Chấm dứt giấc mơ làm giàu bằng mua bán nhà ở Trung Quốc

Nhiều người trẻ không còn niềm tin vào cách làm giàu bằng mua bán nhà đất như thời cha mẹ, họ đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực của tương lai.

Giống như hàng triệu thanh niên Trung Quốc khác, Byron Zhang nghĩ rằng mình đã bỏ lỡ cơ hội. Đối với thế hệ cha mẹ của anh, đầu tư vào bất động sản là con đường chắc chắn dẫn đến giàu có và thịnh vượng.

Nhưng giờ đây, khi giá nhà đất sụt giảm, quy mô dân số co lại, những căn hộ chưa hoàn thành và không bán được chất chồng lên nhau. Giấc mơ làm giàu bằng bất động sản đã vụt tắt, theo Bloomberg.

Con đường mới

Zhang (37 tuổi), người đồng sáng lập một công ty khởi nghiệp dược phẩm ở trung tâm công nghệ Thâm Quyến, cho biết: "Nếu vẫn coi việc đầu tư vào bất động sản như một cách để phát triển tài sản, bạn đang có suy nghĩ không ổn".

Zhang và các đồng nghiệp của anh không từ bỏ mơ ước làm giàu. Họ nhận thức được rằng một công việc được trả lương cao chỉ có thể đưa họ đến một mức độ đủ đầy nào đó, trong khi sự đầu tư đúng đắn có thể mang đến sự thay đổi.

Hơn 90% công dân Trung Quốc có trình độ đại học trong độ tuổi 22-32 nói rằng đầu tư là một phần quan trọng trong kế hoạch cuộc sống của họ, theo một cuộc khảo sát của Invessco hồi tháng 2 với 3.000 người.

Nhưng người trẻ Trung Quốc đang mất đi nhiều lựa chọn. Các quy định và kiểm soát vốn hạn chế việc mua cổ phiếu trên các sàn giao dịch chứng khoán ở nước ngoài. Tiền điện tử bị cấm. Trái phiếu không mang lại đủ lợi nhuận. Lợi nhuận từ các sản phẩm quản lý tài sản do ngân hàng phát hành đã giảm.

 Thực tế ảm đảm của lĩnh vực bất động sản khiến người trẻ không còn mơ làm giàu bằng nhà đất. Ảnh: SCMP.

Thực tế ảm đảm của lĩnh vực bất động sản khiến người trẻ không còn mơ làm giàu bằng nhà đất. Ảnh: SCMP.

Hans Fan, người đứng đầu nghiên cứu tài chính Trung Quốc tại công ty môi giới CLSA, ước tính dòng vốn tích lũy vào thị trường tài chính từ tất cả hộ gia đình Trung Quốc sẽ vượt quá 18 nghìn tỷ USD từ năm 2021 đến năm 2030.

“Bảng cân đối tài chính hộ gia đình là một mỏ vàng. Một lượng lớn tiền mới sẽ đổ vào các sản phẩm được quản lý chuyên nghiệp", ông Fan nói với các khách hàng tại diễn đàn các nhà đầu tư hàng đầu của công ty vào cuối năm 2022.

Sẵn sàng tất tay

Trong thị trường đầu tư sôi động này, các nhà quản lý quỹ cá nhân đôi khi trở thành ngôi sao hoặc kẻ phản diện.

Trong thời kỳ đại dịch, các nhà đầu tư đổ xô xem các buổi livestream của các nhà quản lý quỹ, những người sẽ nói về thông tin và lợi nhuận của họ trước khi đưa ra quan điểm riêng về thị trường.

Sự quan tâm đến các nhà quản lý đầu tư này vẫn ở mức cao, đặc biệt là trong giới trẻ Trung Quốc. Theo Huanju Tech, một nền tảng cung cấp dịch vụ tiếp thị cho các tổ chức tài chính, vào năm 2022, có gần 60% người xem dưới 39 tuổi.

Wang Jiahui (29 tuổi), biệt danh "chị Hui", là một trong những nhân vật quan trọng trong ngành này. Là người dẫn chương trình cho China Asset Management, cô đã thực hiện hơn 100 buổi phát trực tiếp, thu hút 45 triệu lượt xem và 1,1 triệu lượt thích trong năm qua.

Cô cho biết sự phân chia giữa các thế hệ rất rõ ràng. Trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, nơi có nhân khẩu học người dùng lớn tuổi, chương trình theo chủ đề tài sản rất phổ biến. Trên Bilibili, các video về mặt trái của đầu tư bất động sản thu hút nhiều người xem hơn.

 Thế hệ trẻ tích cực đầu tư vào chứng khoán, các lĩnh vực giải trí và văn hóa. Ảnh: The Investor.

Thế hệ trẻ tích cực đầu tư vào chứng khoán, các lĩnh vực giải trí và văn hóa. Ảnh: The Investor.

Các nhà đầu tư trẻ cũng muốn có sự lựa chọn. Wang cho biết trong khi thế hệ trước chủ yếu mua các sản phẩm do ngân hàng giới thiệu, thế hệ trẻ hơn không còn mua theo cách truyền thống, mà phần lớn thông qua các nền tảng Internet.

Các công cụ như ứng dụng Alipay cho phép người dùng mua bán, đầu tư bằng một cú nhấp chuột.

Các nhà đầu tư trẻ tuổi dường như cũng khao khát tối đa hóa lợi nhuận.

"Họ háo hức chấp nhận rủi ro. Họ muốn những khoản tiền của mình tập trung vào một lĩnh vực cụ thể hơn là những khoản vốn được cân bằng. Họ muốn chơi tất tay", Wang nói.

Điều đó không khiến Li Wei (31 tuổi), một nhà văn tự do ở Côn Minh, tây nam Trung Quốc, ngạc nhiên. Đó cũng là cách anh đang làm.

Năm 2020, lo sợ thị trường sụp đổ, anh quyết định đã đến lúc thoát khỏi bất động sản và bán tài sản đầu tư của mình. Anh dành khoảng 20% lợi nhuận vào một loạt tài sản: cổ phiếu, tiền mặt và đồ sưu tầm như bộ Lego và tượng nhỏ trong trò chơi. Những món đồ sưu tầm không có tính thanh khoản cao, nhưng anh ấy thích chúng.

Nhận thấy ngày càng có nhiều nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc, Li cũng bỏ tiền vào trái phiếu chuyển đổi, mang lại sự đảm bảo về thu nhập trái phiếu và hoàn trả gốc cùng với tùy chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu nếu giá cổ phiếu tăng.

Trung Quốc hiện là thị trường trái phiếu chuyển đổi lớn thứ hai trên thế giới, theo nhà quản lý tài sản Thụy Sĩ Union Bancaire Privee. Tất cả trái phiếu đều được xếp hạng và giao dịch trao đổi.

Li quyết tâm tham gia sớm vào các lĩnh vực chiến thắng trong tương lai.

"Cơ hội lớn nhất dành cho thế hệ của chúng ta nằm trong lĩnh vực kinh doanh liên quan đến công nghệ, văn hóa và giải trí. Làm giàu bằng bất động sản và tài sản cố định đã kết thúc chu kỳ của nó. Chúng ta không thể lặp lại thành công của cha mẹ mình", Li nói.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cham-dut-giac-mo-lam-giau-bang-mua-ban-nha-o-trung-quoc-post1423046.html