Châu Âu tìm kiếm gì ở vũ điệu ngoại giao với Trung Quốc?

Một loạt lãnh đạo cấp cao của châu Âu đã tới Bắc Kinh với hy vọng thuyết phục Trung Quốc hạn chế bớt sự ủng hộ đối với Nga. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga đã trở nên sâu sắc hơn rất nhiều trong trong những năm qua và càng được củng cố bởi mối quan hệ nồng ấm giữa cá nhân lãnh đạo của hai nước.

Mục đích của vũ điệu ngoại giao châu Âu

Ba nhà lãnh đạo cấp cao của châu Âu bao gồm Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đi hàng ngàn dặm tới Bắc Kinh trong những ngày gần đây để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên trọng tâm của các cuộc thảo luận của họ lại nằm gần quê nhà hơn: vấn đề của Nga.

Các cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với các quan chức châu Âu diễn ra trong bối cảnh châu Âu tiếp tục quay cuồng với tác động của việc cắt đứt quan hệ thương mại với Nga và căng thẳng địa chính trị đang gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do vậy, làm thế nào để thể hiện lập trường một châu Âu thống nhất muốn thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thuyết phục Bắc Kinh đóng vai trò trung gian trong giải quyết vấn đề Ukraine trong khi vẫn không làm mếch lòng Hoa Kỳ, sẽ là nhiệm vụ khó khăn của cả Tổng thống Macron và bà Ursula von der Leyen.

Với mối quan hệ Mỹ-Trung đang ở dưới đáy, Bắc Kinh thực sự rất muốn tránh một cuộc tranh cãi công khai kéo dài với Liên minh châu Âu, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Thật vậy, một động lực trong “kế hoạch hòa bình” gồm 12 điểm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố hồi tháng 2, vốn tập trung nhiều vào các nguyên tắc chung hơn là các ý tưởng chi tiết, đang làm dịu dư luận châu Âu và quốc tế rộng lớn hơn về lập trường của Trung Quốc đối với cuộc xung đột, thay vì là một kế hoạch chi tiết thực tế để nhanh chóng giải quyết xung đột.

Mối quan hệ xấu đi của Trung Quốc với Mỹ đã tạo thêm đòn bẩy cho quan hệ của Trung Quốc với châu Âu. Bắc Kinh rất muốn nối lại các cuộc thảo luận về Thỏa thuận đầu tư toàn diện giữa EU và Trung Quốc, một thỏa thuận đã được thống nhất về nguyên tắc vào tháng 12.2020, nhưng vẫn chưa được Nghị viện châu Âu phê chuẩn và ít có triển vọng được thông qua trong tương lai gần sau khi hai bên áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào cá nhân và thực thể của nhau, trong đó có nhiều nghị sỹ và quan chức cao cấp.

Đặc biệt, Tổng thống Pháp Macron sẽ nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy châu Âu củng cố cái mà ông gọi là “quyền tự chủ chiến lược” so với các cường quốc toàn cầu khác trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Tháp tùng Tổng thống Macron trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 5-8.4 là Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire và Bộ trưởng Ngoại giao Catherine Colonna, cùng với những người đứng đầu khoảng 50 công ty bao gồm Veolia, EDF và Airbus.

Trong bối cảnh châu Âu muốn duy trì can dự với Trung Quốc, điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều nếu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp tục đứng về phía Nga. Do đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen đã nói rằng khối 27 thành viên nên tập trung vào việc “giảm thiểu rủi ro” về mặt ngoại giao và kinh tế, mà không cần “tách rời” hoàn toàn khỏi Bắc Kinh.

Trong khi Trung Quốc sẽ tận dụng các chuyến thăm gần như cùng lúc này của các nhà lãnh đạo châu Âu để giữ ổn định cho mối quan hệ này, thì Thủ tướng Sanchez, Chủ tịch Ủy ban von der Leyen và Tổng thống Macron cũng có chương trình nghị sự của riêng họ với Trung Quốc, đó là, họ hy vọng sẽ làm mất đi sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Moscow. Ngay trước chuyến thăm, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã tuyên bố quan hệ EU-Trung Quốc trong tương lai sẽ tùy thuộc vào mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Nga.

Còn theo nhà phân tích Antoine Bondaz, chuyên gia của Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, Paris hy vọng Trung Quốc sẽ thể hiện lập trường rõ ràng đối với tuyên bố của Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus. Từ trước đến nay, Bắc Kinh có quan điểm nhất quán phản đối triển khai vũ khí hạt nhân ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Một câu trả lời của Trung Quốc, cho dù không rõ ràng, sẽ tạo điều kiện để Pháp khẳng định vai trò là cường quốc có trách nhiệm đối với hệ thống chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Các nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng loạt tới thăm Trung Quốc. Ảnh: AFP, Franceinfo

Các nhà lãnh đạo châu Âu bao gồm Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đồng loạt tới thăm Trung Quốc. Ảnh: AFP, Franceinfo

Lợi ích kinh tế của mối quan hệ Nga-Trung

Tuy nhiên, ngay cả khi Trung Quốc chưa có ý định – vào lúc này – xích lại gần hơn đáng kể với Putin, thì không có khả năng châu Âu sẽ thành công trong việc phá vỡ mối quan hệ Nga-Trung trong thời gian tới, trừ khi Nga vượt quá giới hạn và vượt ra ngoài một trong những “lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc đã đặt ra, chẳng hạn như sử dụng vũ khí hạt nhân .

Một lý do khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó có thể quay lưng với Tổng thống Putin, trong trường hợp ông Putin vẫn tại vị, không chỉ là vì sự nồng ấm chính trị của họ trong nhiều năm qua, mà còn là mối quan hệ kinh tế song phương đang phát triển và có ý nghĩa sống còn với Trung Quốc. Lý do thứ hai là động lực chính trong kế hoạch của nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm “tiếp tục ưu tiên quan hệ đối tác chiến lược” với Moscow, đặc biệt là trong bối cảnh quan hệ với Mỹ đang trở nên lạnh nhạt như hiện nay.

Năm 2018, ông Tập cho biết quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung là “mối quan hệ cấp cao nhất, sâu sắc nhất và có ý nghĩa chiến lược nhất giữa các nước lớn trên thế giới” và gọi Putin là “người bạn thân thiết nhất, tốt nhất của tôi”. Về mặt an ninh, hai nước thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung.

Đối thoại kinh tế của Trung Quốc và Nga đã trở nên sâu sắc hơn đáng kể kể từ năm 2014. Các dự án hợp tác bao gồm các giải pháp thay thế cho hệ thống chuyển khoản liên ngân hàng Swift được sử dụng trên toàn cầu như một phần trong kế hoạch tạo ra một cơ sở hạ tầng kinh tế và tài chính chung cho phép chúng hoạt động độc lập với các tổ chức tài chính do phương Tây thống trị.

Chương trình hợp tác kinh tế này đã thúc đẩy các quan điểm chung, mạnh mẽ hơn về các vấn đề chính của khu vực và toàn cầu, chẳng hạn như về Triều Tiên, mà cả Nga và Trung Quốc đều có biên giới trên đất liền.

Nói tóm lại, với mối quan hệ của Trung Quốc và Nga với Mỹ có vẻ khó lường hơn bao giờ hết, hai nhà lãnh đạo là Tập Cận Bình và Putin có thể ngày càng chú trọng đến quan hệ đối tác của họ, bất chấp mọi bất đồng nào về Ukraine. Trong khi điều này được củng cố bởi các đối thoại kinh tế và chính trị ngày càng tăng, tình cảm gần gũi cá nhân của họ dường như cũng cho thấy: mối quan hệ song phương sẽ chỉ có thể nồng ấm hơn nếu cả hai vẫn còn tại vị.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chau-au-tim-kiem-gi-o-vu-dieu-ngoai-giao-voi-trung-quoc--i322304/