Cạnh tranh lành mạnh để không còn chuyện ngược đời

Hiện tượng người dân bay từ TPHCM ra Hà Nội chọn cách đi qua Bangkok rồi từ đó bay về Hà Nội được ghi nhận từ mấy tháng nay. Khi được hỏi tại sao lại chọn hành trình lòng vòng như thế, thì người dân cho biết với hành trình vòng qua Bangkok, người dân trả tiền vé với giá thấp hơn nhiều so với bay thẳng từ TPHCM ra Hà Nội.

Trước hiện tượng kỳ lạ, thậm chí bị coi là chuyện ngược đời đó, cơ quan chức năng, cụ thể là Cục Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải, đã vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời kiểm tra cơ sở của việc định giá các chuyến bay nội địa. Kết quả kiểm tra cho thấy, việc tăng giá vé máy bay diễn ra trong tầm kiểm soát, giá vé chưa kịch trần.

Tất nhiên, nếu để cho cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra một hành vi nào đó của chủ thể được quản lý ở góc độ hành chính, thì cơ quan này phải và chỉ có thể dựa vào các quy định của pháp luật để trả lời câu hỏi, liệu hành vi được kiểm tra có trái hay không trái pháp luật. Trả lời của Cục Hàng không Việt Nam là trả lời theo chức trách.

Trong khi đó, câu hỏi mà người dân muốn được nghe trả lời là tại sao bay từ TPHCM đi Hà Nội mà đi đường vòng qua Bangkok lại có giá rẻ hơn bay thẳng trực tiếp. Trong thâm tâm, người dân mong rằng từ cầu trả lời cho câu hỏi đó thì nguyên nhân của tình trạng chênh lệch giá vé sẽ được làm rõ; từ việc làm rõ nguyên nhân thì Nhà nước, thông qua cơ quan thẩm quyền, sẽ có biện pháp cần thiết để chấm dứt tình trạng chênh lệch giá vé để người dân trong nước có thể di chuyển bằng máy bay trên đường bay nội địa với giá hợp lý.

Liên quan đến câu hỏi này thì một Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, giá vé máy bay đi Thái Lan rẻ là do các hãng hàng không Thái Lan được nhà nước trợ giá và các hãng này đang có chính sách khuyến mãi. Ngoài ra có những nguyên nhân: giá nhiên liệu tăng; số máy bay được thu hồi để bảo dưỡng cùng một lúc cao đột biến, khiến hãng bay phải thuê máy bay với giá cao; người mua vé đặt vé quá cận ngày bay nên phải chịu giá cao...

Giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động du lịch ở nhiều địa phương

Giá vé máy bay tăng cao ảnh hưởng tới hoạt động du lịch ở nhiều địa phương

Với cách trả lời như thế thì có vẻ trước mắt sẽ chẳng có biện pháp nào được nhà chức trách chủ trì triển khai để giúp người dân có được vé máy bay với giá hợp lý để bay trong nước, đặc biệt đối với đường bay trục TPHCM - Hà Nội.

Thật ra, giá cả bất hợp lý không chỉ xuất hiện trong lĩnh vực hàng không. Báo chí, người dân đã nhiều lần lên tiếng về vấn đề định giá điện, xăng dầu, nói chung mặt hàng, dịch vụ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày. Đáng chú ý là những trường hợp mà trong đó vấn đề giá cả được dư luận xã hội đặt ra với thái độ bức xúc đều có liên quan đến các lĩnh vực mà doanh nghiệp nhà nước chi phối thị trường liên quan. Kiểu trả lời thắc mắc của xã hội thường theo cùng một khuôn mẫu: cơ quan thanh tra, kiểm tra xác định giá cả bị cho là cao thật ra vẫn ở trong tầm kiểm soát và rốt cuộc chưa thấy có sai phạm gì liên quan đến việc định giá.

Trên nguyên tắc, giá cả do các bên trong quan hệ hợp đồng thỏa thuận. Một khi bên bán, bên cung ứng dịch vụ đã chốt giá thì bên mua, bên thuê dịch vụ có hai lựa chọn: hoặc chấp nhận giá và giao kết, thực hiện hợp đồng; hoặc không chấp nhận giá và từ chối giao kết hợp đồng. Bên bán, bên cung ứng dịch vụ có quyền không hạ giá để giảm lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh đương đại, người bán, người cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp mà ở trong thế độc quyền sẽ có điều kiện làm giá có lợi cho mình và người tiêu dùng không có sự lựa chọn, buộc phải chấp nhận giá đó. Cần nhấn mạnh rằng, độc quyền không nhất thiết là chỉ có một doanh nghiệp trong một lĩnh vực kinh doanh, theo kiểu "một mình một chợ". Các doanh nghiệp độc lập với nhau có thể kết thành nhóm độc quyền, cùng nhau thỏa thuận về phân chia thị phần, về giá... Người tiêu dùng thấy trước mặt mình có nhiều đề nghị từ nhiều nhà cung ứng khác nhau, nhưng rốt cuộc đề nghị nào cũng như nhau.

Không loại trừ khả năng giá vé máy bay, cũng như giá điện mà báo chí, dư luận xã hội nói nhiều trong thời gian qua là hệ quả của tình trạng độc quyền như thế. Trên thị trường có nhiều tên tuổi, nhưng cách tính giá thì chỉ có một.

Ở các nước, luật nghiêm cấm hành vi thông đồng giữa các doanh nghiệp nhằm tạo ra nhóm độc quyền hoặc có khả năng chi phối mạnh, từ đó có điều kiện thao túng thị trường. Đối với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ tối cần thiết cho sinh hoạt của người dân, luật đặt ra biên độ dao động giá trên cơ sở những tính toán khoa học, hợp lý và đòi hỏi các doanh nghiệp phải nghiêm chỉnh tôn trọng.

Số máy bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam hiện dao động từ 165 - 170 chiếc, giảm khoảng 40 - 45 chiếc so với năm 2023

Số máy bay khai thác của các hãng hàng không Việt Nam hiện dao động từ 165 - 170 chiếc, giảm khoảng 40 - 45 chiếc so với năm 2023

Để những điều cấm, đòi hỏi không phải là những yêu cầu suông, luật đề ra những biện pháp chế tài mạnh mẽ, nghiêm khắc. Doanh nghiệp mà thông đồng với nhau để trục lợi, vi phạm kỷ luật giá thì phải bị phạt tiền gấp nhiều lần số lợi thu được; người đứng đầu doanh nghiệp có thể bị phạt tù, bị tịch thu tài sản...

Ở Pháp vào năm 2005, ba nhà mạng điện thoại di động bị phát hiện có hành vi thông đồng để định giá dịch vụ ở mức cao và đã bị chế tài rất nặng. Tổng số tiền phạt, lên tới 534 triệu Euro, không chỉ được coi là mức phạt kỷ lục vào thời điểm đó. Trên hết đó là nỗi ám ảnh đối với doanh nghiệp vi phạm, khiến họ không dám tái phạm, đồng thời cũng là bài học chung cho các doanh nghiệp về đạo đức kinh doanh.

Trong thời gian qua, những vụ tăng giá liên tục và gây bức xúc dư luận trong các lĩnh vực vận chuyển hành khách bằng đường hàng không, cung ứng điện... khiến người ta tự hỏi liệu pháp luật Việt Nam đã có đủ các quy định cần thiết cho phép ngăn chặn, đẩy lùi một cách có hiệu quả thiên hướng thao túng, lũng đoạn thị trường để trục lợi của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp độc quyền? Cũng có thể luật pháp không thiếu, bằng chứng là có hẳn một văn bản luật về cạnh tranh được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế; có các quy định về trần giá; có cơ quan quản lý cạnh tranh... Tuy nhiên, các quy định liên quan đã không được thực thi nghiêm chỉnh, vì nhiều lý do - cả nể, cộng sinh về lợi ích... Dù gì đi nữa, trách nhiệm chính đối với những hệ lụy tiêu cực của tình trạng độc quyền hiện nay thuộc về các cơ quan được trao chức năng xây dựng khung pháp lý và chức năng quản lý trong các lĩnh vực có liên quan.

Tại hội thảo bàn về "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do báo Thanh Niên tổ chức ngày 17/5, hầu hết đại diện các hãng hàng không đều thừa nhận giá vé máy bay đã tăng 15 - 20% tùy chặng trong thời gian qua, nhưng vẫn thấp hơn so với mức trần theo quy định. Giá vé máy bay tăng trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao và nhiều yếu tố tác động. Một trong những nguyên nhân lớn nhất khiến giá vé nội địa tăng cao đã được nêu từ đầu năm là thị trường hàng không thiếu tàu bay trầm trọng, làm giảm năng lực cung ứng của các hãng. Hiện nay, các hãng bay Việt Nam chỉ còn 160-170 tàu bay hoạt động, giảm khoảng 50 tàu so với năm ngoái. Vietnam Airlines, Vietjet đang dừng bay trên hơn chục tàu để bảo dưỡng động cơ trên máy bay Airbus A321, có thể đến năm sau mới hoàn tất. Bamboo Airways sau tái cấu trúc giảm từ 30 hiện còn 5 tàu bay, Pacific Airlines thì tạm dừng hoạt động. Cùng với đó, chi phí nhiên liệu bay cao, tỷ giá tăng mạnh cũng ảnh hưởng lớn hoạt động của các hãng.

Ông Đặng Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines phân tích nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76% - 77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của Vietnam Airlines mà chung cho các hãng hàng không. Ông Đặng Anh Tuấn cho biết, hiện tại ngành hàng không thế giới và Việt Nam chỉ có lãi khoảng 1 USD/khách. Nếu gặp các yếu tố thời tiết bất lợi như mưa giông - phải bay vòng để chờ hạ cánh thì lợi nhuận 1 USD nêu trên cũng không còn. Ngoài các yếu tố này, thực tế doanh nghiệp hàng không vẫn đang phải chịu hậu quả nặng nề sau ba năm đại dịch, sức khỏe tài chính xấu sau nhiều năm tích tụ.

Còn theo ông Đỗ Hồng Cẩm - Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay nội địa thời gian qua đã tạo lập mặt bằng giá mới, cao hơn 10 - 20% so với năm 2019 trước dịch. Việc này cũng đi theo xu hướng chung của thế giới. Hiệp hội các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, giá vé máy bay trên thế giới hiện nay và thời gian tới sẽ có xu hướng tăng cao hơn trước, do các hãng dần chuyển dịch chính sách từ việc chấp nhận thua lỗ với nhiều mức giá rẻ sang việc bảo đảm, cân đối tài chính với các mức giá dần cao hơn, đủ bù đắp chi phí vận hành. Tuy nhiên, thời gian tới Cục Hàng không sẽ tiếp tục ngồi lại cùng các hãng để bàn giải pháp và xem xét các kiến nghị. "Dịp hè và lễ sắp tới giá vé có tăng mạnh trở lại không là vấn đề xã hội rất quan tâm. Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay, đồng lòng từ các hãng cũng như các bộ, ngành quản lý nhà nước. Vấn đề làm sao đưa giá vé về mức phù hợp hơn với khả năng chi trả của đa số khách hàng", ông Cẩm chia sẻ.

XUÂN HƯƠNG

Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/canh-tranh-lanh-manh-de-khong-con-chuyen-nguoc-doi_162493.html