Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được WHO đánh giá là điển hình tốt

'Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã được Cục dân số Bộ Y tế giới thiệu tại các diễn đàn khu vực ASEAN, Châu Á; được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào Kế hoạch Hành động Khu vực về Già hóa khỏe mạnh như một điển hình tốt của Chính phủ Việt Nam', Chủ tịch Hội Người cao tuổi thông tin.

Ngày 10/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức hội nghị đánh giá giữa kỳ “Đề án “Nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn đến năm 2025”.

Quang cảnh Hội nghị đánh giá giữa kỳ Đề án 1336 (Ảnh: Thanh Hòa).

Khoảng 6.521 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau

Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, thời gian qua Hội đã biên soạn, chỉnh sửa, phát hành 6.400 tài liệu "Thành lập và quản lý Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau” cung cấp cho địa phương và phục vụ các lớp tập huấn do Trung Hội NCT Việt Nam tổ chức. Đến tháng 8/2023, Chủ tịch UBND 63/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án.

Tính đến cuối tháng 12/2023, cả nước có khoảng 6.521 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau với khoảng 456.470 thành viên.

Trong đó, ước tính số lượng Câu lạc bộ được thành lập mới từ khi triển khai Đề án khoảng 3.021 Câu lạc bộ, vượt chỉ tiêu theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao trước gần 2 năm. Tại nhiều địa phương như: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đắk Lắk đã bao phủ 100% số xã có Câu lạc bộ.

Các đại biểu dự hội nghị (Ảnh Thanh Hòa).

Nhiều địa phương các cán bộ Hội Người cao tuổi huyện rất năng động, có sáng kiến hay, chủ động, tâm huyết với việc thành lập, nhân rộng và đặc biệt duy trì chất lượng Câu lạc bộ, vận động xã hội hóa nguồn lực.

Điển hình như Câu lạc bộ thôn 11, xã Hòa Thắng (Buôn Ma Thuột) có nguồn vốn tăng thu nhập gần 3 tỷ đồng; Câu lạc bộ Thôn Hưng Phú, xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gần 2,3 tỷ đồng;

Và nhiều Câu lạc bộ trong cả nước có nguồn vốn vài trăm triệu đồng từ nguồn huy động nguồn lực xã hội hóa và của chính các thành viên của Câu lạc bộ… để hỗ trợ các thành viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm kinh tế vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống người cao tuổi và giúp đỡ con cháu, hỗ trợ cộng đồng.

Cùng với đó, hằng năm, các tỉnh, thành phố đã tổ chức hàng nghìn lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng nhân rộng thành lập mới và quản lý Câu lạc bộ cho hàng chục nghìn học viên là thành viên Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Nhiều địa phương được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan đoàn thể, sự đồng thuận, chung tay của cộng đồng nên mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực.

Từ đó giúp ích cho nhiều người cao tuổi là thành viên có hoàn cảnh khó khăn tham gia Câu lạc bộ, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, tiền đề để Câu lạc bộ duy trì hoạt động có hiệu quả và bền vững.

Tại hội nghị, ông Phạm Văn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau được cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở và nhân dân địa phương khẳng định là một mô hình mang đậm chất nhân văn;

Các mảng hoạt động của Câu lạc bộ góp phần tích cực thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi và thực hiện an sinh xã hội tại cộng đồng;

Ngoài ra, Câu lạc bộ đã đóng góp tích cực phong trào thi đua của địa phương trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng và giữ gìn nếp sống văn hóa, văn nghệ, thể thao, văn minh đô thị.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam phát biểu tại hội nghị (Ảnh Thanh Hòa).

“Mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đã được Cục dân số Bộ Y tế giới thiệu tại các diễn đàn khu vực ASEAN, Châu Á; được Tổ chức Y tế Thế giới đưa vào Kế hoạch Hành động Khu vực về Già hóa khỏe mạnh như một điển hình tốt của Chính phủ Việt Nam”, ông Hùng thông tin.

Nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB theo chiều sâu

Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024-2025, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho hay, Hội Người cao tuổi Việt Nam tiếp tục nhân rộng thành lập và duy trì quản lý chất lượng CLB liên thế hệ tự giúp nhau, tập trung vào các tỉnh yếu kém, một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam bộ và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát, hỗ trợ kỹ thuật thực hiện Đề án 1336 của Trung ương Hội Người cao tuổi với sự tham gia của thành viên Ban Điều hành Đề án; các cuộc giám sát của Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam.

Lãnh đạo Hội NCT trao Bằng khen Trung ương Hội cho các tập thể xuất sắc.

Bên cạnh đó, tích cực lan tỏa, chia sẻ sáng kiến giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB theo chiều sâu. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa vận động nguồn lực hỗ trợ thành lập và nhân rộng, quản lý Câu lạc bộ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp.

“Nghiên cứu kết quả thực tiễn để tổng kết Đề án đến năm 2025 để tham mưu Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ giai đoạn tiếp theo phù hợp với Chương trình Hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn đến năm 2030, thích ứng với tốc độ già hóa dân số hiện nay”, ông Bình nhấn mạnh.

Cù Hòa

Dân sinh

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/xoa-doi-giam-ngheo/cau-lac-bo-lien-the-he-tu-giup-nhau-duoc-who-danh-gia-la-dien-hinh-tot-20240510183159097.htm