Cần xây dựng thương hiệu cho các trạm dừng nghỉ

Trên dặm đường Bắc - Nam, chúng tôi đã từng có dịp đặt chân đến nhiều trạm dừng nghỉ được xây dựng trên tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ. Đây là các công trình được xây dựng để cung cấp dịch vụ phục vụ người và phương tiện tham gia giao thông.

Việc xây dựng các trạm dừng nghỉ, nhất là trên tuyến cao tốc rất cần thiết, giúp lái xe, hành khách được nghỉ ngơi và góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông. Nhưng các trạm dừng nghỉ còn có vai trò quan trọng khác, đó là giới thiệu văn hóa ẩm thực và đặc sản vùng miền cho du khách trong, ngoài nước. Vì thế, mỗi trạm dừng nghỉ đều mang đến cho hành khách những trải nghiệm khác nhau tại các điểm dừng chân.

Trong một chuyến du lịch, khi đang ngồi chờ làm thủ tục tại sân bay, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều du khách Hàn Quốc sửa soạn lại hành lý trước giờ làm thủ tục xuất cảnh. Trong vali của những du khách đó, sau thời gian du lịch ở Việt Nam về nước, chỉ chứa toàn thạch rau câu Long Hải - một món ăn được trẻ em Việt Nam ưa thích.

Tò mò hỏi thử thì được biết, nhiều du khách Hàn Quốc đã thử sản phẩm này tại một trạm dừng nghỉ ở phía Nam khi theo tour du lịch khám phá miền Tây và rất thích hương vị của nó. Vì thế, hành lý xách tay khi trở về nước của họ chỉ có món hàng này.

Điều đáng nói ở đây là món thạch rau câu ở Việt Nam mua chỗ nào cũng có nhưng không có nghĩa du khách nước ngoài nào cũng biết đến nó để mua, khi hành trình của họ luôn xê dịch.

Đa phần du khách khi đến Việt Nam đều lựa chọn du lịch đường bộ để tham quan, trải nghiệm. Trạm dừng nghỉ là nơi trưng bày nhiều nhất đặc sản của các vùng miền ở Việt Nam, cũng là địa điểm mua hàng thuận lợi đối với nhiều người khi di chuyển bằng đường bộ.

Ngoài thạch rau câu Long Hải, hẳn nhiều món quà tặng “made in Việt Nam” đã tỏa đi muôn phương theo cách đó. Lấy ví dụ cụ thể, tại Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm trên tuyến đường bộ Cao tốc Cao Bồ-Mai Sơn bình quân đón 5.000 đến 18.000 khách/ngày, có những ngày cao điểm lên tới 50.000 người; Trạm dừng nghỉ Phúc Lộc, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang phục vụ khoảng 30.000 khách/ngày và cuối tuần có thể lên tới 40.000-45.000 khách/ngày. Nếu làm tốt khâu trưng bày, quảng bá thì sản phẩm của nông dân Việt - thông qua các trạm dừng nghỉ - sẽ đến được với nhiều người tiêu dùng hơn.

Hơn 15 năm trước, khi có dịp công tác ở Lào, chúng tôi rất ấn tượng với những cửa hàng tiện lợi bên cạnh các cây xăng dọc đường của nước bạn. Các cửa hàng tiện lợi tuy không to nhưng rất sạch sẽ, trong đó có bán đầy đủ nước uống, cà phê, thức ăn nhanh và cả những loại thuốc phổ biến như đau bụng, cảm hay các loại dầu bôi.

Thời điểm đó ở Việt Nam chưa có các dịch vụ như vậy hoặc có nhưng rất ít. Bây giờ thì khác, trên tuyến cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ ở Việt Nam, các trạm dừng nghỉ được đầu tư xây dựng nhiều, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Nhiều trạm dừng nghỉ của Việt Nam còn được xếp sao, quy mô và dịch vụ không thua gì các trạm dừng nghỉ ở Hàn Quốc, Thái Lan. Nếu như ở phía Nam có Trạm dừng nghỉ Phúc Lộc thì ở phía Bắc, Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm được du khách đánh giá cao về dịch vụ và chất lượng phục vụ.

Bước chân vào Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm, chúng tôi không khỏi choáng ngợp trước quy mô và cách bài trí bên trong. Không có một đặc sản nổi tiếng nào ở phía Bắc lại không có mặt ở đây. Điều này rất tiện ích cho những ai muốn mua quà tặng sau chuyến du lịch, công tác. Trong khu vực này có cả những gian hàng chế biến sản phẩm tại chỗ như kẹo lạc.

Tại đây, khách được mục sở thị cách chế biến sản phẩm hoặc cùng tham gia một vài công đoạn sản xuất nên lúc nào cũng tấp nập. Ý tưởng của chủ đầu tư trạm dừng nghỉ này là muốn kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch để đưa nông sản Việt đến với đông đảo người tiêu dùng.

Chủ đầu tư này cho rằng, xây dựng đất nước du lịch phải bắt đầu từ chính văn hóa và phải đưa vào câu chuyện kể để sản phẩm có giá trị. Khi sản phẩm có giá trị, khách mua sẽ tìm đến.

Điều này khiến chúng tôi liên tưởng đến ý tưởng của ông Harro Boekhold - chuyên gia du lịch nông nghiệp người Hà Lan khi xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp cho Quảng Trị. Harro Boekhold cho rằng du lịch nông nghiệp là tạo cơ hội cho khách trải nghiệm, giúp họ biết về cuộc sống của người nông dân và quá trình tạo ra sản phẩm như thế nào.

Việc đưa câu chuyện vào sản phẩm và có sự tham gia của du khách vào trong các công đoạn tạo ra sản phẩm sẽ hấp dẫn du khách hơn. Vì thế, mô hình của Trạm dừng nghỉ Xuân Khiêm rất đáng được nhân rộng.

Nhằm đảm bảo nhu cầu dừng nghỉ cho người tham gia giao thông trước dịp nghỉ lễ 30/4, 7 điểm dừng nghỉ tạm trên cao tốc Bắc Nam gồm nhà vệ sinh lưu động, bãi đỗ, đường ra vào được khẩn trương xây dựng và hoàn thành trước dịp lễ. Về kế hoạch đầu tư 8 trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2017-2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 6 và hoàn thành vào giữa năm sau.

Đối với các trạm dừng nghỉ còn lại giai đoạn 2021-2025, bộ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thẩm định phê duyệt hồ sơ đề xuất dự án, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để đưa vào khai thác đồng bộ với cao tốc. Mới đây, Bộ GTVT cũng đã ban hành một số quy định mới về xây dựng trạm dừng nghỉ đường bộ để góp phần nâng cao chất lượng của các trạm dừng nghỉ tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, bên cạnh các trạm dừng nghỉ có thương hiệu, chất lượng dịch vụ của nhiều trạm dừng nghỉ hiện nay còn đơn điệu, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Nhiều trạm dừng nghỉ chưa chú trọng đến khu vực vệ sinh; hàng hóa không phong phú, sắp xếp lộn xộn khiến khách ghé vào chỉ để giải quyết nhu cầu cá nhân. Số lượng các trạm dừng nghỉ còn thiếu, nhất là trong những năm gần đây, nhiều tuyến cao tốc được xây dựng.

Do đó, ngoài tiêu chuẩn được Bộ GTVT quy định, các chủ đầu tư cần có những tiêu chuẩn của riêng mình, nhất là phải có sự sáng tạo trong thiết kế, khoa học trong quản lý, khai thác. Các trạm dừng nghỉ cần xây dựng thương hiệu để đây không chỉ là địa điểm dừng chân mà còn là nơi giúp hành khách khám phá, trải nghiệm văn hóa mỗi vùng miền.

Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-xay-dung-thuong-hieu-cho-cac-tram-dung-nghi-185168.htm