Chén cơm đồng bằng

Tôi sinh ra ở Bạc Liêu, một tỉnh xa xôi của đồng bằng sông Cửu Long. Ngày tôi còn bé, khoảng 60 năm trước, khi tôi biết bưng chén cơm lên ăn, là tôi được bà mẹ nghèo dầu dãi một sương hai nắng của mình dạy cho bài học về thái độ đối với hạt cơm.

Mỗi lần tôi và cơm rơi vãi, má tôi không la mắng (vì hồi đó có câu nói cửa miệng của nông dân: "Trời đánh tránh bữa ăn”) mà bà chỉ rên rỉ: "Tội chết con ơi!". Rồi bà tự tay nhặt những hạt cơm rơi vãi, chỗ nào sạch thì cho vào miệng ăn hết; chỗ nào bẩn thì gom lại mang đi cho gà, vịt ăn. Má tôi nhặt đến không còn một hạt cơm rơi, bằng bàn tay nhẹ nhàng, như sợ đau đớn hạt cơm. Trong cử chỉ ấy, trong thần thái ấy, khi lớn khôn tôi mới nhận ra: không chỉ là thái độ trân trọng hạt cơm, mà có cả ý niệm linh thiêng, một sự sùng tín đến mê muội về hạt cơm, như thể hạt cơm có linh hồn, có những điều linh thiêng.

Cũng vào thuở tôi còn bé, trong những câu truyện cổ tích kể cho con nghe của các bà mẹ quê, có câu chuyện về hạt lúa: Ngày xửa ngày xưa, hạt lúa to bằng trái dừa khô. Ðến mùa lúa chín, lúa rụng rồi tự lăn vào nhà nông dân trồng lúa. Một bữa nọ, tại nhà một người đàn bà có máu mê cờ bạc, trong lúc mụ ta chuẩn bị đến sòng bạc thì lúa lăn vào chật nhà, cản cả lối đi. Bực tức, bà ta lấy chổi quét nhà, vừa quét, vừa đập lúa để đi ra. Thế là những hạt lúa bể ra, từ đó hạt lúa còn bé xíu như bây giờ. Kể từ đó lúa giận, đến mùa chín, nó không lăn vào nhà như lúc trước.

Minh họa: Minh Tấn

Minh họa: Minh Tấn

Cũng vào thời tôi còn bé, tất cả những ngôi nhà lá của nông dân làng tôi, vùng tôi đều có cái bàn Ông Thiên trước cửa nhà. Cứ ngày rằm, mùng một âm lịch hằng tháng, người ta mang 2 đĩa gạo và muối ra đó mà cúng Trời, Phật. Họ quan niệm, đó là 2 thứ quý giá nhất trên đời, nó có tên gọi "hạt ngọc của trời đất".

Những câu chuyện trên, giống như những khúc đồng dao dập dềnh, bảng lảng bay như những đụn khói đốt đồng của quê nghèo mỗi khi nắng hạn mưa thu, mỗi khi gió chướng về làm phóng khoáng mát mẻ đồng bằng. Cứ thế nó cấy vào tâm khảm không làm sao quên được, để ru hồn cho những đứa con của những miền quê nghèo đói vì chiến tranh, vì lạc hậu. Ðể rồi một hôm, anh ta bật thốt: Không biết vì sao mình lại đương đầu được với dông bão mà sánh bước với đời nhỉ? Và rồi anh ta cũng ngộ ra, là bởi hạt cơm quê nghèo, những bà mẹ quê nghèo đã cho anh ta một nhân cách, đó là nguồn cội sức mạnh của con người.

Nghĩ về hạt cơm của đồng bằng sông Cửu Long, ta cũng bắt gặp nhiều điều khác lạ. Dân tộc ta thì ăn cơm 4.000 năm để đi dựng nước và giữ nước, còn người đồng bằng sông Cửu Long thì lấy cây lúa làm cây tiên phong, giống như một ngọn giáo mà đi mở rộng bờ cõi.

Không đâu trên thế giới có những cuộc đi chinh phục miền đất mới lạ lẫm như ở đồng bằng sông Cửu Long. 500 năm trước, sau khi từ mạn ngoài vào xây dựng xong nền văn minh miệt vườn (vùng Tiền Giang), thì 100 năm sau người Tiền Giang và người tứ xứ mới vượt Sông Tiền, Sông Hậu để chinh phục miền đất mới mà xưa gọi là miệt Hậu Giang. Ðây là vùng đất tính từ tả ngạn Sông Tiền đến Mũi Cà Mau. Cuộc "Nam chinh" này có quy mô lớn với hàng triệu người tham gia và nó kéo dài đến mấy trăm năm.

Cuộc chinh phục miệt Hậu Giang lạ lẫm, đặc biệt là vì đoàn quân chinh phục đất mới không có quân reo ngựa hí, mà đa số những người tham gia đều là tầng lớp sát đáy xã hội, họ bỏ quê cũ vì chiến tranh, vì nghèo đói và trốn chạy ách của địa chủ. Nước mắt họ tưới dài theo đường đi, khoác lên mình kiếp đời tha phương cầu thực, cơ nhỡ, lạc loài. Cứ năm ba dân công rủ nhau lên chiếc xuồng mui kèm đợi mùa gió chướng về mát mẻ, khi đất trời Hậu Giang ngập ngụa hương lúa chín để xuôi về phương Nam gặt mướn. Cũng có khi chiếc xuồng ấy cũng chở theo một ít trái cây miệt vườn rồi tham gia buôn bán, lúc đợi nước ở các vàm sông, ngã năm, ngã bảy... để lấy tiền làm sở phí đi đường. Sau đó hình thành những chợ nổi trên sông rất đặc biệt của miệt Hậu Giang.

Thế nên, người Hậu Giang gọi họ bằng những cái tên "bà con miệt vườn", "dân gặt mướn" hay "khách thương hồ"... Ðây là lực lượng chủ lực khai khẩn Hậu Giang. Họ làm những công việc trên để độ nhật và cũng để cặm dùi trên đất mới, vừa để khai khẩn. Họ dọn rừng, đốt lửa giữa rừng thiêng, trước tiên là để trồng lúa kiếm cái ăn và khi đất đai đã thành thuộc, đời sống ổn định thì mới tính đến chuyện lập vườn, nuôi vịt...

Như vậy có thể nói, công cuộc mở rộng bờ cõi phía Nam không thấy có binh đao, gươm giáo mà thực chất đó là một cuộc triển khai nền nông nghiệp và lấy cây lúa làm tiên phong. Cây lúa như một ngọn giáo để chinh phục đất mới, mở rộng cương thổ. Có nhìn như thế chúng ta mới thấy ý nghĩa của chén cơm đồng bằng.

Miệt Hậu Giang xưa được mệnh danh là “vùng đất hứa”, “đất làm chơi ăn thiệt”... Ðấy là nói theo ý nghĩa đất rộng người thưa, làm chủ đất dễ dàng, chứ thực chất đây là vùng đất xung khắc dữ dội. Nói theo nông dân xưa thì, tìm được miếng ăn là “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” hay “trầy vi tróc vẩy”, “trần ai khoai củ”.

Hồi thế kỷ 19 đã có những câu ca nói về sự khắc nghiệt của vùng “u linh đô địa” này: “Xứ đâu xứ sở lạ lùng/Con chim kêu cũng sợ, con cá rùng mình cũng kinh”. Hay: “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn/Xuống bưng sợ đĩa, lên rừng sợ ma”.

Nói thế để thấy rằng, người đi khẩn hoang trồng lúa xưa kiếm được chén cơm phải đối diện với sương lam, chướng khí, rừng thiêng nước độc; chưa kể cả nạn loạn lạc, cướp bóc ở xứ này như rươi.

Ðừng nói đâu xa, ngày tôi còn bé, tức vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Khi đó, đất đai đã được khai phá xong rồi, hàng xóm đã được định hình ổn định. Vậy mà công việc đồng áng, mùa vụ của nghề trồng lúa thật vất vả vô cùng. Hồi đó hệ thống thủy lợi không như bây giờ, nông dân cứ đắp bờ giữ ngọt để canh tác. Lúc đó là chiến tranh, bom pháo đầy trời. Bom pháo không chỉ giết người mà còn làm vỡ bờ, vỡ đê cho nước mặn tràn vào, làm tiêu tan đồng lúa. Năm 1960 trở về trước, vẫn còn đại bộ phận nông dân canh tác theo cách mà ta có thể tạm gọi là nền nông nghiệp phát cỏ cấy lúa. Tức là người ta dùng phảng để phát cỏ, rồi kéo gom lại thành bờ giồng và dùng nọc cấy tra bụi lúa xuống đất, gọi là cấy nọc. Sau những năm 1960 thì đa số nông dân dùng trâu cày bừa, gọi là nông nghiệp trâu cày. Thế nên thời đó, nhà nào kha khá tí là cũng có nuôi trâu phục vụ cho việc cày bừa. Ðến mãi sau thập niên 70 của thế kỷ 20 thì máy móc nông nghiệp dần dần nhập về và phát triển dần.

Tôi nhớ những năm 1960 làm ruộng cực gấp nhiều lần so với bây giờ và mất mùa liên tục do khoa học - kỹ thuật còn lạc hậu. Hồi đó làm những giống lúa mùa kéo dài đến 5, 6 tháng và chúng rất sợ mặn cũng như sâu bệnh. Năng suất thời ấy 10 giạ/công đất tầm cấy là trúng. Có những năm mưa dứt sớm hay gió bấc về sớm là lúa chín háp. Những bông lúa dựng trắng đồng như dựng cờ tang. Lúc ấy mấy ông lão nông ngồi bó gối thở dài, vì họ biết rằng, năm đó một cái Tết nghèo sẽ đến. Và đời nông dân sẽ trắng tay vì không có lúa ăn, để làm mùa.

Tôi nhớ những năm như thế, má và chị Hai tôi cắp thúng ra đồng, hướng đôi mắt đỏ hoe lục lọi trong những đám cỏ năn, cỏ lác để mót những bông lúa chắc còn sót lại. Hai người đội nắng suốt 1 ngày trời cũng chỉ mót được lưng chừng 1 thúng táo. Má tôi dùng chày giã gạo, giã những hạt thóc ấy ra thành gạo. Ðó là những hạt gạo "sứt đầu, mẻ trán" và ốm o gầy guộc, chứ không tròn trịa mây mẩy như những hạt gạo ở đồng đất trúng mùa. Má tôi nấu thứ gạo ấy thành cơm để nuôi anh em chúng tôi. Tôi ăn những hạt cơm ấy cảm được cái vị làn lạt và mằn mặn, chứ không phải ngọt ngào béo béo như những hạt cơm bây giờ. Phải chăng những hạt gạo ấy đã nhuốm mồ hôi lam lũ của những bà mẹ, người chị quê ta? Phải chăng những hạt gạo ấy được nuôi dưỡng từ nguồn dinh dưỡng suy kiệt của vùng đất phèn mặn quê mình?

Lớn lên, tôi cứ xốn xang một cảm thức, những bà mẹ nghèo, ở quê nghèo nuôi ta lớn lên, sẽ tốn nhiều mồ hôi, nước mắt hơn hẳn những bà mẹ giàu ở những đất nước giàu có. Nó đơn giản như một bài toán cộng: 1 với 1 là 2. Thế nhưng không phải ai cũng làm được bài toán này.

Tôi thấy người ta làm tượng cá ba sa ở An Giang, tượng con tôm ở Cà Mau, và tỉnh Bạc Liêu quê tôi chính quyền sắp dựng tượng 3 con tôm... tôi cứ thổn thức, đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là miệt Hậu Giang, còn thiếu một bức tượng trên tất cả các bức tượng ấy. Ðó là bức tượng đại biểu cho bao thế hệ tiền nhân tiên phong đi mở cõi, để cho Tổ quốc ta thêm rộng, thêm dài. Trong suy nghĩ của tôi, bức tượng có hình người nông dân, mặc bộ đồ bà ba nâu, trên đầu đội chiếc nón tơi, trên vai chiếc khăn rằn và cây vòng gặt, tóc bới củ tỏi; đứng trên nền chiếc xuồng cui, mắt hướng về phương Nam với nỗi buồn tha hương ly xứ, mà cũng chứa chan niềm hy vọng. Bức tượng ấy sẽ làm cho quê hương, đồng bằng sông Cửu Long đầy nhân nghĩa. Nó chính là khuôn vàng thước ngọc khẳng định đạo lý uống nước nhớ nguồn. Ðạo lý về chén cơm của đồng bằng sông Cửu Long, chén cơm ngọt bùi nhân nghĩa./.

Phan Trung Nghĩa

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chen-com-dong-bang-a32169.html