Chất lượng đội ngũ quyết định thành công

Xác định giáo viên là nhân tố quyết định sự thành công khi triển khai các chương trình giảng dạy trong nhà trường, thời gian qua, ngành Giáo dục và đào tạo T.P Sông Công luôn chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần chuẩn hóa đội ngũ giáo viên ở các cấp học.

 Một buổi sinh hoạt chuyên đề ở Trường Tiểu học Cải Đan (T.P Sông Công).

Một buổi sinh hoạt chuyên đề ở Trường Tiểu học Cải Đan (T.P Sông Công).

Bà Lê Na, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo T.P Sông Công cho biết: Thành phố hiện có 36 trường, trong đó có 8 trường THCS, 11 trường tiểu học và 17 trường mầm non với tổng số cán bộ quản lý, giáo viên là trên 1.000 đồng chí. Ngay từ đầu năm học, để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Phòng đã yêu cầu các Nhà trường xây dựng kế hoạch năm học cụ thể, phù hợp đặc điểm, tình hình của đơn vị; chỉ đạo các Nhà trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, hội thảo theo hướng thiết kế bài học; đổi mới hình thức thi giáo viên dạy giỏi ở các cấp học… Cùng với đó, Phòng cũng thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, từng bước nâng cao về chất lượng, trình độ đào tạo…

Trường THCS Nguyễn Du là trường có số lượng học sinh khá đông (trên 1.500 học sinh). Nhà trường hiện có 76 cán bộ, giáo viên. Để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng nhu cầu dạy học, Nhà trường đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm đánh giá đúng năng lực của giáo viên thông qua các giờ dạy trên lớp. Bà Dương Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Nhà trường thông tin: Xác định sinh hoạt chuyên đề là nhiệm vụ quan trọng, bởi vậy ngay từ đầu năm học, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, giao 4 tổ chuyên môn của Nhà trường xây dựng giáo án và cử giáo viên thực hiện giờ dạy trên lớp (trong năm học, 1 tổ sẽ thực hiện 4 chuyên đề). Sau đó, các tổ chuyên môn khác dự giờ. Căn cứ vào việc học sinh của lớp đó có hiểu bài không, hiểu như thế nào, có hứng thú với bài giảng của cô giáo không… Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá, nhận xét việc thực hiện chuyên đề của tổ chuyên môn đó có hiệu quả không. Chính vì các buổi sinh hoạt chuyên đề là sản phẩm trí tuệ của cả nhóm nên giáo viên sẽ rút kinh nghiệm cho những tiết dạy sau, góp phần nâng cao chất lượng trong công tác dạy học của giáo viên.

Một cách làm mới của T.P Sông Công trong thời gian qua, đó là thực hiện theo Thông tư 22 của Bộ giáo dục và đào tạo quy định về Hội thi giáo viên dạy giỏi, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới hình thức thi giáo viên dạy giỏi ở bậc Tiểu học. Theo đó, thay vì phải có sáng kiến kinh nghiệm như mọi năm, các giáo viên tham gia Hội thi năm nay phải trình bày biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy. Trong phần thi thực hành, giáo viên chỉ được bốc thăm bài dạy trước mà không được bốc thăm trước là sẽ dạy ở lớp nào, tránh tình trạng gặp học sinh trước lúc thi để dặn dò. Cô giáo Trần Thị Thủy, giáo viên dạy Tiếng Anh, Trường Tiểu học Cải Đan cho hay: Tháng 12 vừa qua, tôi được Nhà trường lựa chọn và cử tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức. Tôi thấy, Hội thi năm nay khác với mọi năm đó là tôi không được biết trước mình sẽ dạy ở lớp nào. Trong quá trình thi dạy một tiết ở trên lớp, có một số tình huống sư phạm xảy ra nhưng tôi cũng không cảm thấy lúng túng khi xử lý các tình huống đó.

Trong quá trình giáo viên tham gia thi, cán bộ chuyên viên của Phòng Giáo dục và đào tạo xuống dự giờ, chấm thi. Qua đó, đánh giá giáo viên một cách thực chất hơn về kỹ năng xử lý tình huống sư phạm; đưa ra những góp ý, trao đổi để phương pháp dạy học của giáo viên trở nên chất lượng hơn.

Bên cạnh đó, để nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ giáo viên trong các nhà trường, Phòng Giáo dục và đào tạo T.P Sông Công cũng yêu cầu các nhà trường phải thường xuyên xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cho giáo viên ngay từ đầu năm học; tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ… Song song với đó, Phòng cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra (báo trước và đột xuất) nhằm đánh giá một cách chính xác và toàn diện năng lực của giáo viên…

Nhờ những cách làm hay, biện pháp giảng dạy phù hợp, công tác quản lý được tổ chức bài bản, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên trên địa bàn T.P Sông Công không ngừng được nâng cao. Ở các cấp học, trình độ của giáo viên đều đạt chuẩn và trên chuẩn. Trong đó, bậc Tiểu học và THCS, giáo viên có trình độ trên chuẩn đạt trên 98%, bậc Mầm non là trên 85%. Nói về kế hoạch thời gian tới, bà Lê Na cho biết thêm: Chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo các Nhà trường xây dựng kế hoạch để bồi dưỡng, đào tạo giáo viên; tích cực tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề theo cụm giữa các trường cùng cấp học; quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo chuẩn nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và đào tạo ban hành, bảo đảm thực chất, gắn với thi đua, khen thưởng để tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo gắn bó với nghề… Phấn đấu năm 2025, 100% giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục mới.

Vi Vân

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/giao-duc/chat-luong-doi-ngu-quyet-dinh-thanh-cong-280408-100.html