Chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp sử dụng lò hơi

Vụ nổ lò hơi ở Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu) mặc dù đã xảy ra 3 tuần nhưng khi nhắc đến sự việc, nhiều công nhân vẫn còn lo lắng, nhất là lao động làm việc trong ngành gỗ trên địa bàn tỉnh.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh. Ảnh:L.Mai

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp sản xuất gỗ trên địa bàn tỉnh. Ảnh:L.Mai

Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra của các ngành chức năng đối với doanh nghiệp (DN) sử dụng lò hơi phục vụ sản xuất cần tăng cường hơn, nhất là về hạn sử dụng, kiểm định, kỹ thuật để sớm phát hiện, chấn chỉnh DN vi phạm nếu không khai báo sử dụng thiết bị, hạn chế sự việc tương tự xảy ra.

Nhiều lao động lo lắng

Gắn bó với ngành gỗ hơn 6 năm nay tại một DN sản xuất gỗ ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) nhưng chưa lúc nào, anh Lê Trọng Hiến lại lo lắng khi đến DN làm việc như lúc này. Anh Hiến cho biết, từ sự việc nổ lò hơi xảy ra vừa qua, anh luôn có tâm trạng hoang mang vì công ty nơi anh làm việc hiện đang sử dụng lò hơi để phục vụ sản xuất. Khu vực anh làm việc là sơn sản phẩm, lại gần vị trí đặt lò hơi nên anh luôn nhắc nhở bản thân phải tuân thủ các quy định về an toàn lao động.

Theo anh Hiến, nơi anh làm việc có gần 200 công nhân, đa số là người miền Tây. Những năm qua, lao động đều gắn bó với công ty và làm việc chăm chỉ. Tuy nhiên, DN ít huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho công nhân cũng như cảnh báo nguy hiểm ở các khu vực sản xuất.

Hưởng ứng Tháng Hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề Tăng cường đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng, trong những ngày qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác an toàn lao động tại các DN, công trình xây dựng và mỏ khai thác đá để chấn chỉnh kịp thời các vi phạm về luật an toàn lao động.

“Lò hơi tại công ty hoạt động liên tục nhưng từ trước đến nay, công nhân vào ca đều tập trung làm việc, ít khi để ý đến quy trình hoạt động của loại thiết bị này. Từ vụ tai nạn lao động do nổ lò hơi vừa qua, chúng tôi đã cảnh giác hơn nhưng vẫn cảm thấy lo lắng về sự an toàn của nó” - anh Hiến chia sẻ.

Tâm trạng của anh Hiến cũng là nỗi lo của nhiều lao động khi làm việc tại các DN có sử dụng lò hơi. Chị Lê Thị Ngọc, làm việc tại Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh, cho biết sau khi xảy ra sự cố tai nạn lao động, công nhân đã nghỉ làm để DN giải quyết hậu quả. Tuy nhiên, khi nhắc lại sự việc, chị vẫn còn lo sợ bởi đã trực tiếp chứng kiến hiện trường vụ việc.

“Đến giờ, tâm lý của tôi và một số lao động vẫn còn hoang mang vì sự việc đến quá nhanh, công nhân không kịp trở tay. Tôi hy vọng các DN cần đảm bảo an toàn cho công nhân trong quá trình làm việc” - chị Ngọc cho biết.

Hiện nay, rất nhiều công ty sản xuất, gia công chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh đều sử dụng lò hơi cung cấp năng lượng nhiệt sấy gỗ và khí nén cho việc sơn, vệ sinh, ép gỗ… Song việc các DN đã kiểm định, đăng ký sử dụng các thiết bị trên với ngành chức năng hay chưa rất khó xác định. Do đó, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thời điểm này rất quan trọng để chấn chỉnh các DN vi phạm về sử dụng thiết bị quá hạn, không kiểm định, gây mất an toàn lao động.

Như tại vụ nổ lò hơi ở Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh, Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, DN này chưa đăng ký sử dụng thiết bị an toàn lao động đối với lò hơi và cũng chưa có các giấy tờ kiểm định lò hơi. Trong khi đó, theo quy định của pháp luật thì lò hơi là một trong những thiết bị phải kiểm định an toàn lao động nghiêm ngặt và phải đăng ký với Sở Lao động, thương binh và xã hội tại nơi công ty hoạt động. Sau khi được sự chấp thuận của sở, DN mới được đưa lò hơi vào vận hành phục vụ sản xuất.

Cần đẩy mạnh kiểm tra

Theo ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam), áp suất khi nổ lò hơi là rất lớn và tạo ra nguy hiểm cho công nhân lao động nếu trong quá trình sử dụng DN không bảo trì, bảo dưỡng, kiểm định. Trực tiếp tới hiện trường vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra ở Đồng Nai để đánh giá nguyên nhân, kỹ thuật, ông Thơ thấy rõ quy trình sản xuất còn thiếu an toàn. Hậu quả là đã xảy ra tai nạn lao động và hậu quả nặng nề cho công nhân và người thân của họ.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Ảnh:L.Mai

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra, giám sát công tác an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp. Ảnh:L.Mai

Ông Thơ cho biết thêm, hiện nay, nhiều nhà máy, nơi làm việc và cả những hệ thống quản lý an toàn của các DN đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn thảm khốc, đặc biệt ở ngành gỗ. Ngành gỗ ở Việt Nam đang rất phát triển nhưng các vấn đề về an toàn lao động, bảo vệ sức khỏe của người lao động (NLĐ), các yếu tố nguy hiểm, độc hại cũng phát sinh theo. Ngoài ra, các bộ phận chuyển động của máy cắt, máy cưa cũng dễ xảy ra tai nạn lao động.

Cùng với đó, nguyên vật liệu (thân gỗ, dăm gỗ, bụi gỗ…) đều là những yếu tố có thể gây ra chấn thương và bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, các thiết bị khác như: nồi hơi, nguồn điện đều phát sinh những yếu tố nguy cơ mất an toàn và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của NLĐ. Do đó, DN cần xác định mối nguy hiểm cũng như rủi ro về sử dụng thiết bị này nếu như không được kiểm định chặt chẽ. Mỗi DN phải tự đánh giá hệ thống công nghệ, điều kiện làm việc, máy móc, thiết bị và trình độ, năng lực từ người sử dụng lao động đến từng NLĐ.

Thực tế, trong những đợt kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động tại các DN trên địa bàn tỉnh, nhất là ngành gỗ cho thấy, việc thiếu an toàn lao động vẫn xảy ra như: lao động làm việc không được trang bị bảo hộ lao động, nhất là khi sử dụng máy cắt gỗ. Một số xưởng sản xuất, gỗ chất đống cao nhiều tầng nhưng không có cảnh báo nguy hiểm. Ngoài ra, quy trình sản xuất thiếu chặt chẽ; máy móc, thiết bị bố trí thiếu an toàn… Đó là những nguy cơ dễ xảy ra tai nạn lao động mà cả DN và NLĐ không lường trước được hậu quả.

Thời gian qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh đã hướng dẫn, đề nghị các DN khắc phục hạn chế có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động; tuy nhiên, những vụ tai nạn lao động đáng tiếc vẫn xảy ra. Trong khi đó, NLĐ thiếu ý thức về tuân thủ các quy định về an toàn lao động do không được DN huấn luyện hoặc đề ra các yêu cầu nghiêm ngặt trong sử dụng thiết bị, máy móc sản xuất. DN còn thờ ơ, thực hiện an toàn lao động mang tính hình thức, chủ yếu để đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra.

Sở Lao động, thương binh và xã hội cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đơn vị kiểm tra các DN sử dụng lò hơi, máy nén khí trong sản xuất, nhất là lĩnh vực sản xuất gỗ để có đánh giá tổng hợp cũng như kiểm định chất lượng của các thiết bị sản xuất. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân có sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/cong-doan/lao-dong-viec-lam/202405/chan-chinh-hoat-dong-cac-doanh-nghiep-su-dung-lo-hoi-2ee375b/