Chàng trai Bahnar đa tài

Anh Đinh Hốt (SN 1994 ở làng Tpôn, xã Chơ Long, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) không những đan lát, tạc tượng giỏi, mà còn biết chế tác, sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống, trình diễn cồng chiêng và hát dân ca.

Đinh Hốt là con thứ 6 trong gia đình có 7 anh chị em. Lúc nhỏ, mỗi lần nghe mẹ hát ru là Hốt nằm yên lắng nghe. Theo tháng năm những giai điệu mượt mà, sâu đậm đã thấm vào tâm trí cậu bé Hốt. Khi lên 10 tuổi, Hốt đã có thể hát một số bài dân ca dễ nhớ, dễ thuộc. Được mẹ chỉ bảo và “tầm sư học đạo” từ các nghệ nhân, đến nay anh Hốt đã hát được những bài dân ca khó của người Bahnar ở Kông Chro như ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, đôi lứa, ngợi ca các anh hùng chiến đấu chống lại cái ác, bảo vệ dân làng, giáo dục mọi người tích cực học tập, lao động sản xuất, xây dựng quê hương.

Anh Đinh Hốt (ngồi bên trái) biểu diễn hát dân ca tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu nhi huyện Kông Chro lần thứ VI năm 2024. Ảnh: Ngọc Minh

Anh Đinh Hốt (ngồi bên trái) biểu diễn hát dân ca tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu nhi huyện Kông Chro lần thứ VI năm 2024. Ảnh: Ngọc Minh

“Để hát được dân ca, ngoài có năng khiếu còn phải rèn các kỹ năng từ cách lấy hơi đến việc luyến láy sao cho tròn vành, rõ chữ và phải luyện tập thường xuyên”-anh Hốt bật mí.

Khi còn nhỏ, Hốt rất thích quan sát anh trai Đinh Kyêi chẻ lạt, đan gùi. “Hốt thường ngồi cạnh chăm chú quan sát, rồi lấy những cọng mây, thanh tre đan vào nhau. Thấy em thích đan lát, tôi nhẹ nhàng cầm tay chỉ bảo từng bước cơ bản về đan lát. Chỉ hơn 1 tuần, Hốt đã biết đan rổ, rá; 15 tuổi Hốt biết đan gùi. Sau đó em đi học hỏi thêm kinh nghiệm từ những người thạo nghề trong làng. Qua đôi tay khéo léo của Hốt, các sản phẩm làm ra chắc chắn, hoa văn truyền thống trang trí khoa học bắt mắt. Hốt đã tặng 1 chiếc gùi, 1 chiếc rổ đẹp cho Bảo tàng tỉnh trưng bày”-anh Kyêi kể.

Hàng ngày, tranh thủ lúc nông nhàn, anh Đinh Hốt chăm chỉ, nghiên cứu đan những chiếc gùi, rổ nhiều hoa văn đẹp. Ảnh: Ngọc Minh

Hàng ngày, tranh thủ lúc nông nhàn, anh Đinh Hốt chăm chỉ, nghiên cứu đan những chiếc gùi, rổ nhiều hoa văn đẹp. Ảnh: Ngọc Minh

Với khả năng đan lát của mình, năm 2022, anh Hốt được xã Chơ Long chọn tham gia thi đan lát tại Liên hoan không gian văn hóa cồng chiêng huyện Kông Chro và anh đã xuất sắc giành giải nhất.

Chia sẻ kinh nghiệm đan lát, anh Hốt nói: Để đan được sản phẩm bền đẹp, trước hết phải chẻ lạt thật đều, sau đó vót nhẵn 2 mặt và chọn những sợi cây mây dài mềm dẻo kết nối các chi tiết. Một chiếc gùi có bố cục, hình dáng, hoa văn đẹp, anh đan khoảng 1 tháng; còn gùi thường đựng đồ, mang lên nương rẫy thì đan khoảng 1 tuần. Với rổ, rá thường, anh đan 1-2 ngày là xong, còn rổ, rá có hoa văn bắt mắt thì 3-5 ngày.

Không chỉ giỏi đan lát, chàng trai Bahnar Đinh Hốt còn biết tạc tượng. “Tạc tượng thường diễn ra trong lễ bỏ mả hoặc tại các hội thi. Mỗi lần diễn ra sự kiện này, tôi sẽ nấn ná xem các nghệ nhân, người lớn tạc tượng như thế nào, rồi học hỏi làm theo. Khi nắm vững kiến thức, kỹ thuật tạc tượng, tôi xin gia nhập nhóm tạc tượng của làng để học hỏi, nâng cao tay nghề. Đến nay, tôi đã tạc được những bức tượng hình con thú, hình người có hồn và được dân làng đánh giá cao”-anh Hốt cho hay.

Không chỉ đan lát giỏi, anh Đinh Hốt còn biết sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Không chỉ đan lát giỏi, anh Đinh Hốt còn biết sử dụng nhiều nhạc cụ truyền thống. Ảnh: Ngọc Minh

Cảm mến cậu thanh niên ham học hỏi, yêu bản sắc văn hóa dân tộc, một số nghệ nhân, lão làng tận tình chỉ bảo anh Hốt cách sử dụng các nhạc cụ truyền thống như: Đàn bầu, krông buk, t’rưng, kơ ní, trống và diễn tấu cồng chiêng. Từ những kinh nghiệm, kỹ năng của mình, anh Hốt cùng người già, nghệ nhân truyền dạy hát dân ca, trình diễn cồng chiêng cho thanh-thiếu niên trong làng.

Năm 2023, trên cơ sở nguyện vọng của thiếu niên và tinh thần ủng hộ của cha mẹ, làng Tpôn thành lập đội cồng chiêng nhí với 32 thành viên từ 9-13 tuổi, do anh Hốt hướng dẫn. Em Đinh Đen (SN 2011)-thành viên đội cồng chiêng nhí làng Tpôn hồ hởi nói: “Sau giờ lên lớp, các thành viên sẽ chủ động đến nhà rông luyện tập cồng chiêng. Nhờ anh Hốt chỉ bảo, nay chúng em đã biết diễn tấu bài mừng lúa mới, về nhà rông mới và tham gia trình diễn cồng chiêng tại một số lễ hội, hội thi. Anh Hốt cũng dạy chúng em hát dân ca, biết trân quý bản sắc văn hóa, truyền thống cha ông”.

Ông Đinh Tânh-Phó trưởng thôn Tpôn cho biết: Những năm qua, trên cơ sở góp sức của Hốt, đến nay làng Tpôn có 1 đội cồng chiêng nữ, 1 đội cồng chiêng nhí và 1 đội cồng chiêng thanh niên, người lớn. So với lứa tuổi thanh niên trong làng, Hốt nổi trội hơn cả về mọi mặt. Làng giao cho Hốt phối hợp với một số người lớn đánh cồng chiêng giỏi hướng dẫn, luyện tập cho đội cồng chiêng nữ và đội cồng chiêng nhí. Năm 2023, Hốt được cử đi tham gia lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho nghệ nhân trẻ người Bahnar do Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức. “Chúng tôi rất tự hào về Hốt. Hy vọng với niềm đam mê, tinh thần trách nhiệm, Hốt tiếp tục học hỏi, sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều thanh-thiếu niên hơn nữa, góp phần lan tỏa, gìn giữ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-ông Tânh bày tỏ.

Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của anh Đinh Hốt, nhiều thanh-thiếu niên làng Tpôn biết diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Minh

Dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo của anh Đinh Hốt, nhiều thanh-thiếu niên làng Tpôn biết diễn tấu cồng chiêng. Ảnh: Ngọc Minh

Nhận xét về đoàn viên Đinh Hốt, chị Huỳnh Bảo Ngọc-Bí thư Đoàn xã Chơ Long thông tin: Anh Hốt luôn đi đầu trong các phong trào văn hóa do làng, Đoàn xã phát động. Từ những kinh nghiệm của mình, anh Hốt đã dẫn dắt đội cồng chiêng và đội hát dân ca của làng tham gia nhiều hội thi đạt kết quả cao. Điển hình là: Đạt giải B hát dân ca trong Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai lần thứ VI-năm 2023 do Tỉnh Đoàn-Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Gia Lai tổ chức tại thị xã An Khê; đạt giải A tại Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca thanh-thiếu nhi và triển lãm các vật dụng truyền thống của người Bahnar lần thứ V năm 2023 do Huyện Đoàn Kông Chro phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện tổ chức; đạt giải B Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu nhi lần thứ VI năm 2024, do Huyện đoàn phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin tổ chức.

“Thời gian tới, Đoàn xã tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể xã và làng Tpôn tạo điều kiện cho anh Hốt tham gia các hội thi cồng chiêng, tạc tượng, đan lát, hát dân ca do xã, huyện, tỉnh tổ chức để anh Hốt học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm, phát huy năng khiếu của mình. Đồng thời giới thiệu mô hình xây dựng đội cồng chiêng, đội hát dân ca của anh Hốt cho đoàn viên, thanh niên trong xã và trên địa bàn huyện”.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chang-trai-bahnar-da-tai-post278115.html