Chặn thực phẩm 'bẩn' từ gốc

Thực phẩm là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao song trên thị trường xuất hiện không ít sản phẩm mập mờ về nguồn gốc xuất xứ. Dù nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm đã bị lực lượng chức năng xử lý song tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Bày bán thực phẩm không rõ nguồn gốc

Khảo sát trên thị trường nhận thấy tình trạng thực phẩm (chủ yếu là hàng đóng gói sẵn) nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được bày bán tại các cửa hàng lớn, nhỏ ở cả nông thôn và thành thị. Tại chợ Thương, phường Trần Phú (TP Bắc Giang), nhiều cửa hàng bán nguyên liệu pha chế trà sữa, nước ngọt không rõ nguồn gốc; dầu ăn đông đặc giữa tiết trời nắng nóng; các mặt hàng như hành phi, ruốc… đóng trong túi ni-lông không có nhãn mác, hạn sử dụng. Khi hỏi về nguồn gốc sản phẩm, chủ các cửa hàng tỏ ý không hài lòng, trả lời chung chung là nhập hàng từ các tổng đại lý.

 Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Ảnh: CTV.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng kinh doanh thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc tại thị trấn Chũ (Lục Ngạn). Ảnh: CTV.

Tìm hiểu về thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, chủ yếu là thịt bò, chúng tôi thấy giá mặt hàng này mỗi nơi một khác. Một cơ sở tại thị trấn Vôi (Lạng Giang) báo giá thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Ấn Độ là 116 nghìn đồng/kg thịt thăn, 130 nghìn đồng/kg thịt bắp; thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ giá gần 200 nghìn đồng/kg… nhưng không cung cấp thông tin về nguồn gốc xuất xứ. Trong khi đó, một số cửa hàng, siêu thị bán thịt bò đông lạnh với giá 300-450 nghìn đồng/kg. Điều này đặt ra nghi vấn về chất lượng của thịt đông lạnh nhập khẩu giá rẻ.

Thực phẩm mập mờ về nguồn gốc cũng “bủa vây” các trường học, chủ yếu là các loại bánh kẹo, đồ chiên nướng, nước ngọt… Thời gian qua, nhiều vụ học sinh trong cả nước bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn đồ mua từ quán hàng rong là hồi chuông cảnh báo về tác hại từ nhóm thực phẩm này.

Vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm nhưng thực tế thực phẩm “bẩn” vẫn được bày bán trên thị trường. Nguyên nhân do chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Chế tài xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong khi hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng này đem lại lợi nhuận cao.

Thời gian qua, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh quy mô lớn, các kho hàng. Các cửa hàng tạp hóa, chợ dân sinh là nơi người tiêu dùng thường xuyên mua sắm. Tại đây thường có nhiều loại hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc song chưa được kiểm tra, xử lý triệt để.

Ở khâu lưu thông, các đối tượng thường vận chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc ngoài giờ hành chính, sử dụng xe có thùng kín, thay đổi xe và biển số, đi đường vòng để qua mắt lực lượng chức năng. Ngoài kinh doanh trực tiếp, nhiều tổ chức, cá nhân còn kinh doanh online nên khó xác định kho hàng. Đối với thịt đông lạnh nhập khẩu, đại diện Chi cục Thú y cho hay, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) chịu trách nhiệm quản lý nhóm hàng trên.

Chi cục Thú y chỉ được phép kiểm dịch đối với động vật, sản phẩm động vật tiêu dùng nội địa; việc kiểm tra sản phẩm động vật nhập khẩu được thực hiện khi có sự ủy quyền của cấp trên, phối hợp liên ngành hoặc nghi ngờ sản phẩm có dấu hiệu vi phạm. Vì vậy, việc quản lý mặt hàng đông lạnh nhập khẩu thời gian qua tại tỉnh còn có những khó khăn nhất định.

Tăng cường kiểm soát

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh trinh sát, bám nắm địa bàn, xử lý nhiều vụ vi phạm. Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) phối hợp kiểm tra hơn 300 vụ, xử lý gần 240 trường hợp vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng hóa tịch thu, trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Hàng hóa vi phạm gồm: Xúc xích, bánh kẹo, bim bim, thạch, bột nếp, bột mì, nước ngọt, thịt và xương lợn, chân gà, sản phẩm động vật đông lạnh…

Thống kê từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT phối hợp kiểm tra hơn 300 vụ, xử lý gần 240 trường hợp vi phạm; tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng hóa tịch thu, trị giá hàng hóa tiêu hủy gần 3 tỷ đồng. Trong đó, nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Cuối tháng 4/2024, lực lượng chức năng kiểm tra hai hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) phát hiện hơn 500 kg sản phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ gồm nầm lợn, thịt ba chỉ bò, chân gà, cánh gà, gà ủ muối…(một số sản phẩm quá hạn sử dụng). Đại diện cả hai cơ sở này đều khai nhận mua các sản phẩm đông lạnh trôi nổi trên thị trường rồi bảo quản ở kho lạnh, sau đó bán cho người tiêu dùng kiếm lời. Tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 20 triệu đồng...

Ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết thêm, thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; đặc biệt quan tâm trinh sát, kiểm tra đột xuất các điểm phát nguồn hàng hóa, ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng từ gốc, khi đó sẽ hạn chế được thực phẩm "bẩn" xuất hiện tại các cửa hàng.

Đề nghị những người bán hàng rong, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh; không sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, không an toàn; không sử dụng phẩm màu độc hại, các chất phụ gia, hóa chất ngoài danh mục cho phép để sản xuất, chế biến thực phẩm.

Hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bày bán tràn lan trên thị trường có phần trách nhiệm của cơ quan chức năng trong công tác quản lý. Vì không phải là người có nghiệp vụ, chỉ bằng mắt thường, người tiêu dùng cũng nhận thấy hàng hóa không được đóng gói, in ấn đúng quy định. Do vậy, cùng với giải pháp trên, nhiều ý kiến đề xuất cần có giải pháp mạnh tay, quyết liệt hơn nữa để tăng tính răn đe, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật nhằm ngăn chặn hiệu quả hàng lậu, hàng giả, hàng nhái.

Thành Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chan-thuc-pham-ban-tu-goc-071953.bbg