Chàng thủ khoa đã 'có công mài thép'...

Việc Trung úy Phan Thanh Tùng, nguyên học viên K42 (khóa 2019-2023) Trường Sĩ quan Đặc công được giữ lại trường làm giảng viên sau khi tốt nghiệp không khiến đồng đội ngạc nhiên, bởi nhiều người biết rõ những nỗ lực không ngừng cùng thành tích học tập xuất sắc của Tùng trong cả khóa học.

Trung úy Phan Thanh Tùng quê ở xã Hải Phú (Bố Trạch, Quảng Bình), vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Ông nội của Tùng là sĩ quan Hải quân nhân dân Việt Nam, nguyên thuyền trưởng tàu chiến đấu thuộc Trung đoàn Hải quân 171 (tiền thân của Lữ đoàn 171 Hải quân ngày nay), từng tham gia nhiều trận đánh ác liệt với quân thù trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bố Tùng là đảng viên, cán bộ có uy tín ở địa phương. Truyền thống quê hương, gia đình đã thấm sâu vào tâm trí của Phan Thanh Tùng từ khi còn nhỏ, nuôi dưỡng ước mơ trở thành sĩ quan Quân đội như ông nội của mình. Năm 2019, Tùng đăng ký và thi đỗ vào Trường Sĩ quan Đặc công với số điểm cao.

Thượng sĩ Phan Thanh Tùng (nay là Trung úy) đón nhận danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu Binh chủng Đặc công năm 2021. Ảnh do nhân vật cung cấp

Thượng sĩ Phan Thanh Tùng (nay là Trung úy) đón nhận danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu Binh chủng Đặc công năm 2021. Ảnh do nhân vật cung cấp

- Sao Tùng không chọn học trường khác mà lại chọn học Trường Sĩ quan Đặc công có nhiều vất vả?-Tôi hỏi chàng sĩ quan trẻ.

- Môi trường học tập ở Trường Sĩ quan Đặc công đúng là một “phép thử” ý chí, nghị lực, lòng quả cảm của bất kỳ bạn trẻ nào. Trước khi đăng ký thi vào Trường Sĩ quan Đặc công, bạn bè cùng trang lứa cũng khuyên tôi cần cân nhắc kỹ vì học trường này vừa vất vả, vừa nguy hiểm, trong khi lực học của tôi có thể thi đỗ một số trường tốp đầu. Nhưng tôi vẫn giữ vững lập trường của mình vì tôi nghĩ rằng càng môi trường khó khăn, gian khổ, thậm chí là khắc nghiệt thì càng kiểm nghiệm và thể hiện được năng lực thực sự của bản thân-Trung úy Phan Thanh Tùng bộc bạch.

Phan Thanh Tùng cũng chia sẻ rằng, qua những câu chuyện được nghe ông nội và các cựu chiến binh kể, đặc biệt là qua phim ảnh, tư liệu lịch sử, Tùng rất ngưỡng mộ "tinh thần thép" cùng những chiến thắng đã trở thành huyền thoại của Bộ đội Đặc công. Không riêng Trường Sĩ quan Đặc công mà ở các học viện, nhà trường Quân đội, việc tự học, tự rèn, tự đào tạo đối với mỗi học viên rất quan trọng. Ngoài tập trung nghe giảng, nắm chắc kiến thức ngay từ trên lớp, Tùng luôn chủ động tự học tập, nghiên cứu, không ngừng trau dồi kiến thức, luyện thành thạo động tác, kỹ năng; tích cực rèn luyện thể lực để đáp ứng yêu cầu huấn luyện đặc thù của Bộ đội Đặc công, nhất là rèn luyện võ thuật, chiến thuật, sức chịu đựng khó khăn, gian khổ để sẵn sàng thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh.

Đó chính là lý do Phan Thanh Tùng đạt danh hiệu học viên giỏi trong suốt quá trình học tập; từ năm 2021-2023 được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; được tuyên dương Gương mặt trẻ tiêu biểu Binh chủng Đặc công năm 2021 và 2022. Tùng cũng xuất sắc vượt qua các bài thi khó nhất chuyên ngành đặc công nước, trở thành thủ khoa đầu ra các khóa đào tạo tốt nghiệp năm 2023 của Trường Sĩ quan Đặc công và được giữ lại trường công tác.

NGUYỄN HỒNG SÁNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/chang-thu-khoa-da-co-cong-mai-thep-744314