Cần Thơ: Măng cụt mất mùa nhưng không được giá, nhà vườn kém vui

Sản lượng các vườn măng cụt của nông dân ở Cần Thơ năm nay giảm mạnh nhưng giá bán lại không cao, chỉ ở mức từ 45.000-50.000 đồng/kg, trong khi trước đó có giá lên đến 60.000-70.000 đồng/kg.

Số lượng măng cụt năm 2024 được thu mua không đủ cung ứng cho người bán. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Số lượng măng cụt năm 2024 được thu mua không đủ cung ứng cho người bán. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Cần Thơ đang vào mùa măng cụt nhưng theo các nhà vườn, măng cụt năm nay mất mùa so với năm trước.

Mặc dù sản lượng trái măng cụt năm nay giảm nhưng giá bán không cao nên nhiều nhà vườn kém vui.

Vườn măng cụt 80 gốc được trồng xen trong vườn dâu, sầu riêng đang vào mùa thu hoạch nhưng ông Nguyễn Hữu Dụ, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền hái từ sáng đến trưa vẫn chưa được 5kg trái.

Đã thu hoạch được vài ngày nhưng số lượng măng cụt chín chưa khi nào được ông Dụ hái đủ 10kg/ngày. Sản lượng măng cụt năm nay ở vườn ông Dụ giảm 10 lần so với năm ngoái.

Cầm dụng cụ hái măng cụt đi từng cây tìm trái để hái, ông Dụ cho biết năm nay măng cụt thất thu nên tìm mỏi mắt mới thấy được trái chín. Năm ngoái cây nào nhiều trái thì năm nay giảm năng suất rất rõ.

"Mọi năm, tùy theo cây mà hái được 30-40kg trái. Năm nay, có cây khoảng 10kg trái, có cây chỉ 1-2kg, có cây không có trái nào," lão nông 72 tuổi thở dài.

Hầu hết vườn măng cụt của nông dân ở Cần Thơ năm nay đều rơi vào cảnh neo trái, nhà vườn cũng vì thế mà không mấy vui.

Theo nông dân trồng măng cụt ở huyện Phong Điền, mùa măng cụt năm ngoái được mùa nhưng năm nay măng cụt cho trái ít, giá bán lại không tăng nên người trồng măng cụt thu nhập không cao.

Giá măng cụt chín được nông dân tại các địa phương bán xô cho thương lái và các vựa thu mua trái cây ở mức từ 45.000-50.000 đồng/kg, trong khi trước đó có giá lên đến 60.000-70.000 đồng/kg.

Theo khảo sát của phóng viên, năm nay, dù măng cụt của nhà vườn tại nhiều địa phương thất mùa nhưng trên thị trường vẫn có nhiều tiểu thương, sạp chợ bán măng cụt (nhập khẩu từ Thái Lan).

Với nguồn cung tăng khi bước vào mùa măng cụt chính vụ và lượng măng cụt Thái Lan dồi dào trên thị trường nên giá trái măng cụt chín hiện đã giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg so với đầu vụ và có khả năng còn tiếp tục giảm do vào chính vụ.

Măng cụt là loại trái cây chín tự nhiên nên không thể thu hoạch đồng loạt để xử lý chín và phải lựa từng trái chín trên cây để thu hoạch bằng phương pháp thủ công, tốn rất nhiều thời gian và công sức.

 Trái măng cụt còn xanh. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Trái măng cụt còn xanh. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Thế nhưng với sản lượng trái ít và giá bán không cao nên nhiều nhà vườn tận dụng lao động sẵn có trong gia đình để thu hoạch trái nhằm giảm chi phí.

Bà Lê Thị Lệ, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, cho biết vườn măng cụt nhà bà bắt đầu cho trái chín khoảng 10 ngày nay. Nhưng mỗi ngày, vợ chồng bà Lệ chỉ hái được từ 1-2kg trái.

Với một ký măng cụt được thương lái trả giá 50.000 đồng/kg, nếu thuê người hái một ngày 300.000 đồng tiền công thì tiền bán măng cụt không đủ trả tiền công hái. Do đó, vợ chồng bà Lệ dù đã trên 70 tuổi nhưng cũng cố gắng tự ra vườn hái từng trái măng cụt bán.

Là chủ vựa trái cây, chị Nguyễn Thị Thu Trang, Vựa trái cây Kim, xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, vừa đếm măng cụt giao cho khách vừa cho biết năm nay măng cụt rất ít, không đủ đáp ứng đơn hàng của khách. Từ đầu vụ đến nay mới chỉ thu mua được khoảng 500kg trái măng cụt chín. So với cùng kỳ mấy năm trước thì năm nay lượng măng cụt không bằng. Khoảng thời gian này những năm trước, vựa đã thu mua hàng tấn trái măng cụt chín.

Hiện trên địa bàn thành phố Cần Thơ có khoảng 300ha măng cụt, trong đó tập trung chủ yếu ở huyện Phong Điền với 178ha, với sản lượng trái mỗi năm khoảng từ 1.200-1.300 tấn.

So với nhiều loại cây ăn trái khác, cây măng cụt cho hiệu quả kinh tế không cao bằng, nhất là so với mít và sầu riêng. Nên ở Phong Điền không có diện tích chuyên canh măng cụt và thời gian gần đây, diện tích măng cụt cũng dần sụt giảm. Diện tích măng cụt còn chủ yếu trồng xen trong vườn ở những gia đình không có lao động trẻ để chăm sóc nếu chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

Tại xã Nhơn Nghĩa, theo ông Trương Văn Phong, nhân viên khuyến nông xã cho biết, vì cây măng cụt trồng khoảng 7-8 năm mới cho trái trong khi năm trúng, năm thất mùa nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao như trồng sầu riêng, trồng mít. Do đó, nhiều người dần bỏ trồng loại cây này. Trước đây địa phương có khoảng 50ha măng cụt, giờ còn khoảng mười mấy hecta trồng xen canh trong vườn dâu, sầu riêng.

Tuy nhiên, việc người dân ồ ạt chuyển sang tập trung trồng sầu riêng dễ tạo ra các nguy cơ rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trước nguy cơ trên, theo bà Nguyễn Thị Mỹ Ái, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Phong Điền, thực tế cho thấy cây măng cụt vốn có nhiều lợi thế trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Do đó, địa phương vẫn tuyên truyền nhà vườn duy trì diện tích măng cụt gắn với phát triển du lịch nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho loại cây đặc sản này.

"Thời gian qua, dù măng cụt có giá bán chưa cao như với mong muốn của nhiều nông dân nhưng nhìn chung vẫn luôn duy trì ở mức khá cao so với nhiều loại trái cây khác và dễ tiêu thụ. Nhà vườn rất mong muốn măng cụt sớm được xuất khẩu, giá bán cao hơn để người dân có động lực gắn bó với loại cây trồng này," bà Mỹ Ái thông tin thêm.

Măng cụt là loại trái cây chín tự nhiên, mỗi năm cho trái một vụ. Trái măng cụt chín ngon, vị chua ngọt, có nhiều vitamin nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nông dân chủ yếu trồng và bán sản phẩm thông qua thương lái. Trái măng cụt bán ra thị trường chủ yếu ở dạng tươi, chưa có bao bì, thương hiệu... nên chưa tạo giá trị gia tăng cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/can-tho-mang-cut-mat-mua-nhung-khong-duoc-gia-nha-vuon-kem-vui-post948686.vnp