trẻ là do giun đũa. Trẻ bị tắc ruột do giun sẽ có các triệu chứng như: đau quặn bụng, cơn đau tăng dần, khám thấy thành bụng căng, nhu động ruột giảm, kích thích phúc mạc vùng bụng, nôn hoặc trước đó có nôn ra giun… Tắc ruột kéo dài có thể gây lồng ruột, xoắn ruột, xuất huyết hoặc hoại tử ruột, thậm chí gây thủng ruột, rối loạn điện giải, vô niệu. Nếu không xử lý kịp thời, tắc ruột còn có thể dẫn đến hoại tử ruột và các biến chứng nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa đến tính mạng của trẻ.

Trên thực tế, nhiễm giun sán (giun đũa, giun móc, giun kim, giun tóc) không chỉ gây ra tắc ruột mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, theo con số riêng chúng tôi nắm được, có đến trên 70% trẻ em ở nước ta nói chung, Thái Nguyên nói riêng nhiễm giun sán. Nguyên nhân là do điều kiện sống, sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của trẻ em, nhất là trẻ em ở miền núi, vùng cao của tỉnh còn nhiều hạn chế.

Cụ thể, trẻ ăn thực phẩm không sạch sẽ, chưa được nấu chín như các loại rau sống, món ăn tươi sống (gỏi cá, bò tái, hàu sống...) tiềm ẩn nguy cơ chứa các loại ấu trùng giun sán như sán lợn, sán dây bò, sán lá gan... Ngoài ra, việc trẻ không được tẩy giun định kỳ, chơi đùa cùng thú nuôi, không vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân sạch sẽ cũng khiến ấu trùng giun, sán đi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, thâm nhập qua những vùng da hở, trầy xước hoặc đang bị thương. Bên cạnh đó, để người mang mầm bệnh, vui đùa, ăn uống cùng trẻ cũng có thể truyền bệnh cho trẻ.

Theo đánh giá của ngành Y tế, tình trạng nhiễm giun sán hiện nay ở Thái Nguyên vẫn đang ở mức cao, nhất là ở trẻ em. Do đó, mỗi người cần có các biện pháp phòng, tránh bệnh hiệu quả cho con trẻ bằng cách loại bỏ ngay những thói quen khiến trẻ dễ nhiễm bệnh, xây dựng một lối sống an toàn, khỏe mạnh.

Ngoài ra, bố mẹ cần quan sát những biểu hiện bất thường của con để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Các nhà trường cần thúc đẩy giáo dục các hoạt động vệ sinh cá nhân cho học sinh…

Bác sĩ CKII Triệu Văn Bộ khuyến cáo: Để phòng ngừa bệnh cần đảm bảo giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là rửa tay trước khi ăn uống; thực hiện ăn chín uống sôi, môi trường sống sạch sẽ; không để móng tay dài dễ dính, bám đất cát và lây nhiễm trứng giun sán. Đặc biệt, cha mẹ nên tiến hành tẩy giun cho trẻ theo định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần để đảm bảo sức khỏe cho con trẻ.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202405/can-thiet-phai-phong-nhiem-giun-san-cho-tre-4390a9b/