Cần xử lý dứt điểm các trạm trộn bê tông hoạt động trong khu dân cư

Trước nhu cầu xây dựng gia tăng ở nhiều địa phương, một số doanh nghiệp phớt lờ các quy định đã tự ý xây dựng trạm trộn bê tông không phép hoạt động ngay trong các khu dân cư, trên đất nông nghiệp... gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Trạm trộn bê tông nằm ngay trong khu dân cư thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc. Ảnh: P.V

Trạm trộn bê tông thương phẩm ở thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc, huyện Hậu Lộc dù không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn hoạt động, gây tiếng ồn, bụi bặm, ô nhiễm môi trường suốt thời gian dài. Một người dân nhà gần trạm trộn bê tông phản ánh: “Không chỉ inh tai, nhức óc vì tiếng ồn của trạm trộn mà vấn đề môi trường, bụi bặm ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái, các thành viên gia đình cũng hết sức lo ngại”. Một người khác cho biết: “Hàng ngày xe chở bê tông trọng tải lớn ra vào liên tục, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông. Nhiều hộ dân quanh đó kinh doanh, buôn bán cũng bị ảnh hưởng”.

Theo tìm hiểu, năm 2017 ông Mai Văn Cảnh ở thôn Minh Hùng, xã Minh Lộc được Nhà nước cho thuê đất thực hiện Dự án xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng tại thửa đất 872, tờ bản đồ số 9, xã Minh Lộc. Trong quá trình thực hiện sản xuất, ông Cảnh đã tự động xây lắp thêm hệ thống trạm trộn bê tông khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, bao gồm các hạng mục: Bồn chứa xi măng, bồn nạp vật liệu và máy trộn.

Tương tự, tại thôn Phú Khang, xã Định Công, huyện Yên Định, thời gian gần đây bỗng xuất hiện một trạm trộn bê tông được xây dựng trên đất nông nghiệp, hoạt động gây ô nhiễm môi trường, để lại nhiều ý kiến phản ánh từ Nhân dân. Tìm hiểu được biết, kể từ khi triển khai xây dựng dự án đường cao tốc Bắc – Nam, Công ty Phương Thành đã liên hệ với chính quyền xã Định Công xin thuê đất công ích, tuy nhiên vị trí mà địa phương này sắp xếp được cho là khó khăn về đường vận chuyển vật liệu nên công ty đã tự ý thay đổi địa điểm, thỏa thuận thuê đất nông nghiệp của người dân thôn Phú Khang, xây dựng một trạm trộn bê tông hoạt động với tần suất cao.

Tại xã Hà Bình, huyện Hà Trung, một trạm trộn bê tông thương phẩm nằm chình ình ngay bên cạnh mặt bằng khu dân cư mới. Bụi bặm, nhếch nhác là những gì người dân nơi đây phản ánh. Dù đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương và trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng suốt nhiều năm nay trạm trộn bê tông này vẫn không bị di dời và nghiễm nhiên tồn tại trước sự bức xúc của người dân. Ông Nguyễn Văn T. - một người dân xã Hà Bình cho rằng: “Cũng chính bởi một phần tác động từ trạm trộn bê tông mà người dân ngần ngại việc mua đất, xây nhà tại mặt bằng dân cư mới này”.

Theo tìm hiểu, trạm trộn bê tông thương phẩm trên được xây dựng từ khi thi công dự án đường liên xã Hà Bình đi Hà Tân, do Công ty Phúc Thịnh là đơn vị thi công. Công ty này đã được UBND xã Hà Bình cho thuê diện tích đất để xây dựng trạm trộn bê tông. Mặc dù dự án đã triển khai xong từ nhiều năm nay nhưng không hiểu vì lý do gì trạm trộn bê tông này vẫn đang tồn tại?! Đến nay khu đất và trạm trộn đã được chuyển nhượng cho một doanh nghiệp khác có địa chỉ tại thị xã Bỉm Sơn tiếp quản hoạt động.

Ông Nguyễn Văn T. kiến nghị: Việc thành lập và đi vào hoạt động của các trạm trộn bê tông phải đảm bảo cách xa khu dân cư, đảm bảo môi trường; việc ra vào trạm trộn phải có những đường riêng biệt không đi chung với đường giao thông gây mất trật tự, an toàn giao thông. Trường hợp, đối với những đơn vị không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất hoặc thuộc danh mục ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm môi trường thì cơ quan chức năng cần có chế tài di dời khỏi khu vực dân cư.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số rất nhiều vi phạm mà Nhân dân các địa phương phản ánh. Đã có nhiều trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính, buộc tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, dư luận cũng không khỏi lo lắng khi những vi phạm tương tự vẫn tiếp tục gia tăng, phải chăng chế tài xử phạt vẫn chưa tương xứng và chưa đủ sức răn đe? Bên cạnh đó là vai trò quản lý của chính quyền các địa phương còn chưa quyết liệt khi để xảy ra những sai phạm phát sinh cũng như gặp lúng túng trong xử lý.

Chủ tịch UBND xã Minh Lộc Vũ Huy Bổ lý giải: “Trong quá trình thực hiện sản xuất, ông Cảnh đã lắp đặt thêm hệ thống trạm trộn bê tông nhưng không báo cáo chính quyền địa phương. Hệ thống trộn bê tông được thiết kế chủ yếu là các loại bể sắt nên việc lắp ráp diễn ra rất nhanh”.

Cũng theo ông Bổ, ngay sau khi phát hiện sự việc, UBND xã đã nhiều lần lập biên bản, nhắc nhở và yêu cầu hộ ông Cảnh tháo dỡ trạm trộn bê tông nhưng không có kết quả. Qua quá trình xem xét, các lỗi vi phạm vượt quá thẩm quyền, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Hậu Lộc. Ngày 8-4-2021, UBND huyện Hậu Lộc đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính với hộ ông Mai Văn Cảnh số tiền là 8.750.000 đồng và giao cho UBND xã Minh Lộc thực hiện phương án cưỡng chế. Tuy nhiên đến nay, những vi phạm trên vẫn chưa được chính quyền địa phương này xử lý dứt điểm.

Ông Bổ cho rằng: Để thực hiện dứt điểm việc tháo dỡ trạm trộn bê tông vi phạm vượt quá thẩm quyền của cơ sở, cần UBND huyện Hậu Lộc hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, phương án thực hiện, lực lượng công an để cưỡng chế, tháo dỡ.

Có thể thấy thực trạng trạm trộn bê tông xây dựng trái phép trong khu dân cư, trên đất nông nghiệp... để lại nhiều hệ lụy, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn đang xuất hiện ngày càng nhiều. Trước thực trạng trên, Nhân dân các địa phương rất mong các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương nâng cao hơn nữa vai trò quản lý, giám sát, và có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm.

Nhóm PV BĐ-TL

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/can-xu-ly-dut-diem-cac-tram-tron-be-tong-hoat-dong-trong-khu-dan-cu/182773.htm