Chăm lo '3 an' cho người lao động

Thực hiện đầy đủ chính sách về tiền lương, nhà ở… và hàng loạt chế độ ưu đãi khác là những giải pháp đang được doanh nghiệp (DN) và các cấp ngành tỉnh Bắc Giang quan tâm thực hiện nhằm bảo đảm '3 an' (an ninh, an sinh, an toàn) cho người lao động. Qua đó, thu hút lao động đến làm việc và gắn bó với DN.

Nhiều chính sách thiết thực

Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu, KCN Quang Châu (thị xã Việt Yên) là DN có 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc). Năm 2024, DN áp dụng mức lương cơ bản 5,1 triệu đồng/người/tháng (cao hơn mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP). Người lao động được DN đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, còn được hưởng phụ cấp đi lại, chuyên cần, ăn ca, tiền thuê nhà trọ… tương đương hơn 2 triệu đồng/người. Nhiều năm, DN không có tình trạng chậm hay nợ lương của người lao động.

Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu tổ chức trao thưởng cuộc thi cắm hoa nghệ thuật cho cán bộ, đoàn viên công đoàn.

Bên cạnh đó, đời sống tinh thần của người lao động cũng được quan tâm. Mỗi tháng, Công đoàn Công ty tổ chức từ 2-3 hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao tạo sự gắn kết giữa lao động với DN. Dịp kỷ niệm Chiến thắng 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay, thời điểm này, Công đoàn đã bắt đầu triển khai chuỗi hoạt động sôi nổi như: Giải bóng đá (nam, nữ), thi cắm hoa, tổ chức sinh nhật tập thể cho công nhân, bồi dưỡng kiến thức, chăm sóc sức khỏe sinh sản… Qua đó góp phần thu hút và giúp người lao động thêm gắn bó với DN. Công ty hiện có gần 20 nghìn công nhân, tăng gần 7 nghìn so với năm 2023. Anh Nguyễn Văn Vĩ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết: “Năm nay, Công ty mở rộng quy mô sản xuất, ký thêm được nhiều đơn hàng với đối tác mới nên công nhân có thêm việc làm, thu nhập bình quân tăng hơn, đạt từ 10-11 triệu đồng/người/tháng".

Công ty TNHH Nichirin, KCN Quang Châu (chuyên sản xuất dây dẫn dầu xe máy) nhiều năm được Liên đoàn Lao động tỉnh trao danh hiệu “DN vì người lao động”. Môi trường làm việc của DN luôn xanh, sạch, đẹp và thân thiện. Bên ngoài khu vực sản xuất có bàn, ghế, cây nước (nóng, lạnh), sách báo để phục vụ người lao động nghỉ giữa giờ. Lao động nữ mang thai từ tháng thứ 5 trở lên được sắp xếp làm công việc nhẹ nhàng hơn. Làm việc tại DN từ khi mới thành lập đến nay, chị Nông Thị Lành, quê ở tỉnh Hòa Bình cho biết: “Công ty tạo việc làm, thu nhập ổn định (từ 9-12 triệu đồng/tháng); lãnh đạo DN luôn gần gũi, lắng nghe, quan tâm giải quyết kịp thời đề nghị của người lao động; chi trả lương, thưởng và các khoản phụ cấp đúng hẹn nên tôi coi Công ty là mái nhà thứ hai của mình”.

Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam, KCN Quang Châu (thị xã Việt Yên) cũng được đánh giá là DN có nhiều chính sách ưu đãi cho người lao động như: Không yêu cầu lao động làm đêm, không đi qua cửa từ; bố trí xe buýt đưa, đón công nhân miễn phí, đóng bảo hiểm đầy đủ; bảo đảm việc làm, mức thu nhập từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.

Không riêng 3 DN trên, xác định người lao động là chủ thể, đóng vai trò quyết định sự phát triển của sản xuất nên thời gian qua, các DN tại Bắc Giang đều quan tâm, có nhiều chính chăm lo đời sống người lao động. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 541/606 DN có công đoàn cơ sở tổ chức bữa ăn ca cho lao động; 100% DN có bếp ăn tập thể, giá trị bữa ăn ca từ 18 nghìn đồng/suất trở lên; hơn 87% số DN đang hoạt động đã thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Ghi nhận vai trò tích cực của DN trong chấp hành tốt quy định pháp luật, tích cực chăm lo đời sống người lao động, từ năm 2018 đến nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tôn vinh gần 400 lượt “DN tiêu biểu vì người lao động”.

Giúp người lao động an cư

Toàn tỉnh có 9,5 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động. Để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với DN, tỉnh Bắc Giang xác định cần bảo đảm thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ để công nhân “an cư, lạc nghiệp”. Với sự nỗ lực tham gia của các cấp, ngành, địa phương, đến nay toàn tỉnh có gần 5,7 nghìn nhà trọ với hơn 70 nghìn phòng trọ tập trung ở thị xã Việt Yên; các huyện: Yên Dũng, Tân Yên, Hiệp Hòa và TP Bắc Giang. Các phòng trọ bảo đảm diện tích, ánh sáng, nước sạch hợp vệ sinh… cơ bản đáp ứng điều kiện sinh hoạt.

Môi trường làm việc tại Công ty TNHH Crystal Martin luôn được bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Nhiều DN còn chi hàng tỷ đồng xây dựng ký túc xá, bố trí chỗ ở ưu đãi cho công nhân ở xa như khu ký túc xá của Công ty cổ phần Tập đoàn Zô, phường Quang Châu (thị xã Việt Yên). Khu nhà được thiết kế hiện đại nằm ngay vị trí trung tâm có hoạt động giao thương sôi động, gồm 9 tầng, gần 100 phòng ở (diện tích từ 25-35 m2/phòng, có thể cho 8 - 10 người ở). Các phòng đều có tiện nghi phục vụ sinh hoạt như giường tầng, chăn, tủ đựng đồ cá nhân, bình nóng lạnh, điều hòa, mạng Internet... với chi phí thuê chỉ 500 nghìn đồng/người/tháng bao gồm cả tiền điện, nước.

Toàn tỉnh có 9,5 nghìn DN đang hoạt động, tạo việc làm cho hơn 300 nghìn lao động. Để người lao động yên tâm gắn bó lâu dài với DN, tỉnh Bắc Giang xác định cần bảo đảm thực hiện đồng bộ chính sách hỗ trợ để công nhân “an cư, lạc nghiệp”.

Ngoài ra, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai với tổng số dự kiến khoảng 28 nghìn căn hộ. Trong số này có 11 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân. Toàn tỉnh còn có 5 dự án khu đô thị có xây dựng nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân với tổng số 3,8 nghìn căn hộ… Khu nhà ở xã hội Evergreen Bắc Giang, phường Nếnh (thị xã Việt Yên) quy mô 16 tòa nhà ở chung cư cao 20 tầng và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Tính đến tháng 4/2024, có gần 1 nghìn căn hộ đủ điều kiện bàn giao, trong đó gần 300 căn đã được đăng ký nhận nhà và đang trong giai đoạn bàn giao.

Đồng hành cùng DN chăm lo đời sống lao động còn có tổ chức công đoàn, các cấp ngành, đoàn thể... Trong năm 2023, LĐLĐ tỉnh chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, DN tổ chức trao kinh phí xây dựng, sửa chữa 43 nhà ở “Mái ấm Công đoàn” với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng; bố trí nhiều chuyến xe đưa hàng nghìn công nhân lao động ở xa về quê ăn Tết; tổ chức Chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết", gian hàng “0 đồng”, tặng quà đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Đời sống tinh thần của công nhân, người lao động cũng được chú trọng. Nhiều hoạt động dành cho người lao động được tổ chức như: Khiêu vũ, hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát, tư vấn pháp luật, bốc thăm trúng thưởng, tư vấn các gói dịch vụ (bảo hiểm, khám sức khỏe miễn phí, tư vấn nhà ở xã hội, tư vấn gói du lịch…). Các mô hình tổ tự quản về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy tại các khu trọ; câu lạc bộ thanh niên công nhân được quan tâm thành lập. Hoạt động tôn vinh, khen thưởng công nhân lao động sáng tạo, DN tiêu biểu vì người lao động được tổ chức kịp thời.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho hay, mặc dù hầu hết các DN đều đối mặt với khó khăn do khủng hoảng sau đại dịch Covid-19 song nhiều chủ DN đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tìm kiếm đơn hàng mới, tổ chức lại sản xuất, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đáp lại sự quan tâm ấy, hầu hết người lao động sẵn sàng nghỉ luân phiên hoặc làm tăng ca, kíp, thậm chí cả ngày nghỉ, dịp lễ, Tết khi DN có yêu cầu, chú trọng học tập, rèn giũa tay nghề, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần thúc đẩy DN phát triển.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/cham-lo-3-an-cho-nguoi-lao-dong-102352.bbg