CHẤT VẤN VIỆC CHẬM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ CÔNG: RÕ VƯỚNG MẮC, ĐỀ RA GIẢI PHÁP PHÙ HỢP

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV chiều 06/11 về việc chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công hiện nay, TS.Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nhận diện đúng vướng mắc và có đề xuất giải pháp phù hợp.

Ngày 06/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực kinh tế tổng hợp gồm kế hoạch và đầu tư; tài chính; ngân hàng. Tại phiên chất vấn, các đại biểu quan tâm đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, tình trạng lãng phí, tiêu cực trong quản lý tài sản công, tình hình giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, việc triển khai công tác quy hoạch, thu hút đầu tư...Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng nhà nước đã trả lời trực tiếp và có phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp, khắc phục.

Toàn cảnh phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Toàn cảnh phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Trả lời đại biểu Hà Đức Minh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai về việc triển khai thực hiện dự án đầu tư công chậm do phải thực hiện xong phần bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì mới triển khai thực hiện được dự án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính nhất là phần về chuẩn bị đầu tư gồm từ chủ trương đầu tư, lập dự án đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư, thẩm định thiết kế, dự toán, lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, giải phóng mặt bằng. Đây là những khâu có thể nói là kéo dài nhất và làm cho vốn đầu tư công không giải ngân được, làm ứ đọng ngân sách gây ra lãng phí. Do đó, cần có giải pháp để rút ngắn thời gian và đơn giản hóa các thủ tục hành chính những khâu này.

Đồng thời, đối với vấn đề giải phóng mặt cần phải tách ra khỏi dự án, xem như là một dự án đầu tư. Bởi vì giải phóng mặt bằng sẽ kéo dài rất lâu. Muốn giải phóng mặt bằng được thì phải có bản vẽ thi công và phải đóng mốc, phải trích lục địa chính, thành lập hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng, phải kiểm kê, xây dựng đơn giá, áp giá, phê duyệt, thu hồi đất, v.v. rất nhiều thủ tục. Do đó, nếu giải phóng mặt bằng đi trước một bước sẽ tiến hành nhanh hơn các dự án.

Bên cạnh đó, vốn cho chuẩn bị đầu tư không nên trói vào trong Luật Đầu tư mà nên dùng chi thường xuyên để giao cho chính quyền địa phương và các bộ ngành lập dự án đầu tư cần thiết. Khi có đầy đủ dự án đầu tư sẽ bố trí kế hoạch đầu tư công, như vậy sẽ triển khai dự án được một cách nhanh hơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Đánh giá về phần trả lời này của Bộ trưởng Bộ Tài chính, TS.Nguyễn Đình Cung cho rằng, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, nhận diện đúng vướng mắc và có đề xuất giải pháp phù hợp.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài chính liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công?

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương TS.Nguyễn Đình Cung: Tôi cho rằng trong giải phóng mặt bằng tái định cư là một trong những vướng mắc của giải ngân đầu tư công. Điều này đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ rõ và giải pháp được đưa ra cũng rất phù hợp. Đó là phải tách giải phóng mặt, tái định cư thành dự án riêng ra khỏi dự án đầu tư. Hiện nay Luật chưa cho phép điều đó. Do đó, thời gian qua, Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết để cho phép thí điểm thực hiện vấn đề này ở một số dự án như dự án đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đường vanh đai 4 vùng Thủ đô và một số dự án đường cao tốc khác.

Tuy nhiên, về lâu dài để khắc phục vướng mắc trong thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công cần phải sửa luật để cho phép tách hạng mục giải phóng mặt bằng, tái định cư thành một dự án độc lập và phải được thực hiện trước. Nếu làm được điều này sẽ giải quyết thêm được nhiều vấn đề khác.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng cần cải cách thủ tục hành chính nhất là phần về chuẩn bị đầu tư. Tôi cho rằng cần phải tách khâu chuẩn bị dự án đầu tư ra khỏi quy trình đầu công. Đây là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan có thẩm quyền. Việc chuẩn bị đầu tư không nên tạo ra áp lực để buộc phải đưa dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn khi chưa đủ chất lượng.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương TS.Nguyễn Đình Cung

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương TS.Nguyễn Đình Cung

Phóng viên: Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm trong phiên chất vấn lần này là chậm thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Đây là vấn đề đã được đề cập nhiều tại các kỳ họp Quốc hội. Theo ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương TS.Nguyễn Đình Cung: Trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời thẳng và không né tránh về vấn đề này. Tôi cho rằng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện nay không thể nhanh được. Bởi cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty đều là những doanh nghiệp có cơ cấu tài sản lớn, phức tạp, đa dạng nhất là tài sản về đất đai. Trong khi hiện nay việc định giá đất, định giá tài sản doanh nghiệp...nếu chưa thực sự làm rõ các nội dung này thì rất khó thực hiện.

Theo tôi, trong thời điểm này không nên tạo áp lực cổ phần hóa mà nên tập trung cho cải cách, thay đổi để nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước, tập đoàn thực hiện các dự án đầu tư quan trọng quốc gia, đi tiên phong tạo ra những sản phẩm mới, ngành mới./.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81795