Cất vó tép

Quê tôi nơi đồng chiêm, nước ngập quanh năm nên tôm, tép, cua, cá nhiều vô kể. Cứ được nghỉ học, tôi lại theo chúng bạn trong làng đi cất vó tép.

Tôi mang theo hơn chục cái vó tép và một chiếc sào dài, một cái rổ dày đựng tép. Cái ống thính buộc ngang bụng lúc lắc đánh nhịp theo bước chân trên bờ mương, bờ ruộng. Thính là loại cám gạo rang vàng, thơm thơm, trộn đều làm mồi rắc vào vó nhử tép. Chúng tôi chia nhau mỗi đứa một bờ mương rồi nhẹ nhàng thả vó. Mỗi cái vó cách nhau khoảng 3-4 mét.

Vó không thả sâu quá hoặc nông quá. Thả sâu, khi nhấc vó lên, tép sẽ bơi ra ngoài hết. Thả nông, vó nổi lềnh bềnh trên mặt nước, tép sẽ không vào được. Thả hết vó, tôi thong thả đến đầu này cất cái vó đầu tiên. Cũng hồi hộp, rón rén! Vó được nhấc khỏi mặt nước, ôi nhiều thật! Dễ phải đến vài chục chú tép gạo, bụng trứng, ôm đầy, nhảy tí tách.

Tôi thích quá reo lên và hất nhẹ vào rổ. Cứ thế, lần lượt từng vó được nhấc lên và đặt xuống nhịp nhàng. Chỗ nào nước trong hoặc chảy xiết không có tép, tôi lại nhấc đi đặt chỗ khác. Cất vó cũng phải chọn ngày. Ngày nắng ấm, tép ra ăn nhiều. Ngày mưa, nước ao hồ lạnh, tép trú ngụ trong đám rong rêu, cây cỏ.

Mới chớm hè, trời còn mát mẻ, dễ chịu. Trên cánh đồng, lúa đã ngả từ màu xanh sang màu vàng nhạt. Hương lúa mới dịu dàng, phảng phất mùi thơm. Trên cao, lơ lửng tiếng sáo diều vi vu, no gió. Không gian mênh mông, khoáng đạt. Vài cánh cò trắng chao nghiêng... Chúng tôi hứng chí, cất được vài lượt lại thi xem ai được nhiều. Nhấc chiếc lá khoai nước trên mặt rổ, những con tép lại lao xao, tí tách, xen kẽ mấy con tôm càng, tôm nhánh hoặc vài con cua đá đã được buộc chân cẩn thận... Bọn con gái tìm hoa dừa nước, hoa trang xỏ làm “hoa tai” giống như các chị lớn. Bọn con trai thì hí hoáy tìm cỏ gà, tìm dế để chọi rồi chí chóe cãi nhau như bầy chim ri, chim sẻ.

Có một kỷ niềm mà tôi hằng nhớ mãi. Dạo ấy, có lần đi cất vó tép, từ trưa đến tối mà tôi chỉ được vài con cá mài mại, bụng xanh, bụng đỏ, thêm vào đó là một dúm tép ít ỏi. Tôi sợ mang về nhà ngày mai bố không cho đi cất vó nữa. Chân trước chân sau, tôi không để ý nên vấp phải đám cỏ gừng, rổ tép văng ra ngoài, vung vãi gần hết. Tủi thân, tôi thút thít khóc. Đứa bạn cùng xóm thấy vậy liền bốc sang rổ của tôi vốc tép của nó. Tôi tròn mắt, ngạc nhiên vì thường ngày nó là đứa hay bắt nạt tôi nhất, có lần còn “át xít” không chơi cùng tôi. Nó ra hiệu đừng nói với ai.

Chiều hôm sau, tôi lại được đi cất vó cùng nó. Tôi đem theo túi ngô rang để hai đứa cùng ăn. Lại tung tăng trên bãi cỏ. Lại ríu ran tiếng cười...

Có vụ, cất được nhiều tép, mẹ đem phơi khô để mùa đông tháng giá dung dần. Nhà nghèo, xa chợ, mẹ phải lo từng bữa ăn cho gia đình. Mẹ còn dành dụm tiền mua sách bút, quần áo cho chúng tôi. Mỗi lần tôi cất vó về, mẹ đều giặt và đem phơi vó cẩn thận. Cái nào rách, mẹ vá lại và làm thêm một vài cái mới. Mẹ khen tôi học hành giỏi giang và chịu khó lao động giúp đỡ bố mẹ.

Những cái vó tép xưa kia giờ không còn nhiều. Họa chăng có vài nhà ở quê vẫn dùng nhưng tép, tôm, cá ở đồng đâu còn nhiều nữa. Người ta phun thuốc trừ sâu, trừ cỏ. Sông ngòi, mương máng dày đặc một giống ngổ dại hay giống bèo Nhật Bản. Nguồn nước bị ô nhiễm. Giống tép gạo, tép riu chỉ còn ít ỏi. Được một đĩa tép rang là cả một sự tần tảo, chắt chiu. Bữa cơm mùa hè có rau muống luộc, thêm tí chanh ớt hai trong vườn nhà và đĩa tép rang lá gừng, ngon miệng phải biết!

Trong một lần dự tiệc ở nhà hàng đặc sản “Hương quê” nơi thị thành nhộn nhịp, hiện đại, tôi gặp lại món tép rang lá gừng quen thuộc xưa kia mẹ tôi vẫn làm. Món ăn dân dã, quê mùa mà hợp với khẩu vị nhiều người. Miên man, tôi nhớ lại tuổi thơ của mình, vui buồn cùng con tép nhỏ mà cũng nhờ nó, tôi mới thực sự hiểu thêm được sự vất vả, lam lũ, đức hy sinh của cha mẹ...

LƯU THỊ HÒA

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cat-vo-tep-5739791.html