Chế tài xử phạt đối với chủ cơ sở cho thuê nhà để xảy ra sự cố cháy nổ?

Xin hỏi, hiện nay pháp luật quy định thế nào về trách nhiệm của chủ cơ sở cho thuê nhà để xảy ra sự cố cháy nổ? – Câu hỏi của bạn Thúy Hòa (Hà Nội).

Ảnh minh họa/ITN

Ảnh minh họa/ITN

Luật sư Nguyễn Hoàng Thịnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội tư vấn như sau:

Đối với công trình xây dựng để cho thuê trọ là nhà ở riêng lẻ được quy định tại khoản 2, Điều 3, Luật nhà ở năm 2014 thì phải xin giấy phép xây dựng trước khi tiến hành xây dựng theo các quy định của Luật xây dựng số 50/2014/QH13 ban hành ngày ngày 18.6.2014, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xây dựng số 62/2020/QH14 ngày 17. 6. 2020 và phải đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy.

Căn cứ theo Phụ lục V, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP "Quy định cho tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phòng cháy và chữa cháy và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng cháy và chữa cháy", các trường hợp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép về PCCC bao gồm:

“1. Trụ sở cơ quan nhà nước các cấp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

2. Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

3. Nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non có từ 100 cháu trở lên hoặc có tổng khối tích 3.000 m3 trở lên; trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; trường cao đẳng, đại học, học viện, trường trung cấp chuyên nghiệp, trường dạy nghề, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác được thành lập theo Luật Giáo dục cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên.

4. Bệnh viện; phòng khám đa khoa, khám chuyên khoa, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, chỉnh hình, nhà dưỡng lão, cơ sở phòng chống dịch bệnh, trung tâm y tế, cơ sở y tế khác được thành lập theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 3.000 m3 trở lên.

5. Nhà hát, rạp chiếu phim, rạp xiếc có từ 300 chỗ ngồi trở lên; trung tâm hội nghị, tổ chức sự kiện cao từ 5 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà văn hóa, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, câu lạc bộ, thẩm mỹ viện, kinh doanh dịch vụ xoa bóp, công viên giải trí, vườn thú, thủy cung cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.500 m3 trở lên.

….”

Như vậy, theo quy định trên, nếu nhà cho thuê cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên thì chủ sở hữu chung cư đó phải xin giấy phép phòng cháy chữa cháy.

Nếu chủ cơ sở cho thuê nhà trọ vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy mà gây ra thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 584, Điều 585 Bộ Luật dân sự 2015, ngoài ra chủ cơ sở còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 115 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật hình sự năm 2017 có quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:

Điều 313. Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy

1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Thái Yến ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/giai-dap-phap-luat/che-tai-xu-phat-doi-voi-chu-co-so-cho-thue-nha-de-xay-ra-su-co-chay-no--i342936/