Châu Thành xây dựng nông thôn mới bền vững từ phát triển kinh tế nông nghiệp

Những năm gần đây, phát triển kinh tế hộ được xem là mắt xích quan trọng trong nền kinh tế của huyện Châu Thành. Nhờ cách làm bài bản, áp dụng các giải pháp giảm giá thành, nhiều mô hình kinh tế hộ đã trở thành điểm sáng của kinh tế huyện, là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Châu Thành được xem là huyện đi đầu của tỉnh trong khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế nông hộ. Từ nhiều năm trước, địa phương đã phát động phong trào cải tạo vườn tạp, khai hoang phục hóa để trồng cây ăn trái, rau màu, cây có múi. Đến nay, những vườn cây ăn trái, những cánh đồng rau màu liên tục phát triển, khẳng định được hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân nơi đây.

Nhờ chuyển đổi sang trồng sầu riêng, gia đình ông Nguyễn Phi Thành (xã Phú Hựu) có nguồn thu nhập ổn định

Tại ấp Phú Long, xã Phú Hựu, vườn cây ăn trái của nông dân Nguyễn Phi Thành xanh tốt quanh năm. Trên diện tích vườn 6.000m2, gia đình ông Thành đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới thông minh để trồng sầu riêng theo hướng sạch. Dưới bàn tay cần mẫn và kinh nghiệm canh tác tự đúc kết, vườn sầu riêng (120 gốc) gần 5 năm tuổi đã mang lại thu nhập đáng để cho gia đình ông. Với sản lượng trên 9 tấn trái, giá bán 140.000 đồng/kg, vụ đầu tiên (năm 2023), trừ chi phí lợi nhuận, ông thu được trên 700 triệu đồng. “So với lúa, vườn tạp, sầu riêng cho thu nhập gấp 3 đến 4 lần. Mức thu nhập này giúp nông dân yên tâm sản xuất”, ông Thành chia sẻ.

Bên cạnh sầu riêng, nhiều mô hình cây ăn trái, hoa màu được nông dân lựa chọn cũng cho hiệu quả kinh tế ổn định. Đặc biệt, các mô hình nhãn, hoa màu, nuôi trồng thủy sản theo mô hình VietGAP không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, đem lại sản phẩm an toàn mà còn góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng nguồn kinh tế.

Ông Mai Hữu Tâm (xã An Nhơn) sản xuất cây ăn trái kết hợp dùng phân hữu cơ tự chế giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận

Đến thăm mô hình trồng cây ăn trái (nhãn, chôm chôm, mít...) theo hướng hữu cơ của ông Mai Hữu Tâm ở ấp Tân Phú, xã An Nhơn, tận mắt chứng kiến quy trình canh tác theo hướng hữu cơ của ông, chúng tôi cảm nhận được tâm huyết xây dựng mô hình sản xuất sạch, an toàn của người dân nơi đây. Ông Tâm cho biết, hơn 1 năm nay, vườn cây ăn trái hơn 1ha của ông đều sử dụng phân bón do ông “tự chế”, nhờ đó tăng năng suất, giảm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường thông qua việc giảm lượng phân, thuốc vô cơ. “Từ khi thực hiện mô hình kinh tế kết hợp, cộng với việc ứng dụng các biện pháp giảm chi phí sản xuất, lợi nhuận của gia đình tăng hơn trước 2 - 3 lần. Nếu không chuyển đổi sang cây ăn trái, cứ bám mãi với cây lúa thì chỉ đủ ăn, cuộc sống chật vật”, ông Tâm nói.

Từ hiệu quả của các mô hình kinh tế, nhiều người dân trên địa bàn huyện đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp, thực hiện các mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao. Hiện toàn huyện Châu Thành có hơn 8.800ha trồng cây ăn trái và gần 4.500ha hoa màu. Việc chuyển đổi sang các mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa từ 5 - 8 lần. Trong đó, đáng chú ý là các mô hình trồng sầu riêng, nhãn, bưởi cho thu nhập từ 300 triệu - 700 triệu đồng/ha/năm.

Mô hình trồng nhãn theo hướng sạch của thành viên Canh Tân Hội quán (xã An Nhơn)

Đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế

Theo UBND huyện Châu Thành, với kinh nghiệm sản xuất, nông dân trồng cây ăn trái đã biết nắm bắt nhu cầu thị trường và có sự điều chỉnh một cách phù hợp. Nhiều mô hình sản xuất nông sản theo hướng sạch, an toàn đã được áp dụng trên địa bàn huyện, đặc biệt là việc ứng dụng mô hình “Sử dụng rác thải sinh hoạt, phụ phẩm nông nghiệp tạo ra chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất” đã mang lại hiệu quả rất tích cực; nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí, bảo vệ môi trường, đặc biệt là tạo ra các sản phẩm an toàn.

Để hỗ trợ kinh tế hộ, ngoài linh hoạt các chính sách về vốn, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, huyện còn tăng cường kết nối, quảng bá, tạo đầu ra cho nông sản địa phương thông qua các ngày hội nông sản (năm 2023, huyện đã tổ chức 4 ngày hội nông sản gồm: Ngày hội sầu riêng, nhãn, khoai lang, Ngày hội nông sản sạch). Qua đó, góp phần đưa nông sản Châu Thành đến gần hơn với người tiêu dùng, nhà đầu tư.

Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế nông hộ đang đi đúng hướng và đây là một mắt xích quan trọng để Châu Thành hoàn thành tiêu chí thu nhập, môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn NTM, có 3/11 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao gồm: xã Tân Nhuận Đông (đạt năm 2021), xã An Nhơn (đạt năm 2022), xã Tân Bình (đạt năm 2023). Về hồ sơ huyện NTM, huyện Châu Thành đã bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo góp ý của các bộ, ngành và Văn phòng Điều phối NTM Trung ương. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã có văn bản trình Hội đồng thẩm định Trung ương xét, công nhận huyện Châu Thành đạt chuẩn NTM năm 2023.

Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Phan Thanh Dũng cho biết, huyện tiếp tục xây dựng kế hoạch phát triển vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, gắn với đẩy mạnh chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nhất là ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, rà soát lại hệ thống hạ tầng nông nghiệp; thực hiện các chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế; đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử; thu hút doanh nghiệp liên kết với vùng trồng, từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế nông sản Châu Thành...

MN

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/chau-thanh-xay-dung-nong-thon-moi-ben-vung-tu-phat-trien-kinh-te-nong-nghiep-121925.aspx