Cảnh báo tình trạng giả danh cán bộ BHXH hỗ trợ đồng bộ dữ liệu CCCD để lừa đảo tài sản

BBK -BHXH Việt Nam vừa đưa ra cảnh báo tới người dân về tình trạng đối tượng giả danh người của BHXH Việt Nam yêu cầu đồng bộ dữ liệu Căn cước công dân (CCCD), lợi dụng công nghệ để lừa đảo tài sản của người dân…

Ảnh: Minh họa

Ảnh: Minh họa

Theo Luật Căn cước 2023, từ ngày 1/7/2024, người dân chỉ sử dụng duy nhất tài khoản VNeID khi thực hiện DVC trực tuyến, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu cá nhân. Lợi dụng việc này, thời gian gần đây, nhiều đối tượng mạo danh là cán bộ BHXH Việt Nam gọi điện, nhắn tin cho người tham gia BHXH, BHYT yêu cầu người dân đồng bộ dữ liệu CCCD, cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID-BHXH số.

Cụ thể, ngày 9/5/2024, anh T.H.T (cư trú tại phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) nhận được cuộc điện thoại từ đầu số 0924635… tự xưng là cán bộ cơ quan BHXH Đồng Nai thông báo hồ sơ BHXH của anh cần phải đồng bộ dữ liệu CCCD và yêu cầu anh lên cơ quan BHXH tỉnh để cập nhật lại thông tin. Dò hỏi anh T. có sử dụng phần mềm VssID không, người này đề nghị anh gọi số điện thoại khác để hướng dẫn cập nhật online. Sau đó, lại đề nghị chuyển hồ sơ của anh T. cho một người khác có số điện thoại 0949025… để giúp anh T. hỗ trợ cập nhật thông tin.

Nghi ngờ đối tượng lừa đảo, nên anh T. gọi điện thoại tới cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai để xác minh lại thông tin. Qua kiểm tra, BHXH tỉnh không có cán bộ nào có số điện thoại 0924635… và 0949025… gọi điện để yêu cầu đồng bộ dữ liệu, cập nhật CCCD.

Trường hợp tương tự diễn ra tại tỉnh Bình Dương, các đối tượng lừa đảo đã yêu cầu người dân cập nhật CCCD vào ứng dụng bằng cách truy cập đường link lạ có đuôi “.govvvn.com” trên thiết bị điện thoại di động và làm theo hướng dẫn. Tại đây, màn hình hiển thị giao diện giống với ứng dụng “VSSID-BHXH số” của ngành BHXH Việt Nam. Sau đó, đối tượng yêu cầu người dân nhập số điện thoại và mật khẩu bất kỳ vào giao diện này. Sau khi nhập các thông tin như hướng dẫn, người dân mất toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình.

Tình trạng giả danh lừa đảo người dân còn xuất hiện tại nhiều địa phương khác như Hà Nội, Sóc Trăng, TP.HCM... với thủ đoạn tương tự.

Do đó, BHXH Việt Nam khẳng định, hiện tại, BHXH các tỉnh, thành phố không có chủ trương điện thoại hay nhắn tin yêu cầu người dân cập nhật thông tin trên ứng dụng VssID-BHXH số. Người dân cần tăng cường cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách BHXH, BHYT; thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan chức năng về phương thức, thủ đoạn phạm tội, lừa đảo trên các phương tiện thông tin đại chúng; nghiên cứu, kiểm tra kỹ trước khi thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng.

Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về tình trạng mạo danh người của cơ quan BHXH nhằm lợi dụng, lừa đảo người dân có nhu cầu giải quyết chế độ BHXH, BHYT. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn ở một số địa phương với các hình thức khác nhau. Gần đây nhất là cảnh báo của BHXH Việt Nam về trường hợp người tham gia BHXH, BHYT bị đối tượng lừa đảo việc được nhận món quà có giá trị lớn của cơ quan BHXH, nhưng phải thanh toán một khoản lệ phí bằng tiền…

Thông qua các sự việc nêu trên, BHXH Việt Nam tiếp tục cảnh báo, khuyến cáo đến người dân khi thực hiện các TTHC cần nâng cao cảnh giác để không bị đối tượng xấu lợi dụng và lừa đảo. Trường hợp khi thực hiện các TTHC của ngành BHXH Việt Nam, nếu có vướng mắc thì liên hệ trực tiếp với cơ quan BHXH nơi gần nhất hoặc liên hệ Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ, chăm sóc khách hàng qua số hotline: 1900.9068 hoặc số 0243.7899999 (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ. Hiện nay, BHXH Việt Nam chỉ có một trang Fanpage đã được cấp tích xanh của Facebook tại địa chỉ: https://www.facebook.com/baohiemxahoi.gov.vn, người dùng cần lưu ý để tránh các trang giả mạo.

Trước đó, chỉ riêng trong nửa đầu tháng 5/2024, Tạp chí điện tử BHXH cũng đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng mạo danh cán bộ BHXH để lừa đảo người dân như bài: "An Giang: Xuất hiện đối tượng mạo nhận cán bộ BHXH để lừa người dân"; bài "Giả mạo cán bộ BHXH ở nhiều địa phương phía Nam"; bài "TP.HCM: Giả mạo cơ quan BHXH yêu cầu NLĐ cập nhật lại thông tin ứng dụng VssID- BHXH số"; bài "Một người dân mất gần 100 triệu đồng do bị lừa cập nhật lại thông tin VssID".

Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/canh-bao-tinh-trang-gia-danh-can-bo-bhxh-ho-tro-dong-bo-du-lieu-cccd-de-lua-dao-tai-san-post63555.html