Căng thẳng nơi giành giật sự sống

Không kể ngày, đêm, lễ, Tết, phòng mổ cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn sáng đèn. Các y, bác sĩ nơi đây đều cố gắng hết sức mình để giành giật sự sống cho bệnh nhân.

Các nhân viên y tế Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ cấp cứu một ca bệnh bị chấn thương sọ não nặng (ảnh do bác sĩ chụp)

Các nhân viên y tế Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh mổ cấp cứu một ca bệnh bị chấn thương sọ não nặng (ảnh do bác sĩ chụp)

Màn đêm buông xuống, phòng mổ cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn sáng đèn. Đêm nào cũng thế, ở đó, các nhân viên y tế đang tập trung cao độ, tranh thủ từng giây, từng phút cứu bệnh nhân khỏi lưỡi hái tử thần.

“Thời gian là vàng”

Hẹn gặp bác sĩ Vũ Trí Hiếu, Trưởng Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào 19 giờ vì nghĩ lúc này anh mới có thời gian tiếp tôi. Đúng giờ, tôi có mặt tại khoa song anh không có ở phòng. Tôi nhấc máy gọi, đầu dây bên kia trả lời nhưng là một giọng nữ: “Bác sĩ Hiếu đang mổ, không thể nghe máy. Anh vui lòng đợi anh ấy”.

Hơn 20 giờ, anh Hiếu mới từ phòng mổ trở về phòng riêng. Vừa thấy tôi, anh cất giọng mệt mỏi: “Từ sáng đến giờ mấy ca mổ rồi chú ạ. Để chú đợi lâu thật ngại nhưng tính chất công việc của anh nó vậy đấy, quay cuồng cả ngày lẫn đêm”. Rót ly nước ấm, với cái bánh để trên bàn, anh Hiếu mời tôi cùng… ăn tối. “Anh ăn uống thế này sao đủ sức khỏe để chiến đấu với công việc” – tôi hỏi. “Quen rồi chú ạ, ăn tạm, lúc nào rảnh thì ăn cơm hoặc mì tôm” - anh Hiếu đáp.

Câu chuyện giữa chúng tôi mới trôi qua chưa đầy 10 phút thì chuông điện thoại của anh lại vang lên. Ở đầu dây bên kia, người của Khoa Cấp cứu báo có 1 một ca chấn thương sọ não nặng do tai nạn giao thông vừa nhập viện, vỡ xương sọ, tụ máu lớn, phù não, hôn mê sâu, cần phẫu thuật ngay. Không chần chừ, anh Hiếu đứng dậy với chiếc áo blouse rồi nhìn sang tôi nói: “Anh lại phải lên phòng mổ ngay đây. Ca này có vẻ nặng đấy”.

Tôi cũng đi theo anh Hiếu. Anh đi như chạy. Đến phòng mổ, vì không có phận sự nên theo quy định tôi phải ở ngoài. Tôi chỉ có thể ở phòng đối diện quan sát qua tấm kính chắn. Phòng mổ có 4 bàn, trang bị cả dãy các loại máy móc hiện đại. Nếu tính cả bệnh nhân chấn thương sọ não mới vào thì hôm nay cả 4 bàn đều có bệnh nhân. Ê kíp mổ của anh Hiếu có 6 người, gồm cả bác sĩ gây mê, phụ mê, 1 kỹ thuật dụng cụ, 2 bác sĩ phụ. Mỗi người một công việc, họ nhanh chóng cố định bệnh nhân, tiến hành các bước chuẩn bị rất chuyên nghiệp... Ở bên ngoài, tôi chẳng thể nghe thấy các bác sĩ nói gì, chỉ thấy họ tập trung toàn bộ cho công việc. Các bộ phận phối hợp nhuần nhuyễn, động tác mạch lạc, dứt khoát. Tôi hỏi một nam nhân viên y tế đứng cạnh: “Về đêm mà phòng mổ vẫn đông anh nhỉ?”. Anh này đáp: “Có hôm bệnh nhân còn đông hơn, phải xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện mở thêm phòng mổ cấp cứu dự phòng và điều thêm nhân lực nữa ấy chứ. Những ca mổ cấp cứu đêm này thường là người bị tai nạn dẫn tới các chấn thương liên quan đến sọ não, lồng ngực, cột sống và mạch máu. Nếu không mổ ngay thì chỉ có mất mạng. Bây giờ còn đỡ vất vả chứ như trước để phòng chống lây nhiễm dịch Covid-19, các bác sĩ khi vào ca mổ phải mặc thêm cả đồ bảo hộ kín mít, phòng lại không được bật điều hòa nên bí bức, khó chịu vô cùng”.

Hơn 23 giờ, một ca mổ thành công. Bệnh nhân được di chuyển ra ngoài để đưa về phòng hồi sức. Phía trong phòng mổ, anh Hiếu và các cộng sự vẫn đang gồng mình giành giật sự sống cho bệnh nhân chấn thương sọ não. Tôi trở về Khoa Ngoại 2 ngồi đợi và trò chuyện với bác sĩ Kiều Xuân Việt trực ca đêm. Anh Việt chuyên xử lý các ca chấn thương cột sống. Anh bảo gần như chẳng có đêm nào mà phòng mổ cấp cứu không sáng đèn. “Anh em cứ thay nhau hoặc phối hợp cùng làm, không ai kêu ca bao giờ. Thế nên lắm khi không phải ca trực đêm thì đột xuất vẫn phải từ nhà lên viện để mổ hoặc hội chẩn với nhau qua điện thoại. Công việc vất vả nhưng mọi người xác định tính mạng của bệnh nhân mới là quan trọng, anh em đều cố gắng hết sức, không ai kêu ca gì cả”, anh Việt chia sẻ.

 Ông Phạm Văn Tư được các bác sĩ chăm sóc chu đáo sau ca mổ chấn thương sọ não, sức khỏe đã dần hồi phục

Ông Phạm Văn Tư được các bác sĩ chăm sóc chu đáo sau ca mổ chấn thương sọ não, sức khỏe đã dần hồi phục

“Các em đang dần lớn lên rồi”

Anh Hiếu và các cộng sự trở về phòng khi kim đồng hồ đã chỉ gần 1 giờ sáng. Mệt mỏi, căng thẳng sau ca mổ kéo dài suốt gần 3 giờ đồng hồ nhưng anh vui vì bệnh nhân đã được cứu sống. “Bệnh nhân vừa rồi bị vỡ nền sọ, máu đọng, phù não, thang điểm hôn mê đã xuống tới mức nguy hiểm nhưng giờ thì ổn rồi”, anh Hiếu cho hay.

Thả mình làm cái “phịch” xuống ghế, anh Hiếu vươn vai như để giải tỏa bớt áp lực căng thẳng, mệt mỏi sau nhiều giờ liên tục đứng trong phòng mổ. Anh ngửa cổ về phía sau, đôi mắt lim dim ngủ luôn tại chỗ như không hề có tôi ngồi cạnh. Chiếc bánh anh cắn dở vẫn trên mặt bàn, cốc nước ấm rót buổi tối cũng đã nguội lạnh. Dường như cảm giác đói khát trong anh không còn, thay vào đấy là thèm một chút nghỉ ngơi. Biết anh mệt, tôi cũng không bắt chuyện, ngồi một mình ngẫm về công việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là cấp cứu những bệnh nhân giữa lằn ranh sinh tử mà các anh hằng ngày vẫn đảm nhận thật nhiều gian nan, vất vả. Thỉnh thoảng, tôi cũng thức đêm làm việc nhưng không áp lực, căng thẳng như các anh vậy mà sáng hôm sau lên cơ quan người còn như đi mượn. Có lẽ sợ tôi đợi sốt ruột nên mới nghỉ được hơn ít phút, anh Hiếu đã ngồi dậy trò chuyện:

- Chợp mắt mấy phút cũng thấy đầu óc thư thái hơn chú ạ. Thú thực nhiều lúc chỉ ao ước có một ngày được nghỉ ngơi trọn vẹn thôi.

- Ngày nào các anh cũng mổ thế này sao? – tôi hỏi.

- Gần như là thế, ít thì cũng 1-2 ca, nhiều 3-4 ca, những ngày lễ, Tết thì gấp mấy lần. Ban ngày thì mổ những ca bệnh có thể trì hoãn được như: u não, thoát vị, các bệnh lý về ngực, mạch máu, cột sống. Còn ban đêm thì chủ yếu mổ cấp cứu chấn thương sọ não, ngực, mạch máu, chấn thương ngực kín, các chấn thương về cột sống – anh Hiếu đáp.

- Thế thì trưởng khoa như anh vất vả lắm?

- Trước thì gần như anh tham gia vào hầu hết các ca mổ khó nhưng khoảng 1 năm gần đây thì các bác sĩ trong khoa cũng đã trực tiếp đảm đương được nhiều ca rồi. Các bác sĩ của bệnh viện trẻ nhưng đều được đào tạo bài bản, lại có ít nhất 2 năm học sau đại học tại các bệnh viện lớn tuyến Trung ương trước khi về đây. Nhìn chung rất yên tâm vì các em đang dần lớn lên rồi. Bằng chứng là tất cả các ca mổ cấp cứu từ trung bình đến phức tạp đều đã được thực hiện tại bệnh viện, không phải chuyển tuyến trên.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Huy, Phó Trưởng Khoa Ngoại 2 Bệnh viện Đa khoa tỉnh là cộng sự trong nhiều ca mổ phức tạp với anh Hiếu ngồi cạnh tiếp lời: “Được đào tạo chuyên sâu, lại được các thầy, các cô chú, anh chị đồng nghiệp đi trước tận tình chỉ dạy nên bản thân tôi đã trực tiếp mổ được nhiều ca chấn thương sọ não, chưa để xảy ra sai sót nào. Những thế hệ bác sĩ đi trước lại trao truyền kinh nghiệm cho thế hệ bác sĩ đi sau. Chúng tôi cùng nhau cố gắng hết mình vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.

Chỉ tính riêng Khoa Ngoại 2 mỗi năm đã thực hiện phẫu thuật cho khoảng 1.200 bệnh nhân, trong đó 60-70% phải mổ cấp cứu. Không ít bệnh nhân gặp chấn thương sọ não nặng, nhập viện trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng tử vong cao nhưng vẫn được các bác sĩ kịp thời cứu sống.

Câu chuyện giữa tôi và mấy bác sĩ ở Khoa Ngoại 2 cứ thế tiếp diễn đến khi trời chạng vạng sáng. Anh Huy nhìn sang anh Hiếu cười bảo: “May là từ sau ca anh chủ trì mổ tới giờ không có bệnh nhân nào phải mổ cấp cứu nữa, chứ không thì lại phải căng mình chiến đấu”. Thế nhưng chỉ vài phút sau, chuông điện thoại lại reo lên. Nghe xong cuộc điện thoại, anh Hiếu nghệt mặt bảo: “Miệng chú đúng là… Cấp cứu gọi lên có ca chấn thương sọ não vừa vào kia kìa, chỉ định mổ gấp. Ca này chú xử lý, có khó khăn gì báo lại anh ngay”. Anh Huy lặng người, chẳng kịp nói câu gì, vội vàng chạy lên phòng mổ.

Cả đêm làm việc cật lực, lại phải tiếp chuyện tôi nhưng anh Hiếu cũng không thể chợp mắt vì quá giấc. Hai anh em tôi ngồi nhâm nhi li cà phê cho tỉnh táo. 7 giờ sáng, anh đưa tôi đi thăm một loạt phòng bệnh, nhân tiện kiểm tra tình hình sức khỏe cho từng người để 8 giờ sáng kịp thời giao ban, triển khai nhiệm vụ ngày mới. Thấy anh đến kiểm tra, ông Phạm Văn Tư (sinh năm 1965, ở Tứ Kỳ) bị chấn thương sọ não từ trước Tết Quý Mão 2023 hỏi: “Bác sĩ ơi, tôi sắp được ra viện chưa?”. Anh Hiếu đáp: “Tình hình của bác ổn rồi nhưng cần nằm đây theo dõi thêm một vài ngày nữa để chắc chắn an toàn rồi về gia đình cho yên tâm hơn nhé”.

Anh Phạm Văn Tuấn (con trai ông Tư) đứng cạnh giường bệnh vui mừng cất tiếng: “Thế thì thật tốt quá. Lúc vào đây mổ cấp cứu, em tưởng bố không thể qua khỏi nhưng thật may mắn vì có các bác sĩ ở đây. Cảm ơn các anh thật nhiều!”.

TIẾN MẠNH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/cang-thang-noi-gianh-giat-su-song-227536