Cảng Quốc tế Long An nhận bằng khen của Bộ Công Thương

Sáng ngày 2.12, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 (VLF), Cảng Quốc tế Long An vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương vì đã có thành tích xuất sắc trong việc phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam năm 2023.

Diễn đàn VLF là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết logistics với sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ Logistics tại Việt Nam và thế giới. Với chủ đề “Logistics và chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, VLF năm 2023 thu hút trên 500 Đại biểu, đại diện các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham dự.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham quan và trao đổi về dịch vụ Logistics tại VLF 2023.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh và Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng tham quan và trao đổi về dịch vụ Logistics tại VLF 2023.

Chia sẻ tại phiên tham luận chủ đề “Logistics trước thách thức chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, ông Bùi Lê Hải Nguyên, Giám đốc điều hành công nghệ thông tin, Dongtam Group, cho biết chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó Logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước. Chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động Logistics như: Nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh và minh bạch trong vận chuyển.

"Kịp thời nắm bắt xu hướng hội nhập, cải thiện toàn chuỗi giá trị, nâng cao tự động hóa toàn bộ quy trình vận hành và dịch vụ, trở thành cảng xanh, cảng thông minh, Cảng Quốc tế Long An đã vận hành thành công các hệ thống chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, Cảng đã và đang khai thác, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cảng biển và Logistics trọn gói như: Khai thác hàng tổng hợp, container; dịch vụ lưu kho bãi; giao nhận hàng hóa quốc tế; vận chuyển thủy bộ; đại lý hải quan”, ông Nguyên chia sẻ.

Cảng Quốc tế Long An đón tàu chở hàng hóa với trọng tải lên đến 62.000 DWT vào ngày 18.11.2023

Cảng Quốc tế Long An đón tàu chở hàng hóa với trọng tải lên đến 62.000 DWT vào ngày 18.11.2023

Trước đó, Cảng Quốc tế Long An đã ký kết Ý định Thư thiết lập quan hệ với Cảng Long Beach (Hoa Kỳ) tại Hội nghị của Chính quyền Cảng biển California (CAPA); và ký kết hợp tác ghi nhớ với Cảng Oakland (Bang California - Hoa Kỳ). Việc ký kết này có ý nghĩa quan trọng nhằm thúc đẩy việc hợp tác không chỉ trong thương mại mà còn hướng đến mục tiêu chung phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

“Phát triển Cảng bền vững đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu, một xu thế tất yếu không chỉ của các doanh nghiệp khai thác cảng mà còn của chính phủ các nước, các tổ chức hiệp hội quốc tế. Cảng Quốc tế Long An kiên định với mục tiêu trở thành cảng xanh, cảng thông minh. Cụ thể liên quan đến: Thúc đẩy cảng xanh, năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Cảng Quốc tế Long An tăng cường mối liên kết giữa các bên liên quan, tạo sự đồng thuận, thúc đẩy nỗ lực hành động hướng tới mục tiêu chung về phát triển bền vững ngành Logistics Việt Nam”, ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An, cho biết.

Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An, nhận Bằng khen của Bộ Công thương tại VLF 2023.

Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Cảng Quốc tế Long An, nhận Bằng khen của Bộ Công thương tại VLF 2023.

Với những nỗ lực được ghi nhận trong suốt thời gian qua, Cảng Quốc tế Long An vinh dự nhận được bằng khen của Bộ Công Thương dành cho tập thể có thành tích xuất sắc trong việc phát triển ngành dịch vụ Logistics Việt Nam năm 2023. Thành tích khen thưởng cao quý này đánh dấu một cột mốc đáng nhớ trong quá trình phát triển bền vững của Cảng Quốc tế Long An.

Về hệ thống cảng biển Việt Nam, hiện có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt trên 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021.

Về hệ thống cảng biển Việt Nam, hiện có 286 bến cảng, phân bố theo 5 nhóm cảng biển, tổng chiều dài cầu cảng hơn 96 km. Khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 đạt trên 733 triệu tấn, tăng 4% so với năm 2021.

* Nằm trong chuỗi các hoạt động của Chương trình Diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2023, sáng ngày 3.12.2023, các đại biểu và khách tham dự VLF sẽ đến làm việc và tham quan hệ sinh thái của Cảng Quốc tế Long An (số 68 Đường tỉnh 830, ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Qua đó, góp phần kiến tạo thành công một Diễn đàn VLF thường niên cấp quốc gia, với các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, kết nối đa phương, bàn thảo và hiến kế giải pháp vĩ mô và vi mô phát triển ngành Logistics Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu; khảo sát, nghiên cứu thực địa giúp các doanh nghiệp giao lưu, chia sẻ, cập nhật thông tin, nắm bắt xu hướng và tốc độ chuyển động của chuỗi giá trị logistics khu vực và thế giới.

Logistics và chuyển đổi số cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

hát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song ngành logistics đã làm tốt vai trò là mạch máu của nền kinh tế, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đạt 558,3 tỷ USD, với con số xuất siêu kỷ lục là 24,59 tỷ USD.

Việt Nam cũng lọt vào top 10 thị trường logistics mới nổi. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022 – 2027 đạt 5,5%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn do những bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên toàn cầu.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm trong khuôn khổ Diễn đàn VLF 2023.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, ĐBSCL là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của cả nước. Là 1 trong 6 Vùng kinh tế trọng điểm, vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% các loại trái cây cả nước. Tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics là rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Bà Thắng cho rằng để cùng tìm ra những định hướng, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tận dụng tối ưu những lợi ích mà chuyển đổi số mang lại giúp nâng cao năng lực cạnh tranh ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 được Bộ Công thương phối hợp với UBND TP.Cần Thơ tổ chức với chủ đề Logistics và chuyển đổi số cho vùng ĐBSCL. “Bên cạnh các vấn đề lớn, vĩ mô được thảo luận trong Phiên Toàn thể, Bộ Công Thương cũng tổ chức Phiên chuyên đề về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong logistics, tạo đột phá cho logistics Đồng bằng sông Cửu Long”, nhằm tạo cơ hội để đại biểu thảo luận, chia sẻ chi tiết hơn các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm hay, giải pháp, công nghệ mới, giúp giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động logistics, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Phát biểu chỉ đạo Diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung vào các vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, phân tích, làm rõ thực trạng phát triển logistics năm 2023 của Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số trên phạm vi chung cả nước và phạm vi vùng ĐBSCL. Đề nghị làm rõ các kết quả đạt được, hạn chế tồn tại trên các khía cạnh như: hạ tầng logistics, các dịch vụ logistics, năng lực doanh nghiệp logistics, hoạt động logistics tại doanh nghiệp…; làm rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển logistics. Thứ hai, làm rõ tình hình thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics của Việt Nam.

Thứ ba, nhận diện, đánh giá làm rõ về thực trạng liên kết vùng trong phát triển logistics; việc triển khai xây dựng các trung tâm logistics quy mô lớn tại các đô thị theo chủ trương của Đảng và các đề án liên quan của cấp có thẩm quyền.

Thứ tư, nhận diện, trao đổi về các mô hình mới, cách làm hay trong phát triển logistics của các địa phương và các đề xuất kiến nghị với Trung ương, các ban, bộ ngành.

Thứ năm, nhận diện bối cảnh mới tác động đến phát triển ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới; các đề xuất, kiến nghị về hoàn thiện chủ trương, đường lối, thể chế, cơ chế, chính sách cho thúc đẩy phát triển logistics tại Việt Nam gắn với quá trình chuyển đổi số quốc gia.

T.H.

Tr.Văn

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cang-quoc-te-long-an-nhan-bang-khen-cua-bo-cong-thuong-41924.html