Cha mẹ làm gì khi phát hiện con đang nói dối?

Thông thường, những lời nói dối của trẻ đều đến từ nỗi sợ làm cha mẹ thất vọng hoặc không hài lòng. Vì vậy, cha mẹ hãy nhẹ nhàng và kiên quyết khi xử lý những lời nói dối của con, bất kể con đang ở độ tuổi nào.

Hầu hết trẻ em đều nói dối vì những việc làm sai chúng mắc phải (Ảnh: ParentCircle).

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số dấu hiệu nhận biết phụ huynh cần chú ý khi con có một số hành vi, biểu hiện và cử chỉ liên quan đến việc nói dối.

Tránh/thay đổi chủ đề cuộc trò chuyện

Nếu trẻ tỏ ra nhẹ nhõm khi cuộc trò chuyện về một chủ đề cụ thể kết thúc hoặc cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của cha mẹ để tránh cuộc thảo luận về chủ đề đó, thì đây có thể là những dấu hiệu cho thấy chúng đang che giấu một điều nào đó và cha mẹ nên tìm hiểu về vấn đề đó thêm một chút. Trẻ em thường có những hành vi như vậy để tránh bị phát hiện đang nói dối hoặc rơi vào tình huống không thoải mái buộc chúng phải nói dối.

Ngoài ra, khi câu trả lời của trẻ không nhất quán và thiếu liên kết, có thể chúng chưa có cơ hội luyện tập lại lời nói dối mà mình mới nghĩ ra, hoặc nếu câu trả lời của con có vẻ kỹ lưỡng và trơn tru hơn bình thường thì đó cũng có thể là một dấu hiệu khác của việc nói dối.

Tránh giao tiếp bằng mắt

Thông thường, những đứa trẻ sẽ tránh nhìn vào mắt hoặc không thể giao tiếp bằng mắt với cha mẹ khi chúng đang nói dối. Vì vậy, nhiều trẻ ở lứa tuổi nhỏ hơn hiếm khi có thể nhìn thẳng vào mắt cha mẹ chúng khi đang nói dối. Đối với trẻ lớn hơn, theo thời gian và kinh nghiệm, trẻ có thể học cách nhìn thẳng mặt cha mẹ chúng ngay cả khi đang không nói thật.

Ngoài ra, nếu trong lúc trò chuyện, con luôn giữ khoảng cách với cha mẹ như có một cuốn sách hoặc một chiếc gối để trước ngực như một vật chắn, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy trẻ đang bất an và lúng túng.

Thay đổi cử chỉ của cơ thể

Nếu trẻ liên tục thay đổi tư thế trong khi nói chuyện với bạn, đó có thể là dấu hiệu cho thấy con không thoải mái với những gì mình đang nói và có thể không đưa ra những lời nói chân thực.

Ngoài ra, các trạng thái như bồn chồn, chớp mắt quá nhiều hoặc có các phản ứng như cử động tay, chạm vào mặt, mũi hoặc gãi tai đều là những dấu hiệu của việc nói dối.

Đôi khi, khi con thay đổi cao độ giọng nói, từ giọng trầm lên giọng cao, hoặc tốc độ nói bắt đầu thay đổi, điều đó có thể có nghĩa là trẻ đang lo lắng. Vì vậy, trẻ có thể nói nhanh hơn bình thường hoặc thường xuyên bị nói lắp, ngắt quãng.

Trì hoãn trả lời

Việc lặp lại câu hỏi trước khi trả lời hoặc trì hoãn câu trả lời có thể là do trẻ đang cố suy nghĩ để tìm kiếm câu trả lời phù hợp, điều này có thể dễ dàng nhận biết. Ngoài ra, nếu con không trả lời trực tiếp câu hỏi của bạn, điều đó có thể có nghĩa là mặc dù lương tâm không cho phép con nói dối nhưng con vẫn cần phải nói dối vì một lý do nào đó.

Dành cho trẻ 2 đến 3 tuổi

Trẻ ở độ tuổi còn quá nhỏ không thể phân biệt được nói dối là xấu. Vì vậy, khi trẻ kể cho cha mẹ nghe một câu chuyện không xảy ra, hãy trả lời nhẹ nhàng và gợi ý về diễn biến câu chuyện thực tế thay vì buộc tội trẻ nói dối. Ngoài ra, cha mẹ hãy luôn thể hiện và nói với con rằng: “Dù thế nào đi nữa, mẹ vẫn yêu con”. Điều này sẽ mang lại cho trẻ sự tự tin để có thể bộc bạch với cha mẹ chúng về bất cứ điều gì.

Dành cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi

Khi con trẻ đang nói dối, có thể trẻ sẽ có lý do riêng. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ khi nhận thấy con nói dối có thể sẽ mất kiểm soát cảm xúc và phản ứng gay gắt. Hình phạt hay lời nói trì triết không thể giải quyết được vấn đề đã xảy ra. Thay vào đó, hãy bình tĩnh và thể hiện với con bằng sự đồng cảm.

Đừng gán cho con cái mác là kẻ nói dối ngay cả khi con đang nói dối bởi những biệt danh nặng nề sẽ hủy hoại lòng tự trọng của trẻ. Thay vào đó, hãy tìm hiểu nguyên do của lời nói dối, sau đó hãy giúp trẻ nói chuyện về những gì thực sự đã xảy ra. Sau đó cha mẹ có thể giúp con giải quyết vấn đề của mình.

Dành cho trẻ từ 6 đến 12 tuổi

Khi cha mẹ nhận thấy con đang nói dối, việc cảm thấy tức giận là điều đương nhiên. Tuy nhiên, hãy dành một chút thời gian để ổn định cảm xúc trước khi trò chuyện với con. Điều này giúp cha mẹ có lập trường trung lập khi lắng nghe câu chuyện của con và kết nối với cảm xúc của con. Thông thường, con đều thấy sợ hãi khi phải kể sự thật với cha mẹ chúng, do vậy cách tiếp cận này sẽ khuyến khích con nói sự thật.

Hãy đánh giá cao sự trung thực của con trước khi cả hai bắt đầu giải quyết vấn đề khiến con càng tin tưởng rằng cha mẹ sẽ luôn hỗ trợ và dành lời khuyên thay vì trừng phạt chúng khi phạm lỗi hoặc làm sai, do đó con sẽ càng thành thật và giảm bớt lời nói dối của mình.

Cha mẹ hãy trở thành một hình mẫu tốt trong mắt con của mình. Ví dụ, khi cha mẹ đưa ra lời hứa với trẻ chỉ để đạt được mục đích của mình nhưng lại không thực hiện điều đó, nó là một số tín hiệu sai khiến con có thể hiểu lầm rằng, chúng cũng có thể nói dối như vậy.

Bên cạnh đó, hãy luôn tìm hiểu lý do tại sao con lại nói dối, thông thường, đó là nỗi sợ làm cha mẹ thất vọng hoặc không hài lòng. Vì vậy, hãy nhẹ nhàng và kiên quyết khi xử lý những lời nói dối của con, bất kể con đang ở độ tuổi nào.

Hương Giang

Nguồn Trẻ em Việt Nam: https://treemvietnam.net.vn/cha-me-lam-gi-khi-phat-hien-con-dang-noi-doi-d4436.html